Các giải pháp cụ thể

Một phần của tài liệu Một số giải pháp để phát triển du lịch văn hoá ở Hà Nội (Trang 27 - 31)

Tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng dân cư để nâng cao hiểu biết và trân trọng các di sản văn hóa, hiểu biết về lợi ích của phát triển du lịch và cả những mặt trái mà sự phát triển này có thể mang lại. Công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm giới thiệu hình ảnh Hà Nội với các sắc màu văn hóa khác nhau thực sự quan trọng, có giá trị thu hút khách có nhu cầu thẩm nhận văn hóa từ các thị trường trong và ngoài nước. Cần có nhiều ấn phẩm với nhiều hình thức quảng cáo được bán ở nhiều nơi công cộng và điểm du lịch.

Nhưng tuyên truyền chỉ là bước khởi đầu. Quan trọng hơn là trong thực tế các di tích có đáng để khách du lịch xem không. Thực tế cho thấy ngoài vài di tích có tiếng ra, phần lớn các di tích khác cảnh quan còn đơn điệu, nội dung tham quan nghèo nàn, công trình, kiến trúc thì thấp bé, tuy nhiều nơi có lịch sử cả ngàn tuổi. Vì vậy trước tiên cần phân loại xác định ưu tiên với các di sản văn hóa cần được bảo vệ và có giá trị cao. Tôn tạo lại các di sản đã bị tàn phá như phủ Thiên Tường, khu Lam Kinh. Bên cạnh đó

cần thành lập các trung tâm bảo quản, lưu trữ tư liệu nhằm giúp khách du lịch khai thác thông tin một cách dễ dàng hơn về các loại hình văn hóa.

Chỉnh trang tôn tạo khu phố cổ nhưng phải giữ được vẻ đẹp truyền thống của Hà Nội như độ rộng của đường, dáng phố, không gian sống,… Cần thiết phải đưa các công trình công nghiệp, các khách sạn hiện đại, khu vui chơi giải trí cao cấp ra ngoài tuyến phố này.

Phối hợp với các ngành khác tổ chức nhiều hơn nữa các sự kiện thu hút khách du lịch như hội chợ du lịch, năm du lịch, năm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, tuần lễ văn hóa các vùng miền…

Cần tôn vinh và có biện pháp khuyến khích phát triển các làng nghề truyền thống, hỗ trợ bán sản phẩm cho các doanh nghiệp, giải quyết khâu tiêu thụ vốn là khó khăn lớn nhất của các làng nghề.

Để có thể lưu chân khách ở lâu hoặc sẽ quay lại, các công ty du lịch nên nâng cao chất lượng phục vụ, đào tạo đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn cao, tạo ra những sản phẩm mới, phải có những Suối Tiên, Đầm Sen, những Đại Nam quốc tự. Cần kêu gọi sự đầu tư, tài trợ của các tổ chức trong nước cũng như nước ngoài. Một vấn đề đặt ra là để hấp dẫn du khách, ta cần tôn tạo các di tích theo chiều hướng xây dựng bổ sung cho di tích. Nói cụ thể hơn là xây thêm những công trình phụ trợ trong từng di tích để vừa góp phần làm đậm tính lịch sử của di tích lại vừa tăng giá trị thẩm mỹ, lôi cuốn khách tới xem. Để di tích đa dạng lên, khỏi đơn điệu, nên xây bổ sung, có thể làm thêm một số đình, tạ, nhà giải vũ, thậm chí tạo dựng một không gian mới – dĩ nhiên phải có căn cứ từ lịch sử hoặc truyền thuyết. Không kể các nước châu Âu, có một nền văn hóa vĩ đại với bao di tích đã trở thành sản phẩm du lịch sáng giá mà ngay ở châu Á, vốn là nơi mới phát triển ngành du lịch dăm chục năm nay thì như ở Thái Lan, Thủ đô Băng Cốc có ngôi chùa Vàng đẹp vậy mà trong khuôn viên chùa này vẫn xây thêm một số công trình bổ sung như các hành lang, các ngôi đền nhỏ…

Mới gần đây họ còn đặt vào khuôn viên đó một cái trống hình ống và làm một ngôi đình đặt trống ở giữa với lời thuyết minh khéo léo đã lôi cuốn du khách. Hoặc ở Trung Quốc người ta xây bổ sung rất nhiều công trình phục vụ du lịch. Ngay ở khu vực Khổng Miếu - Khổng Lâm - Khổng Phủ ở Sơn Đông, có lịch sử trên 2.000 năm, mà nay người ta vẫn tiếp tục xây thêm những công trình phụ trợ để làm đẹp thêm di tích. Hay cung A Phòng ở Tây An đời Tần đã bị Hạng Võ đốt trụi từ 200 năm trước công nguyên đã không còn, nay họ dựng lại một cung A Phòng giống như là nó có từ đời Tần. Họ đã biết cách khai thác triệt để lịch sử. Cho nên Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cần đổi mới tư duy, giữ di tích lại nhưng phải xây dựng bổ sung cho di tích thêm đa dạng, phong phú.

KẾT LUẬN

Trong những năm qua, sự chuyển biến của ngành du lịch Hà Nội đã có nhiều tiến bộ đáng kể, xuất hiện nhiều doanh nghiệp du lịch kinh doanh năng động, có hiệu quả, đảm bảo được chất lượng và uy tín với khách. Tuy nhiên, đó chỉ là bước đầu khởi sắc trong quá trình đổi mới. Để có thể cạnh tranh và hòa nhập vào thị trường du lịch của khu vực và trên thế giới vẫn đòi hỏi ngành du lịch Hà Nội phải có sự cố gắng và tiến nhanh gấp bội về mọi mặt.

Trong du lịch, văn hóa là một yếu tố đặc biệt quan trọng. Những động cơ thúc đẩy khách đến các điểm du lịch chính là sự mong muốn được tiếp cận giá trị văn hóa. Văn hóa là nội lực bên trong của sự phát triển. Vì thế yêu cầu thúc đẩy loại hình du lịch văn hóa ở Hà Nội đang trở nên gấp rút đối với các nhà quản lý.

Tiềm năng và tài nguyên du lịch văn hóa Hà Nội rất đa dạng, phong phú, tuy nhiên vẫn chưa được khai thác một cách đúng tầm, đặc biệt là văn hóa phi vật thể. Phát triển du lịch văn hóa cần phải có sự phối hợp đồng bộ các giải pháp, sự kết hợp gắn bó mật thiết giữa các ban ngành quản lý trong và ngoài lĩnh vực du lịch.

Với truyền thống văn hóa lâu đời, có bề dày lịch sử đã đang và sẽ là nền tảng vững chắc, là chiếc chìa khóa vàng để du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng tiến theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

1. Văn hóa và phong tục Việt Nam, Nhà xuất bản Thống kê, 1999

2. Tạp chí du lịch số 3, 4, 5 năm 2009

3. GS.TS Nguyễn Văn Đính, PGS.TS Trần Thị Minh Hòa. Giáo trình Kinh tế du lịch, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân, 2008

4. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, Hà Nội – Nét phác thảo du lịch văn hóa

Một phần của tài liệu Một số giải pháp để phát triển du lịch văn hoá ở Hà Nội (Trang 27 - 31)