6. Tổng quan tình hình nghiên cứu
2.1. QUAN NIỆM CỦA ARIXTÔT VỀ NGUỒN GỐC, MỤC ĐÍCH, HÌNH
2.1.1. Quan điểm Arixtôt về nguồn gốc, mục đích của nhà nước
Theo Arixtôt, nhà nước ra đời trên cơ sở sự liên kết tự nhiên và tự nguyện giữa mọi người vì lợi ích của mỗi người và vì lợi ích chung. Sở dĩ con người có thể liên kết với nhau thành các cộng đồng, các xã hội như gia đình, làng xóm và thành bang là vì họ có khả năng giao tiếp cao hơn các động vật khác và vì họ là động vật có tính xã hội.
Arixtôt luận giải rằng con người sẽ không thể tồn tại được nếu không kết hợp lại với nhau giống như sự kết hợp giữa giống đực và giống cái để duy trì nòi giống trong các sinh vật khác, điều đó không thông qua một sự lựa chọn mà chỉ do sự thôi thúc có tính chất bản năng. Do đó, xã hội đầu tiên là xã hội giữa đàn ông với đàn bà trong một gia đình và sau đó là xã hội của nhiều gia đình được tạo nên do sự thuận lợi lẫn nhau và sự bền vững của chúng, được gọi là cái làng và cái làng một cách tự nhiên nhất là gồm có tổ tiên và các con cháu của một gia đình. Sau đó, mỗi gia đình lại trở thành một cái nhánh của gia đình lớn, được chỉ huy bởi một người già nhất, vì thế mà các tổ chức xã hội đầu tiên đã được cai trị bởi các nhà vua. Và khi nhiều làng như vậy hoàn toàn hợp nhất với nhau ở mọi khía cạnh thì tạo thành một xã hội, xã hội ấy chính là một thành bang bao gồm trong bản thân nó, mục đích và sự hoàn hảo của chính quyền: trước tiên có thể đặt nền móng cho cuộc sống của chúng ta, tiếp đó chúng ta có thể có cuộc sống hạnh phúc. Vì lý do đó, mỗi thành bang về nguồn gốc phải là sản phẩm của tự nhiên. Ông viết:
“Và như thế, nếu các hình thức ban đầu của xã hội là tự nhiên, thì nhà nước cũng vậy, vì nhà nước là kết quả cuối cùng của mọi xã hội, và tính tự nhiên của sự vật chính là chung cục của nó…Từ những nhận định trên, nhà nước hiển nhiên nằm trong họ những vật hiện hữu tự nhiên, và con người, là một động vật mà do bản tính tự nhiên phải sống trong một nhà nước (con người là một động vật chính trị)” [2, tr.46 - 47].
Arixtôt còn luận giải thêm rằng do sự thúc đẩy tự nhiên mà con người liên kết với nhau một cách tự nguyện trong các thành bang, vì theo cách đó mỗi người có thể tìm thấy những lợi ích lớn nhất. Mỗi thành bang là một xã hội và mỗi xã hội đều được tạo thành bởi một số lợi ích nhất định, vì điều không thể chối cãi được là động cơ của tất cả các hoạt động của con người là vì lợi ích. Nhờ có khả năng nói mà con người là động vật có tính xã hội, có khả năng giao tiếp cao hơn các động vật khác. Ngoài ra, con người còn khác với tất cả các động vật khác là họ có khả năng nhận thức điều tốt và điều xấu, công bằng và bất công và những quan điểm chung về vấn đề đó đã tham gia vào việc làm hình thành nên gia đình và thành bang, cho nên điều tồi tệ nhất đối với tất cả mọi người là không có luật pháp và công lý. Do phải tìm sinh kế mà hình thành nên việc quản lý gia đình vì nếu không có sự quản lý đó thì không thể sống và sống tốt được, thành bang cũng tương tự như vậy nên sẽ có người quản lý và người bị quản lý, người cai trị và người bị cai trị.
Như vậy, theo Arixtôt, nhà nước ra đời trên cơ sở sự liên kết tự nhiên và tự nguyện giữa mọi người vì lợi ích của mỗi người và vì lợi ích chung. Ngoài ra còn vì con người có khả năng nhận thức điều tốt và điều xấu, công bằng và bất công và có quan điểm chung về những điều đó. Sự xuất hiện của nhà nước là trực tiếp từ nhu cầu quản lý cộng đồng, quản lý xã hội, vì nếu không có sự quản lý thì con người không thể sống và sống tốt được, không có sự an toàn cho mọi người, do đó, sự xuất hiện của nhu cầu quản lý cũng là tự
nhiên, là lẽ đương nhiên. Trong quan hệ quản lý thì bao giờ cũng phải có người quản lý và người bị quản lý, người ra lệnh và người phục tùng mệnh lệnh. Trong gia đình thì chủ gia đình là người quản lý, còn trong thành bang thì những người được phú cho khả năng trí tuệ ưu tú hơn người phải được đặt cao hơn, là người cai trị và những người khác sẽ là người bị cai trị, là nô lệ và chính quyền chỉ là của những người tự do và bình đẳng.
Quan điểm này của Arixtôt, về sau được kế thừa bởi nhiều học giả như Ciceron, Jean Bodin… Điểm hợp lý của quan điểm này là cho rằng nhà nước xuất hiện từ nhu cầu quản lý xã hội, bảo vệ an toàn cho mọi người và bảo vệ lợi ích chung. Song nếu dựa vào quan điểm của Học thuyết chính trị Mác – Lênin thì quan điểm của Arixtôt chưa phải là cách nhìn đầy đủ về nguồn gốc của nhà nước. Điểm hạn chế lớn nhất của quan điểm này là nó đã được sử dụng để biện minh cho sự bất bình đẳng, sự nô dịch và thống trị con người trong xã hội, coi đó như một điều tự nhiên, tất yếu.
Mở đầu Chính trị luận, Arixtôt đã bàn ngay đến bản chất và mục đích của nhà nước. Về bản chất của nhà nước, theo Arixtôt là một cộng đồng chính trị mà ở trong đó con người sinh sống với nhau để nhằm đến một mục đích tốt đẹp là thỏa mãn mọi nhu cầu như: sinh lý, giao tiếp, trí tuệ, văn hóa v.v., con người phải sống cuộc đời của mình bên trong khuôn khổ xã hội. Hơn nữa, do được hình thành từ một ý tưởng tốt lành, hướng đến mục đích đạo đức và nền tảng luân lý, nhà nước chính là chỗ dựa cần thiết cho mỗi cá nhân trong quá trình hoàn thiện bản thân và hạnh phúc trong đời. Mục tiêu cơ bản của nhà nước là tạo điều kiện cho mỗi công dân được hưởng một cuộc sống thư nhàn, có cơ hội nhận thức được giá trị tối thượng của con người. Đó là cuộc sống hướng đến các giá trị văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, chính trị, khoa học và trên tất cả, triết học. Ông viết:
“Mỗi một nhà nước là một hình thức quần tụ nào đó của con người - một cộng đồng, và mỗi một cộng đồng được thiết lập nhằm đạt tới một cái tốt nào đó; vì hoạt động của con người luôn luôn nhằm đạt được cái mà nó nghĩ là tốt. Nhưng, nếu tất cả các cộng đồng đều nhằm đến một cái tốt, thì nhà nước hay cộng đồng chính trị - cộng đồng cao nhất và bao trùm tất cả các cộng đồng - phải nhắm tới cái tốt cao cả hơn mọi cái tốt khác, và phải là cái tốt ởmức độ cao nhất” [2, tr. 42].
2.1.2. Quan điểm Arixtôt về các hình thức nhà nước trong lịch sử
Quá trình phát sinh, phát triển của triết học Hy Lạp nói chung của tư tưởng chính trị Arixtôt nói riêng là sự phản ánh điều kiện lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội Hy Lạp cổ đại, đó là chế độ nô lệ. Ph. Ăngghen nói về nét tích cực của chế độ nô lệ như sau:
“Chỉ có chế độ nô lệ mới làm cho sự phân công lao động có thể thực hiện được trên một quy mô rộng lớn hơn giữa nông nghiệp và công nghiệp, và do đó, mới có thể có thời ký hưng thịnh nhất của thế giới cổ đại, tức là nền văn minh Hy Lạp. Không có chế độ nô lệ thì không có quốc gia Hy Lạp, không có nghệ thuật và khoa học Hy Lạp; không có chế độ nô lệ thì không có Đế chế La Mã. Mà không có cái cơ sở của nền văn minh Hy Lạp và Đế chế La Mã thì không có châu Âu hiện đại” [15, tr. 254]
Vì vậy, khi nghiên cứu tư tưởng chính trị của Arixtôt cần phải đặt trong điều kiện lịch sử hình thành nên nó. Người Hy Lạp thời cổ đại sống trong các thị quốc được cai trị theo những cách thức khác nhau. Giữa các thị quốc thường xuyên xảy ra những cuộc chiến tranh thôn tính lẫn nhau dẫn đến sự liên tục xuất hiện và tàn lụi của các thị quốc.
Chính điều kiện địa lý, sự tồn tại, phát triển và thay thế nhau của các thị quốc, sự đan xen giữa các hình thức cai trị, sự mở rộng lãnh thổ, giao lưu văn
hóa… đã tạo nên tính đa dạng và phức tạp của đời sống chính trị. Điều đó được Arixtôt thể hiện trong tư tưởng chính trị của ông. Cùng với sự phát triển về kinh tế, văn hóa là sự ra đời của chính thể dân chủ. Nền dân chủ Athens được coi là hình thức hoàn thiện, đầy đủ nhất của tổ chức cai trị dân chủ trong nhà nước chiếm hữu nô lệ. Dẫu sao các cải cách chính trị này đã đi vào lịch sử như nét chấm phá đầu tiên, đầy ý nghĩa trong quá trình hoàn thiện cách thức tổ chức đời sống con người. Nhưng sau nửa thế kỷ tồn tại và phát triển, nền dân chủ Athens, ngay vào thời điểm chín muồi, đã bộc lộ dần những mặt trái của mình. Thực tiễn của những cuộc đấu tranh giữa các lực lượng, các nhóm xã hội đã làm xuất hiện nhu cầu tìm kiếm phương án để giải quyết mâu thuẫn, điều hòa sự phân cực. Điều đó đã tác động đến quan điểm chính trị mang tính “trung dung” của Arixtôt.
Thế kỷ V-IV trước công nguyên là thời kỳ “cổ điển” của nền văn hóa Hy Lạp mà trung tâm là Athens với tính đa dạng, muôn vẻ, xu hướng nhân bản và tự do, thể hiện trong văn chương, nghệ thuật, triết học, khoa học… Sống trong thời đại mà tất cả các thành tựu của các lĩnh vực đều phát triển đạt đến đỉnh cao, Arixtôt đã hội tụ tất cả những tinh hoa ấy và là người tổng kết lịch sử Hy Lạp thời “cổđiển”. Ông đã quan sát, trải nghiệm rút ra những bài học từ các sự kiện lịch sử diễn ra trước mắt. Chính điều này đã làm cho tư tưởng chính trị của ông giàu tính thực tế hơn so với tư tưởng chính trị của Platon. Là người chứng kiến lịch sử Hy Lạp thời kỳ Alexander xứ Macedon, đồng thời vừa là bạn và vừa là quân sư của vị vua trẻ này, Arixtôt quan tâm đến những cuộc viễn chinh và sự phổ biến văn minh Hy Lạp ra toàn vùng. Ông chẳng hề giấu giếm sự ủng hộ và tán dương của mình đối với việc chinh phục thế giới của Alexander. Việc hướng đến “nhà nước toàn thế giới” dành cho người Hy Lạp theo phương án của Alexander đã tác động đến Arixtôt, hình thành nên ý tưởng về một Đại Hy Lạp bao trùm khắp khu vực, thống trị các dân tộc khác.
Việc nêu ra điều kiện lịch sử-xã hội và đời sống chính trị của Hy Lạp cổ đại qua những bước thăng trầm của nền dân chủ chủ nô, cùng với sự trỗi dậy và lụi tàn của đế quốc Macedon, đã giúp chúng ta hiểu được nguồn gốc và bản chất của tư tưởng chính trị Arixtôt, được thể hiện sâu sắc và có hệ thống trong chính trị.
Tiền đề lý luận sâu xa của tư tưởng chính trị Arixtôt là những tư tưởng chính trị hình thành từ thời sơ khai, phát triển mạnh mẽ vào thời kỳ nền dân chủ chủ nô. Còn tiền đề lý luận trực tiếp của tư tưởng chính trị Arixtôt chính là những tư tưởng của Platon, dù sau này tư tưởng của Arixtôt có phần tương phản với Platon trên bình diện triết học. Dựa vào những dữ liệu hết sức quý giá của các bậc tiền bối, ông đã tổng hợp, so sánh, đối chiếu và cải biến cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới; đồng thời, ông còn thể hiện sự “phá cách” khi là người đầu tiên công khai chống lại những tư tưởng của thầy Platon để đưa ra những tư tưởng chính trị độc đáo cho riêng mình.
Trong hệ thống triết học Arixtôt, tư tưởng chính trị chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Bắt đầu từ sự nghiên cứu, tập hợp rộng rãi mô hình của 158 nhà nước thành bang của Hy Lạp cổ đại, Arixtôt chỉ rõ các chế độ chính trị thường rất khác với cái mà hình thức bề ngoài của nó cho thấy. Việc phân loại các hình thức cai trị là cơ sở để Arixtôt đưa ra mô hình nhà nước lý tưởng của mình.
Từ quan điểm cho rằng, hình thức cai trị tốt nhất không phải tất yếu là một đối với tất cả các thời đại và tất cả các nước; điều đó đã dẫn ông đến một sự nghiên cứu đầy đủ về các hình thức khác nhau của nền cai trị, vừa bởi tính hiếu kỳ bác học vừa bởi tính chân thật của nhà cải cách.
Trong Chính trị luận, Arixtôt tiến hành phân loại các hình thức cai trị. Ông cho rằng, chính trị cũng giống như nghệ thuật và khoa học cần được xem xét không chỉ dưới lăng kính lý tưởng, mà còn trong bản chất thực tế bởi
những gì tốt nhất thường khó đạt được. Theo ông, nhà lập pháp và nhà lãnh đạo chân chính cần chú ý tới bốn yêu cầu: Thứ nhất, không chỉ là những mô hình trên lý thuyết mà còn những mô hình tốt nhất trên thực tế. Thứ hai, cần phải biết một nhà nước được thành lập như thế nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, không những trong thời kỳ lập quốc mà còn cần hiểu rõ cách thức để bảo tồn quốc gia lâu bền nhất. Thứ ba, là những nước không có được một hiến pháp tuyệt hảo hay thiếu những điều kiện cần thiết để tạo ra một cơ cấu chính trị tốt nhất, hay những nước vì điều kiện thực tế của họ mà có một cơ cấu chính trị dở hơn những nước khác. Thứ tư, nhà lập pháp còn cần phải biết cơ
cấu chính trị nào là thích hợp nhất cho những nước nói chung. Arixtôt cho rằng: “Ta phải xem xét, không phải chỉ cơ cấu chính trị nào là tốt nhất, mà còn xem loại nào là loại có thể thực hiện được và nước nào cũng xây dựng được một cách dễ dàng” [2, tr. 209].
Theo Arixtôt thì quyền uy tối thượng trong một nước có thể nằm trong tay của một người, hay của một số người, hay thuộc về nhiều người. Ông đã chia chúng thành ba hình thức đúng đắn đó là những hình thức phục vụ cho lợi ích chung. Ông nói:
“Trong loại hình chính quyền do một người cai trị, theo cách gọi thông thường là quân chủ; loại hình một thiếu số cai trị là quý tộc; gọi như vậy là vì hoặc những người cai trị thuộc thành phân ưu tú, hoặc là họ chuyên tâm đến những quyền lợi tốt đẹp nhất của quốc gia và công dân. Nhưng khi mà đa số công dân tham gia chính sự và quan tâm đến lợi ích chung, thì chính thể đó được gọi bằng một cái tên chung là “chính quyền” “hay chính thể” [2, tr. 167].
Còn những chính quyền được thiết lập nhằm phục vụ quyền lợi riêng tư của một người, một nhóm người, hay của cả nhiều người đề là hình thức hủ bại (hay chệch hướng, biến chất):
“Trong các loại hình kể trên, loại hình hủ bại của quân chủ là bạo chúa, loại hình hủ bại của quý tộc là quả đầu, và của loại thứ ba là dân chủ. Bạo chúa hủ bại là vì nhà vua chỉ chăm lo quyền lợi của vương thất; quả đầu chỉ lo cho quyền lợi của kẻ giàu; và dân chủ chỉ lo cho quyền lợi của dân nghèo. Không có loại nào lo cho quyền lợi chung của quốc gia” [2, tr. 168].
Arixtôt đã đưa ra lập luận như sau để giải thích lý do tại sao có nhiều hình thức cai trị:
“Lý do chính tại sao lại có nhiều loại chính quyền khác nhau là vì trong mỗi nước có nhiều phần tử khác nhau. Đầu tiên ta thấy tất cả mọi nước đều bắt nguồn từ nhiều gia đình, và trong số đông đảo công dân lại có kẻ