3.2.1. Về phía Chính phủ:
- Xây dựng và phát triển thị trường công nghệ: Để tạo lập và thúc đẩy thị trường công nghệ phát triển, cần phải đẩy mạnh đổi mới cơ chế và chính sách kinh tế - xã hội nhằm tạo nhu cầu ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống; Tạo lập môi trường pháp lý cho hoạt động của thị trường công nghệ; Cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài, thu hút công nghệ mới, phát triển các tổ chức trung gian, môi giới trên thị trường công nghệ.
- Phát triển nguồn lực cho hoạt động chuyển giao công nghệ: Thông qua việc phát triển nhân lực và phát triển hệ thống thông tin quốc gia về các hoạt động chuyển giao công nghệ.
- Xây dựng cơ chế, chính sách đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho hoạt động chuyển giao công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, sử dụng viện trợ ODA cho phát triển khoa học và công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm có vốn ngân sách nhà nước.
- Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về chuyển giao công nghệ: Đa dạng hóa đối tác và hình thức hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, lựa chọn đối tác chiến lược, gắn kết giữa hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ với hợp tác quốc tế về kinh tế. Cần tranh thủ tối đa các kênh chuyển giao công nghệ hiện đại từ nước ngoài, đặc biêt là kênh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, coi trọng hợp tác phát triển các ngành công nghệ cao.
- Xây dựng và củng cố hạ tầng cơ sở cho hoạt động chuyển giao công nghệ.
3.2.2. Về phía doanh nghiệp
- Xây dựng chiến lược phát triển và chiến lược kinh doanh khoa học, khả thi và thích hợp. Chiến lược phát triển và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp phải mang tính dài hạn, có tính chất linh hoạt, dựa trên nền tảng chiến lược đã định từ trước chứ không phải chờ tình hình đến đâu, ngả theo đến đó.
- Nâng cao tính tự lực trong việc phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ: Cần tạo dựng môi trường kinh doanh, thị trường sản phảm ổn định để khai thác các hoạt động liên kết khoa học và công nghệ; Nâng cao nhận thức trong hoạt động chuyển giao công nghệ để thực hiện tốt hoạt động nhập khẩu công nghệ và tiếp nhận công nghệ chuyển giao; Tăng cường công tác đào tạo dưới nhiều hình thức và tuyển dụng nhân lực công nghệ. Chuyển giao công nghệ và đầu tư sang các vùng khác chậm phát triển hơn, từ đó làm tăng quá trình luân chuyển công nghệ, tạo điều kiện đổi mới công nghệ.
- Nâng cao kiến thức về sở hữu trí tuệ và Hiệp định TRIPs của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần phải có sự quan tâm thỏa đáng đối với vấn đề sở hữu trí tuệ, thể hiện ở chính sách đầu tư của doanh nghiệp; Chủ động tìm hiểu, đọc và tham khảo những Hiệp định, quy ước và quy phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thương mại trong nước và quốc tế. Hoạt động tuyên truyền đối với các doanh nghiệp cần nhấn mạnh về quá trình chuẩn bị và xúc tiến để đăng ký cũng như công nhận bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ.
Tóm lại, bối cảnh quốc tế hiện nay đặt ra các thách thức mới cho hoạt động chuyển giao công nghệ ở các nước đang phát triển trong thời gian tới. Để tăng trưởng kinh tế vững chắc thì việc thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ một cách hiệu quả cũng là một chiến lược phát triển kinh tế cần được coi trọng. Muốn thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của hoạt động chuyển giao công nghệ cần thiết phải có những chính sách định hướng, chỉ đạo của Nhà nước trên cơ sở có sự phối hợp của các ban ngành và tính tự lực phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của doanh nghiệp một cách nhất quán và đồng bộ.
KẾT LUẬN
Ngày nay, vấn đề được đề cập đến nhiều là văn hóa sở hữu trí tuệ, tức là tạo ra cách sống và quan niệm đúng và đủ về sở hữu trí tuệ của toàn xã hội chứ không phải chỉ cần nỗ lực của riêng từng người. Đối với Việt Nam, tầm quan trọng của việc thực thi hiệu quả hệ thống sở hữu trí tuệ nói chung và Hiệp định TRIPs nói riêng là không thể phủ nhận. Những lợi ích của việc có một hệ thống sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại chặt chẽ là rất lớn, có tính quyết định đối với sự phát triển kinh tế của nước ta trong bối cảnh hội nhập với nền kinh tế thế giới. Nhận thức rõ về lĩnh vực này giúp các nhà quản lý, thực thi, doanh nghiệp và cá nhân có ý thức hơn trong việc xác lập và bảo vệ các tài sản tri thức vốn ngày càng trở nên quan trọng và có giá trị. Từ đó, năng lực sáng tạo được nâng cao, tạo nền tảng phát triển cho nền kinh tế. Bài thảo luậnđã hệ thống hóa những kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ nói chung và Hiệp định TRIPs nói riêng; làm rõ một số vấn đề kinh tế liên quan tới công tác thực thi Hiệp định TRIPs ở Việt Nam; trên cơ sở đó đưa ra một số đề xuất thiết thực nhằm góp phần nâng cao năng lực thực thi Hiệp định TRIPs ở nước ta. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn tài liệu nên luận văn chưa có những đề xuất học hỏi từ kinh nghiệm thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung và Hiệp định TRIPs nói riêng của những quốc gia khác. Hiện nay, Việt Nam là một nước được đánh giá là tương đối ổn định về chính trị và giàu tài nguyên, cơ hội đưa nền kinh tế quốc gia phát triển vượt bậc là rất lớn nếu khắc phục được những điểm yếu trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tạo lòng tin và uy tín đối với các nhà đầu tư. Một nền kinh tế mạnh và bền vững cần phải là một nền kinh tế phát triển lành mạnh, công bằng, đem lại lợi ích cho tất cả các bên.