Thông tin chung về bệnh nhân

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị bệnh nhi HIVAIDS tại bệnh viện a thái nguyên (Trang 52 - 54)

Qua nghiên cứu 103 bệnh nhân, chúng tôi thấy dân tộc kinh chiếm 77,7%, dân tộc thiểu số chỉ chiếm 18,4%, chắc chắn rằng không phải dân tộc thiểu số có số trẻ nhiễm HIV thấp mà có thể do công tác tuyên truyền HIV đến vùng sâu vùng xa chưa được phổ biến sâu rộng vì số lượng nghiện ma túy ở các vùng này rất cao mà qua nghiên cứu của chúng tôi cha bị nhiễm HIV chủ yếu là qua đường nghiện ma túy. Kết quả này phù hợp với dịch tễ ở Thái Nguyên khi tỉ lệ nghiện ma túy ở tỉnh này khá cao tỉ lệ nhiễm HIV ở người nghiện ma túy là 48,4% [28] là tỉnh có số người nhiễm HIV/AIDS đứng thứ 4 trên toàn quốc [5]. Theo nghiên cứu của Lê Đình Vinh trên người lớn cũng có tỉ lệ dân tộc kinh khá cao (98,3%) [33].

Về địa dư, trẻ nhiễm HIV/AIDS trong nghiên cứu của chúng tôi trẻ sống ở nông thôn là khá cao chiếm 85,4%, thành thị chỉ chiếm 14,6% do Thái Nguyên là tỉnh rất gần với Hà Nội, do sự kì thị phân biệt đối xử của xã hội còn cao [5], bố mẹ trẻ muốn giấu bệnh vì sợ kì thị của hàng xóm, vì vậy một số lượng khá lớn trẻ sống ở thành phố xuống Bệnh viện Nhi Trung ương theo dõi và điều trị.

Tại Thái Nguyên số xã/phường có người nhiễm HIV/AIDS là 177/180 trong đó chỉ có huyện Võ Nhai (2 xã) và Định Hóa (1 xã) là không có người nhiễm HIV còn lại tất cả các xã/phường trong tỉnh đều có người nhiễm HIV/AIDS [28].

Nghề nghiệp của bố mẹ trẻ chủ yếu là làm nghề nông, trình độ học vấn thấp, không có sự hiểu biết về xã hội.Tỉ lệ mẹ làm trong cơ quan nhà nước rất thấp chiếm 6,8%, bố chỉ chiếm 1,9%.

Trong nghiên cứu của chúng tôi nhận thấy chủ yếu là bố có nghiện ma túy và có quan hệ với gái mại dâm nên thường khi bố xét nghiệm HIV (+) hoặc bố tử vong vì HIV thì lúc đấy mẹ và trẻ mới đi xét nghiệm và mới biết là mình nhiễm HIV, theo nghiên cứu của Đỗ Thị Liễu Mai có 50% nữ bị nhiễm HIV từ chồng [25]. Vì vậy mà đa số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đều không được điều trị DPLTMC từ khi sinh, do mẹ trẻ không biết là mình đã lây nhiễm HIV từ chồng nên tỉ lệ trẻ bú mẹ sau sinh rất cao, theo nghiên cứu của Nguyễn Văn Lâm và cộng sự tại bệnh viện Nhi Trung Ương thì tỉ lệ bú mẹ sau sinh là 78,7%; nghiên cứu của Phạm Thị Vân Hạnh là 77,4% [14], [22].

Hầu hết trẻ nhiễm HIV/AIDS có cân nặng lúc sinh trong giới hạn bình thường chiếm 88,4%, trẻ có cân nặng thấp < 2.5 kg là 4,8% tỉ lệ này cũng phù hợp với nghiên cứu của Phạm Thị Vân Hạnh [14], trong số 103 trẻ thì có 3 trẻ không rõ cân nặng do trẻ bị bỏ rơi nên không có thông tin. Trong đó trẻ sinh đủ tháng có tỉ lệ cũng rất cao chiếm 96,1%, chỉ có duy nhất 1 trẻ sinh thiếu tháng còn lại 3 trẻ không có thông tin.

Về nguồn lây trong 103 trẻ có đến 98 trẻ chiếm 95,1% có mẹ nhiễm HIV vì vậy chúng tôi nghĩ những trẻ này lây nhiễm HIV từ mẹ sang con có thể lây trong quá trình mang thai, khi sinh hoặc cho con bú. Kết quả của chúng tôi cũng phù hợp với một số nghiên cứu làm trong và ngoài nước[14], [21], [27], [52]. Có 1 trẻ mẹ không nhiễm HIV, bố nhiễm HIV mà trẻ bị bỏng có ghép da của bố và có 1 trẻ bố mẹ đều âm tính với HIV nhưng con lại nhiễm HIV thì trường hợp này chúng tôi không rõ trẻ lây từ đâu.

Trẻ có thể lây dọc từ mẹ nhiễm HIV/AIDS qua đường sữa mẹ [7], [12], [50]. Vì vậy cách tốt nhất để tránh cho trẻ lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ là nuôi

con bằng thức ăn thay thế, cắt đường lây truyền qua bú mẹ để hạ thấp nguy cơ lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con vì vậy nếu chương trình lây truyền từ mẹ sang con được quản lý và tư vấn tốt thì sẽ giảm được tối thiểu tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con.

Nhờ có sự tham gia tích cực các ban ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình của nhóm đồng đẳng HIV, chương trình thông tin, giáo dục, truyền thông, tại Thái Nguyên đã thu được nhiều kết quả, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, giảm kì thị và phân biệt đối xử, thay đổi thái độ và hành vi của mọi người về HIV/AIDS chính vì vậy mà giảm số người nhiễm HIV mới.

Trong số 103 trẻ nghiên cứu của chúng tôi hầu hết các bệnh nhi đều có hoàn cảnh đặc biệt, bố tử vong, mẹ tử vong hoặc là trẻ mồ côi cả bố và mẹ. Tỉ lệ này chiếm khá cao (43,6%) chủ yếu là bố tử vong chiếm 34% (do nguồn lây thường do bố nghiện chích ma túy nhiễm HIV/AIDS nên tỉ lệ tử vong cao hơn hẳn), mẹ tử vong là 4,8%, cả bố và mẹ tử vong chiếm 4,8%. Như vậy qua nghiên cứu của chúng tôi thì gần 50% trẻ không nhận được tình yêu thương đầy đủ của cả bố và mẹ vì vậy mà trẻ sẽ rất thiệt thòi vì thiếu sự quan tâm của gia đình. Hơn 14 triệu trẻ em ở Châu Phi mồ côi cha mẹ do HIV/AIDS và dự kiến trên 20 triệu trẻ em mồ côi vì HIV/AIDS vào năm 2010, trong trẻ em ở tiểu Sahara và Châu Phi chiếm 12% [34].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị bệnh nhi HIVAIDS tại bệnh viện a thái nguyên (Trang 52 - 54)