Hà Thị Vân Thanh Hoá

Một phần của tài liệu Biên bản thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pjaps luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Trang 42 - 43)

Kính thưa Đoàn Chủ tọa kỳ họp, Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Tôi cơ bản nhất trí với bản Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi xin tham gia vào 2 vấn đề còn hạn chế vướng mắc sau đây.

Thứ nhất, về chính sách xây dựng nông thôn mới trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chương trình xây dựng nông thôn mới sau hơn 1 năm triển khai đã đạt được kết quả tích cực. Qua giám sát cho thấy đến hết năm 2011 có khoảng 52% số xã đang tiến hành lập đề án xây dựng nông thôn mới trong đó có 2820 xã chiếm 31% đã được phê duyệt. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, qua tiếp xúc cử tri kiến nghị như sau:

Một số tiêu chí đề ra trong thời điểm hiện nay chưa phù hợp vì khó thực hiện như tiêu chí quy hoạch về cơ cấu lao động, về thu nhập bình quân, về chợ nông thôn, về nhà văn hóa thôn, ấp. Sự bất cập này được chương trình thời sự lúc 19h ngày 04.06.2012 đã đưa tin và hình ảnh về chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng là chợ lác đác một vài người dân buôn bán, còn nhà văn hóa thì hầu như chưa sử dụng. Đặc biệt đối với miền núi điều kiện kinh tế còn khó khăn, dân cư sống không tập trung, địa hình không bằng phẳng, khó khăn cho việc huy động vốn cũng như tổ chức xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng. Về vấn đề này cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét lại các nội dung xây dựng nông thôn mới, gắn khả năng đáp ứng nguồn kinh phí, nhất là phần trách nhiệm của Trung ương với mục tiêu cải thiện cuộc sống cho nông dân, cần lấy những nội dung giúp cho nông dân đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập với những sản phẩm nông nghiệp có giá trị ngày càng cao theo từng vùng, miền, đồng thời thay xây dựng chợ nông thôn, nhà văn hóa thôn, ấp là xây dựng công sở xã, phường, thị trấn, nơi đây là nơi hàng ngày tiếp xúc phục vụ nhân dân mà hiện nay nhiều nơi công sở xã còn tạm bợ và xuống cấp. Điều kiện phương tiện còn thiếu thốn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Thứ hai, về hệ thống y tế cơ sở. Hiện nay y tế cơ sở đã và đang tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư. Theo báo cáo của Bộ Y tế tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế của toàn quốc giai đoạn 2001 - 2010 đạt trên 80%. Đồng thời ban hành tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020, tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ hiện nay đạt 72%, tỷ lệ các xã có nữ hộ sinh, y sỹ sản nhi đạt trên 95%, tỷ lệ thôn bản có nhân viên y tế hoạt động trên 86%. Có 78,8 trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Mạng lưới y tế dự phòng, mạng lưới khám, chữa bệnh tuyến huyện được củng cố nâng cấp đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Thực hiện tốt các chính sách khám, chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào các dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh được cải thiện. Song y tế vẫn còn rất nhiều bất cập đó là:

Một, sự thiếu đồng bộ của y tế cơ sở, do đó không đáp ứng được đầy đủ yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tình trạng quá tải cho tuyến trên. Sự bất cập thể hiện ở chỗ, có nơi có bác sỹ thì thiếu trang thiết bị y tế và ngược lại, hoặc có nơi trang bị được trang thiết bị y tế thì thiếu cơ sở hạ tầng.

Hai, không có chính sách thu hút cho bác sỹ về công tác tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt trạm y tế xã. Hiện nay một bác sỹ đào tạo 6 năm ra trường lương khởi điểm ngang với một trình độ đại học khác đào tạo ngắn hơn. Hoặc sau đào tạo bác sỹ 6 năm, đào tạo liên tục tiếp 2 năm nữa mới có bằng chuyên khoa cấp 1, song không được hưởng chính sách gì. Vấn đề này cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ như sau:

Thứ nhất, tiếp tục đầu tư, nâng cấp cho y tế cơ sở.

Thứ hai, có chế độ chính sách phù hợp để thu hút bác sỹ về công tác tại tuyến y tế cơ sở trước mắt và lâu dài đáp ứng cho nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Trên đây là ý kiến phát biểu của tôi, xin chân thành cảm ơn Quốc hội.

Một phần của tài liệu Biên bản thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pjaps luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Trang 42 - 43)