3.3.1. Đề tài này đã được triển khai trong buổi sinh hoạt chuyên đề của tổ Ngữ Văn năm 2017-2018, được đánh giá là đề tài có ý nghĩa thiết thực, cấp thiết. Các giáo viên tổ bộ môn đều phải đảm đương nhiệm vụ dạy học, ôn luyện cho các em học sinh khối 12. Vì vậy, trước sự thay đổi liên tục đề minh họa môn Văn của Bộ giáo dục và đào tạo thì chuyên đề này giúp cho các thành viên trong tổ có thêm nhiều kinh nghiệm trong quá trình đổi mới ra đề cho phù hợp với yêu cầu của kì thi.
3.3.2. Chúng tôi đã áp dụng chuyên đề này cho cả học sinh hệ chuyên lẫn hệ không chuyên trong năm học 2017- 2018 và đã thu được rất nhiều hiệu quả. Sau khi thực hiện chuyên đề, các em học sinh đã nắm vững kĩ năng làm kiểu đề liên hệ so sánh, biết cách triển khai các ý ở phần liên hệ so sánh, đảm bảo cấu trúc hoàn chỉnh của một bài văn. Các em học sinh không còn cảm thấy lúng túng, khó khăn khi đứng trước đề liên hệ so sánh, mà tự tin hơn, làm bài tốt hơn. Kết quả điểm thi bộ môn Ngữ Văn ở trường THPT tác giả đang giảng dạy năm học 2017- 2018 đã chứng minh rõ ràng cho điều đó. Điểm trung bình môn Ngữ Văn ở lớp 12V là 9,0đ; lớp 12SD là 8,72; lớp 12A2 là 8,54 và nhiều lớp khác cũng trên 8,0đ. Đây là những thông tin chính xác có thể kiểm chứng từ số liệu của Sở giáo dục và đào tạo Hà Tĩnh.
3.3.3. Chúng tôi cũng đã áp dụng một phần kiến thức của chuyên đề này vào việc bồi dưỡng học sinh giỏi Tỉnh và học sinh giỏi Quốc gia. Kết quả cho thấy các em học sinh trong đội tuyển được trang bị thêm kiến thức nâng cao về so sánh liên hệ, rèn luyện tư duy so sánh để phát hiện được nhiều vẻ đẹp độc đáo riêng biệt của các đối tượng có chung đề tài, cũng như biết nhận ra nhiều khám phá sáng tạo của nghệ sĩ thể hiện trong từng tác phẩm cụ thể. Kết quả học sinh giỏi Quốc gia bộ môn Ngữ Văn của Tỉnh Hà Tĩnh năm qua cũng là minh chứng thuyết phục cho điều đó.