Trong một số trường hợp, với tư cách là người lãnh đạo, bạn có trách nhiệm phải chỉ ra những sai lầm hoặc phê bình cách làm việc không hiệu quả của nhân viên. Tuy nhiên, hầu hết chúng
ta đều rất ngại góp ý với người khác hay đưa họ vào khuôn phép. Bạn hãy tham khảo 6 bí quyết dưới đây để có thể đưa ra lời góp ý dễ dàng, hiệu quả mà bạn không làm ai bị tổn thương nhé!
a) Sử dụng bí quyết “bánh mì kẹp thịt”
Nếu bạn ăn hành riêng thì sẽ cảm thấy rất cay, nhưng khi trộn chúng với các loại thức ăn khác thì bạn đã có một món ăn tuyệt vời. Tương tự, để khiển trách người khác mà không làm họ bực tức, bạn hãy khen ngợi thành thích của họ trước, rồi sau đó mới đưa ra lời phê bình.
Ví dụ: Bạn: “Bài cho thông tin của cậu rất tự tin, cậu có giọng nói cũng rất tuyệt. Chỉ cần chỉnh sửa chút chỗ này… thì sẽ gần như hoàn hảo”
b) Phê phán việc họ làm chứ đừng phê phán bản thân họ
Bạn hãy nói rằng, cá nhân bạn vẫn yêu quý anh ta (nếu thật sự là như vậy), bạn chỉ không đồng tình với những gì anh ta làm thôi.
c) Kêu gọi sự giúp đỡ của người khác
Bạn đừng đòi hỏi người khác lúc nào cũng phải “răm rắp tuân lệnh” mình. Tốt nhất, hãy nói rằng bạn cần họ hợp tác để giải quyết vấn đề.
d) Thừa nhận rằng bạn cũng từng mắc sai lầm tương tự và hướng dẫn họ cách giải quyết
Khi bạn kể về sai lầm tương tự của mình trong quá khứ, người nghe sẽ dễ chấp nhận lời phê bình hơn. Hành động của bạn cũng giống như việc nha sĩ tiêm thuốc tê trước khi nhổ răng bệnh nhân vậy. Bạn hãy nói rằng, trước đây bạn (hoặc những người khác) cũng từng gặp phải khó khăn như vây, sau đó bạn nêu ra hướng giải quyết. Bằng cách thừa nhận rằng mình không hoàn hảo, bạn sẽ làm người khác thêm nể phục và dễ dàng nghe theo sự hướng dẫn của bạn.
e) Chỉ nên phê bình một lần và hãy nói riêng với họ
Bạn đừng bao giờ phê bình ai đó trước mặt những người khác. Tốt nhất, hãy từ tốn nói chuyện với họ trong phòng kín, đề cập thẳng vào sai phạm của họ và giúp họ nêu ra hướng giải quyết. Nên nhớ, chỉ nên phê bình họ một lần mà thôi. Bạn đừng nên dồn
dập công kích họ về những sai lầm mà họ đã gây ra trong quá khứ nhé.
f) Hãy kết thúc bằng những lời thiện ý
Hãy nói lời cảm ơn vì họ đã hợp tác với bạn và đừng quên nói rằng, bạn hy vọng họ sẽ giải quyết công việc theo phương án mới mà đôi bên vừa thảo luận.