Thực hiện quyền của người sử dụng đất tại Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá việc thực hiện quyền của người sử dụng đất ở trên địa bàn huyện quảng xương, tỉnh thanh hóa (Trang 29 - 36)

2.3.1.1. Giai đoạn trước khi Luật Đất đai 1987 có hiệu lực

Pháp luật quy định về đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được đánh dấu bằng Luật cải cách ruộng đất năm 1953. Năm 1980, Chính phủ ban hành Quyết định 210-CP ngày 1/7/1980 về thống nhất quản lý ruộng đất

và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 299-TTg ngày 10/11/1980 về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký thống kê ruộng đất. Tổng cục Quản lý ruộng đất có Quyết định số 56/ĐKTK ngày 05/11/1981 ban hành quy định về thủ tục đăng ký thống kê ruộng đất trong cả nước việc đăng ký đất đai mới được bắt đầu thực hiện trở lại ở Việt Nam. Theo quy định này, việc đăng ký đất đai được thực hiện thống nhất cả nước theo một trình tự chặt chẽ, hệ thống hồ sơ đăng ký đất đai quy định khá đầy đủ và chi tiết, trong đó bản đồ giải thửa và sổ đăng ký ruộng đất, sổ mục kê là tài liệu cơ bản của hồ sơ thể hiện các nội dung đăng ký đất gồm: Hình thể đường ranh giới thửa (trên bản đồ), tên chủ sử dụng ruộng đất (họ tên, tuổi, chỗ ở), số hiệu thửa đất và tờ bản đồ, xứ đồng, diện tích, sử dụng chính thức hay tam giao, loại đất, loại thổ nhưỡng, hạng đất, tình hình thủy lợi; các tài liệu này được lập thành 2 bộ lưu giữ ở 2 cấp xã, huyện để theo dõi, quản lý biến động đất đai; sổ đăng ký ruộng đất và sổ mục kê đất phải được Ủy ban nhân dân xã và huyện phê duyệt mới chính thức có giá trị pháp lý.

Điều 11 Hiến pháp năm 1959 đã ghi nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong thời kỳ quá độ bao gồm các hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất sau: SHNN tức là SHTD; sở hữu HTX tức là sở hữu của tập thể nhân dân lao động; sở hữu của người lao động riêng lẻ; sở hữu của nhà tư sản dân tộc. Nhà nước đã bảo hộ QSH về đất đai. Cụ thể, Điều 12 Hiến pháp 1959 đã quy định “những rừng cây, những đất hoang... mà pháp luật quy định là của Nhà nước thì đều thuộc SHTD”.

Do không được quy định trong hiến pháp và các văn bản mang tính pháp lý nên việc thực hiện mua bán, tặng cho, cầm cố đất đai không được thực hiện chỉ khi Nhà nước cần lấy ruộng đất thì sẽ thu xếp công ăn việc làm cho người bị lấy ruộng đất hoặc bù cho một số ruộng đất ở nơi khác để họ làm ăn sinh sống và sẽ bồi thường thích đáng cho họ về những ruộng đất đã bị lấy.

2.3.1.2. Giai đoạn Luật Đất đai 1987 có hiệu lực

Giai đoạn từ năm 1987 đến năm 1993 là giai đoạn nghiêm cấm mua, bán, lấn chiếm đất đai, phát canh thu tô dưới mọi hình thức, nhận đất được giao mà không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, tự tiện sử dụng đất nông nghiệp, đất có rừng vào mục đích khác, làm hủy hại đất đai.

Sau 4 năm thi hành Luật Đất đai năm 1987 cho thấy thực tế đã nảy sinh những bất cập, đó là người sử dụng đất thực sự không có quyền đối với mảnh

đất mình được giao, kể cả quyền thừa kế, chuyển nhượng, họ chỉ được chuyển QSDĐ trong các trường hợp: khi hộ nông dân vào hoặc ra hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp; khi hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp và cá thể thoả thuận đổi đất cho nhau để tổ chức lại sản xuất; khi người được giao đất chuyển đi nơi khác hoặc đã chết mà thành viên trong hộ của người đó vẫn tiếp tục sử dụng đất đó. Luật chỉ cho phép được thừa kế nhà ở hoặc mua nhà ở đồng thời được QSDĐ ở có ngôi nhà đó, sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu đối với nhà ở.

Theo quy định trên cho thấy, Luật còn gò bó, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng đất của các chủ sử dụng đất. Cho nên thực tế vẫn xảy ra hiện tượng mua bán đất đai trá hình theo cách xây dựng một túp lều trên đất để bán, nhưng thực chất là bán đất. Luật điều chỉnh các quan hệ đất đai ở trạng thái tĩnh. Nhà nước chỉ quản lý về mặt pháp luật hành chính đơn thuần, chưa thể hiện đầy đủ quản lý Nhà nước về mặt kinh tế đối với đất đai. Trong quá trình triển khai theo Luật đất đai 1988, Nhà nước đã ban hành chính sách khoán 100 và khoán 10 theo Chỉ thị số 100/CT-TW làm cho hiện trạng sử dụng đất có nhiều thay đổi do đó công tác đăng ký đất đai gặp nhiều khó khăn cùng với việc chưa có một hệ thống văn bản hoàn chỉnh chặt chẽ làm cho công tác quản lý đất đai giai đoạn này kém hiệu quả.

Chính vì những lý do trên mà công tác quản lý đất đai cũng như việc lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giai đoạn này chưa đạt kết quả cao. Đến năm 1993, cả nước mới cấp được khoảng 1.600.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân ở gần 1.500 xã, tập trung chủ yếu tại các vùng đồng bằng sông Cửu Long (40%). Đặc biệt do chính sách đất đai chưa ổn định nên giấy chứng nhận giai đoạn này chủ yếu là giấy chứng nhận tạm thời chủ yếu cho các xã tự kê khai.

2.3.1.3. Giai đoạn Luật Đất đai 1993 có hiệu lực

Hiến pháp 1992 còn quy định: “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có quyền chuyển QSDĐ theo quy định của pháp luật”. Do đó, Quốc hội đã đưa việc sửa đổi Luật Đất đai vào chương trình xây dựng pháp luật năm 1993. Luật Đất đai năm 1993 được Quốc hội thông qua ngày 14/07/1993 và có hiệu lực ngày 15/10/1993 về cơ bản kế thừa Luật Đất đai 1987 và bổ sung một số nội dung mới như một số quyền của người sử dụng đất. Cụ thể Luật cho phép

người sử dụng đất được thực hiện 5 quyền: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp QSDĐ. Như vậy, Luật đưa ra những quy định theo xu hướng ngày càng mở rộng quyền của người sử dụng, cho họ định đoạt hạn chế QSDĐ của mình. Nghĩa là chuyển QSDĐ phải tuân theo điều kiện, nội dung, hình thức do Bộ luật dân sự và pháp luật về đất đai quy định.

Giai đoạn từ năm 1993 đến năm 1998 là giai đoạn Luật cho phép người sử dụng đất được thực hiện 5 quyền: Chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 1993. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh của nền kinh tế, xã hội, qua thực tế với tác động của cơ chế kinh tế thị trường làm cho quan hệ đất đai càng trở nên phức tạp, nhiều vấn đề lịch sử còn chưa được giải quyết thì các vấn đề mới lại nảy sinh mà Luật Đất đai 1993 chưa có quy định. Năm 1998 Luật Đất đai được sửa đổi, bổ sung. Luật bổ sung thêm một số quyền của người sử dụng đất như quyền góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, quyền cho thuê lại quyền sử dụng đất. Vì vậy giai đoạn 1998 đến trước Luật Đất đai 2003 có hiệu lực người sử dụng đất có 7 quyền riêng là: Chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Luật lần này đã sửa đổi, bổ sung một số vấn đề về QSDĐ như sau:

Việc quyết định cho người đang sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất làm muối, đất ở, đất chuyên dùng sang mục đích khác; người đang sử dụng đất nông nghiệp trồng lúa nước chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây lâu năm hoặc người đang sử dụng đất nông nghiệp trồng cây lâu năm chuyển sang trồng cây hàng năm phải căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt. Cho phép tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền thế chấp giá trị QSDĐ theo quy định của pháp luật và cũng được bảo lãnh bằng giá trị QSDĐ, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất đó tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam. Nghĩa là người sử dụng đất cũng được thế chấp, bảo lãnh bằng giá trị QSDĐ tại các tổ chức tín dụng có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tình hình quản lý và sử dụng đất sau 3 năm thực hiện Luật Đất đai sửa đổi 2001 đã cho thấy còn bộc lộ những thiếu sót, yếu kém.

Mặc dù giai đoạn này đã quy định 7 quyền của người sử dụng đất tuy nhiên các quy định trong lĩnh vực pháp luật đất đai và các lĩnh vực khác có liên quan như trong lĩnh vực dân sự... chưa thực sự đồng bộ và thống; giá trị đất đai chưa tuân theo thị trường; thị trường BĐS chưa thực sự bùng nổ; nhận thức của người dân về pháp luật đất đai còn thấp dẫn đến số lượng trường hợp thực hiện quyền của người sử dụng đất như chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp... còn ít và hạn chế đặc biệt là ở vùng nông thôn.

2.3.1.4. Giai đoạn Luật Đất đai 2003 có hiệu lực

Luật Đất đai 2003 quy định QSDĐ của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất bao gồm: “Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho QSDĐ; quyền thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng QSDĐ; quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất” (Điều 106 Luật Đất đai 2003). Mặt khác Nhà nước giao đất cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài, Nhà nước chỉ thu hồi đất vì những lý do đặc biệt, đáp ứng lợi ích quốc gia và công cộng, hết thời hạn giao đất không có nghĩa là Nhà nước thu hồi đất mà Nhà nước sẽ tiếp tục giao đất cho người sử dụng. Trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì Nhà nước sẽ giao đất khác cho người sử dụng hoặc sẽ “bồi thường thiệt hại” (Điều 73 Luật Đất đai 1993), “bồi thường” (Điều 106 Luật Đất đai 2003). Như vậy, trên thực tế người được giao quyền sử dụng các loại đất này thực hiện các quyền chiếm hữu và sử dụng tương đối toàn diện, còn quyền định đoạt tuy có hạn chế trong một số quyền năng cụ thể, song đó chỉ là trên phương diện lý thuyết xét trên góc độ pháp lý, còn trên thực tế các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp QSDĐ cũng rất gần với khái niệm quyền định đoạt (Phùng Văn Nghệ, 2010). Kết quả cấp GCN đất ở trên cả nước tính đến ngày 30/92008, đất ở nông thôn cấp được 10.298.895 GCN chiếm diện tích 380.807 ha, đạt 76,00% diện tích cần cấp; đất ở đô thị cấp được 2.825.205 GCN chiếm diện tích 63.012 ha, đạt 60,90% diện tích cần cấp.

Việc cấp GCN chậm làm ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai của Nhà nước và làm thất thoát nguồn thu ngân sách từ đất. Nghị định 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 quy định về việc thống nhất cấp một loại GCNQSDĐ, QSHNỞ và tài sản gắn liền với đất. Trong năm 2011 cả nước đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đất ở với khoảng 2.048.000 giấy, diện tích cấp được 55.270 ha, trong đó: Đất ở tại nông thôn cấp được 1.312.000 giấy với diện tích 37.300 ha, tăng 12,9%

số giấy và 9,7% diện tích; đất ở tại đô thị cấp được 736.000 giấy với diện tích 17.970 ha, tăng 25,9% số giấy và 27,9% về diện tích.

2.3.1.5. Giai đoạn Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến nay

Luật Đất đai 2013 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014, Nhà nước đã ban hành các văn bản dưới luật thay thế các văn bản cũ:

- Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT ngày 02/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất.

- Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ địa chính.

- Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

- Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất.

- Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về giá đất.

- Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất có 7 quyền chung và 8 quyền riêng, trong đó 8 quyền riêng cụ thể như sau:

- Quyền chuyển đổi QSDĐ: Chuyển đổi QSDĐ là hành vi chuyển QSDĐ trong các trường hợp: nông dân cùng một địa phương (cùng 1 xã, phường, thị trấn) đổi đất (nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản) cho nhau để tổ chức lại sản xuất, hợp thửa, chỉnh trang đồng ruộng, tiện canh tiện cư, giải toả xâm phụ canh hoặc khắc phục sự manh mún khi phân phối đất đai công bằng theo kiểu “có tốt, có xấu, có gần, có xa”; những người có đất ở trong cùng một địa phương (cùng 1 xã, phường, thị trấn) có cùng nguyện vọng thay đổi chỗ ở. Việc chuyển đổi QSDĐ là không có mục đích thương mại.

- Quyền chuyển nhượng QSDĐ: Chuyển nhượng QSDĐ là hành vi chuyển QSDĐ, trong trường hợp người sử dụng đất chuyển đi nơi khác, chuyển sang làm nghề khác, không có khả năng sử dụng hoặc để thực hiện quy hoạch sử đụng đất mà pháp luật cho phép,... Trong trường hợp này, người nhận đất phải trả cho người chuyển QSDĐ một khoản tiền tương ứng với mọi chi phí họ phải bỏ ra để có được quyền sử dụng đó và số đầu tư làm tăng giá trị đất đai. Đặc thù của việc chuyển nhượng QSDĐ là ở chỗ: đất đai vẫn thuộc sở hữu toàn dân và việc chuyển quyền chỉ thực hiện trong giới hạn của thời gian giao đất; Nhà nước có quyền điều tiết phần địa tô chênh lệch thông qua việc thu thuế chuyển QSDĐ, thuế sử dụng đất và tiền sử dụng đất; Nhà nước có thể quy định một số trường hợp không được chuyển QSDĐ; mọi cuộc chuyển nhượng QSDĐ đều phải đăng ký thực hiện quyền của người sử dụng đất, nếu không, sẽ bị xem là hành vi phạm pháp.

- Quyền cho thuê QSDĐ: Cho thuê QSDĐ được thực hiện trong trường hợp người có QSDĐ không sử dụng mà cho tổ chức, cá nhân khác thuê để sử dụng đất đó theo quy định của pháp luật; người thuê phải trả cho chủ sử dụng đất một khoản tiền nhất định, thời hạn và giá QSDĐ cho thuê theo thỏa thuận giữa bên cho thuê và bên thuê QSDĐ.

- Quyền cho thuê lại QSDĐ: Cho thuê lại QSDĐ được thực hiện trong trường hợp người có QSDĐ là người được nhà nước cho thuê đất để đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu thương mại, văn phòng... cho các tổ chức cá nhân thuê lại QSDĐ trên đất đã hoàn thành cơ sở hạ tầng để kinh doanh, sản xuất; Người thuê phải trả cho chủ sử dụng đất một khoản tiền nhất định, thời hạn và giá QSDĐ cho thuê theo thỏa thuận giữa bên cho thuê và bên thuê lại QSDĐ.

- Quyền thừa kế QSDĐ: Thừa kế QSDĐ là hành vi chuyển QSDĐ khi người có QSDĐ đã chết để lại QSDĐ cho những người có quan hệ thừa kế theo di chúc hoăc theo quy định của pháp luật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá việc thực hiện quyền của người sử dụng đất ở trên địa bàn huyện quảng xương, tỉnh thanh hóa (Trang 29 - 36)