CÁC YẾU TỐ TIÊN LƯỢNG Ở BỆNH NHÂN TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự biến đổi điện tâm đồ bề mặt ở bệnh nhân bị tai biến mạch máu não (Trang 35 - 37)

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

4.2.CÁC YẾU TỐ TIÊN LƯỢNG Ở BỆNH NHÂN TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO

MÁU NÃO

4.2.1. Huyết áp

Những người sống sót sau tai biến mạch máu não có tăng huyết áp thì tỷ lệ tử vong gia tăng. Việc sử dụng các thuốc làm hạ huyết áp như lợi tiểu, các thuốc ức chế men chuyển sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như sự tái phát.

Ba phần tư bệnh nhân bị tai biến mạch máu não cấp có tăng huyết áp sau khi bị tai biến mạch máu não. Huyết áp có chiều hướng giảm xuống một cách tự nhiên trong tuần đầu và có khoảng 2/3 bệnh nhân huyết áp ở mức cao như trước khi tai biến mạch máu não xảy ra. Hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng trong giai đoạn tai biến mạch máu não cấp, huyết áp thường tăng. Huyết áp tăng thường làm dễ tái phát, hoặc phù não [1], [2], [4], [9].

Tăng huyết áp được coi là yếu tố nguy cơ hàng đầu trong cơ chế bệnh sinh của tai biến mạch máu não. Nếu lấy tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp là huyết áp tâm thu từ 160mmHg trở lên và/ hoặc huyết áp tâm trương từ 95mmHg trở lên, tỷ lệ tai biến mạch máu não ở người tăng huyết áp so với những người có huyết áp bình thường sẽ tăng 2,9 lần (đối vơi nữ) đến 3,1 lần đối với nam. Có tác giả thấy ngay cả khi huyết áp ở mức ranh giới (HATTh:

140 mmHg đến 159mmHg, HATTr 90mmHg đến 94 mmHg) thì nguy cơ tai biến mạch máu não đã tăng 50%. Tìm hiểu mối liên quan giữa tai biến mạch máu não, giới và tuổi với tăng huyết áp, tỷ lệ hiện mắc của NMN không do huyết khối từ 45 đến 84 tuổi, theo một số nghiên cứu, tăng lên theo mức độ trầm trọng của tăng huyết áp không kể là nam hay nữ. Kết quả rút ra từ những nghiên cứu về dịch tễ học đã chỉ ra cả huyết áp tâm thu lẫn huyết áp tâm trương đều có vai trò gây ra tai biến mạch máu não [11], [14].

Một số thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh huyết áp tâm trương đóng vai trò quan trọng hơn huyết áp tâm thu trong việc gây ra tai biến mạch máu não. Tuy nhiên, nhận xét này còn nhiều ý kiến trái ngược nhau do người ta thấy ở những bệnh nhân đã tăng huyết áp tâm thu (từ 160mmHg trở lên), nguy cơ tai biến mạch máu não không tăng theo độ trầm trọng của huyết áp tâm trương. Mặc khác, khi có tăng huyết áp tâm trương (từ 95mmHg), tỷ lệ mắc tai biến mạch máu não vẫn tăng lên theo độ trầm trọng của huyết áp tâm thu [1], [6], [9].

Tuy nhiên cần lưu ý ở người cao tuổi, không phải lúc nào cũng có sự song hành giữa mức độ trầm trọng của tăng huyết áp và tỷ lệ tai biến mạch máu não. Do đó, đối với người cao tuổi ngay cả khi huyết áp mới tăng nhẹ cũng luôn cần được theo dõi chặt chẽ và điều trị kịp thời.

Theo Hội Tim mạch Hoa Kỳ, hàng năm có năm triệu người bị tai biến mạch máu não. Đối với các bệnh nhân này trên 70% có tăng huyết áp, chính tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được, có vai trò quan trọng nhất đối với tai biến mạch máu não đặc biệt ở người cao tuổi [5], [6], [9], [11]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi có 19/44 bệnh nhân nam có tăng huyết áp tâm thu, chiếm 43,18 %, 8/44 bệnh nhân nam có tăng huyết áp tâm trương, chiếm 18,18 %, có 22/48 bệnh nhân nữ tăng huyết áp tâm thu, chiếm 45,83 % và 10/48 bệnh nhân nữ có tăng huyết áp tâm trương chiếm 20,83%. Có 20/44 bệnh nhân nam tăng cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương

chiếm 45,45 %. Có 22/48 bệnh nhân nữ tăng cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương chiếm 45,83 %. Tổng số bệnh nhân tai biến mạch máu não có tăng đồng thời cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương là 42/92 , chiếm 45.65%. Nhiều tác giả cho rằng nếu chỉ huyết áp tăng cao không gây được chảy máu, nhưng nếu thành mạch bị xơ cứng thoái hoá do tăng huyết áp thì nguy cơ gây XHN sẽ tăng gấp nhiều lần. Nhiều trường hợp huyết áp bình thường cũng gây chảy máu. XHN có thể xảy ra lúc ngủ cũng như khi gắng sức hoặc có cảm xúc mạnh (các kích lực tâm lý). Những nhận xét này dẫn đến kết luận vai trò thành mạch là yếu tố quan trọng trong XHN. Khi nghiên cứu các trường hợp XHN có tăng huyết áp, các nhà khoa học cho rằng có thể tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chính nhưng tăng huyết áp cũng có thể là phản ứng thần kinh thực vật sau XHN [1], [2], [4], [11], [14].

Trong nghiên cứu của chúng tôi, trong nhóm các bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, bệnh nhân càng cao tuổi, trị số huyết áp càng tăng, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Tuy nhiên trị số của huyết áp giữa nam và nữ của các bệnh nhân tai biến mạch máu não khác nhau không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).

Ở các bệnh nhân bị XHN có huyết áp tâm thu cao hơn hẳn các bệnh nhân bị NMN. Sự khác biêt này có ý nghĩa thống kê (p<0,01). Điều này là hợp lý vì trên nền các mạch máu bị xơ vữa, nếu huyết áp càng tăng thì nguy cơ vỡ mạch máu gây XHN càng tăng [6], [22], [29], [30].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự biến đổi điện tâm đồ bề mặt ở bệnh nhân bị tai biến mạch máu não (Trang 35 - 37)