3.1.1. Ưu điểm.
Đối với người có tài sản, bán đấu giá giúp: Giới thiệu hàng hoá với số đông người mua. Bán được hàng hoá trong thời gian ngắn nhất.
Giảm thiểu thời gian chi phí hàng hoá lưu thông trên thị trường, bỏ qua các khâu trung gian không cần thiết.
Giảm bớt quá trình đi thương lượng, cho phép bán được hàng của mình theo những điều kiện và tiêu chuẩn đặt ra.
Biết được thời điểm chính xác món hàng được đem bán.
Giúp cho nhà kinh doanh có cơ hội tiếp cận thị trường sâu sát nên sẽ nắm rõ được thực tế nhu cầu, khả năng đáp ứng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mình. Có điều kiện để thiết lập và mở rộng mối quan hệ với các bạn hàng, các đối tác ở
thị trường trong và ngoài nước.
Mua hàng thông qua dịch vụ bán đấu giá tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa những người mua hàng
Khách hàng giảm bớt được thời gian tìm kiếm thị trường và bán hàng. Đồng thời khi sử dụng phương thức bán đấu giá sẽ giúp khách hàng tránh những cuộc thương lượng kéo dài không cần thiết trong quá trình đàm phán. Bởi lẽ, các điều kiện và nhân tố cần thiết cho cuộc đấu giá đã được xác định từ trước và thời gian từ khi tổ chức phiên đấu giá đến khi kết thúc là rất ngắn.
Trong suốt quá trình bán đấu giá có rất nhiều người mua hàng ở cùng một thời điểm, đồng thời cùng lúc cạnh tranh lành mạnh với nhau để giành được quyền mua hàng.
Người mua hàng cũng thích sự cạnh tranh, thử sức trong việc mặc cả, trả giá tại cuộc đấu giá.
Việc trả giá cạnh tranh một cách lành mạnh như vậy sẽ đem đến việc tài sản nhanh chóng đạt được giá trị thực. Đồng thời thông qua việc trả giá tài sản đấu giá thông thường sẽ khiến cho mức giá của hàng hóa đem bán cao hơn nhiều so với mức giá người bán mong đợi.
Trên cơ sở sự cạnh tranh lành mạnh giữa những người mua hàng, người mua có thể đưa ra giá mua đúng mức giá thị trường và phù hợp với khả năng và điều kiện của mình.
Loại bỏ được những cuộc thương lượng về giá kéo dài. Giảm bớt được thời gian mua hàng.
Không cần phải lo lắng về các yếu tố phụ thuộc thời gian, vì thời gian mua hàng và thời hạn giao hàng đã được xác định.
Thủ tục pháp lý và tính hợp pháp của tài sản được bảo đảm.
Có đủ thời gian và điều kiện cần thiết để xem kỹ chất lượng, giá trị, giá cả món hàng định mua.
Ngoài ra còn có các ưu điểm khác như sau:
Khi có hoạt động đấu giá hàng hóa quốc tế tại Việt Nam, hai bên cùng giao dịch dễ đạt được các thỏa thuận hơn do các bên hiểu rõ vấn đề, ít xảy ra các sai lầm hoặc thiếu sót.
Giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Nếu hoạt động kinh doanh diễn ra khi các bên đối tác chưa biết rõ về nhau, mỗi bên ở một quốc gia khác nhau, liên hệ gián tiếp đôi khi xảy ra những rủi ro không đáng có như: lừa đảo, mục đích thực hiện công việc không rõ ràng, công ty ma,…..
Tăng cơ hội tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, giảm sức ép từ bài toán thất nghiệp, khắc phục được mâu thuẫn đang tồn tại giữa thừa sức lao động mà thiếu nguyên vật liệu đầu vào sản xuất.
Nếu tham gia đấu giá trực tuyến thì sẽ ít bị ràng buộc về thời gian, địa lý và sức mạnh tương tác của xã hội cao, số lượng người đấu giá lớn và số lượng người bán hàng cũng lớn. Vì sử dụng hình thức này thì có thể đặt giá ở bất cứ lúc nào trong thời gian mở đấu giá và có thể tham gia đấu giá dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới nhờ mạng Internet. Từ đó sẽ kích thích mạng lưới kinh doanh phát triển mạnh. Còn tạo thêm cơ hội tích lũy vốn, thu hút kỹ thuật và học hỏi kinh nghiệm quản lý
tiên tiến của các quốc gia khác, đặc biệt là quốc gia phát triển.
3.1.2. Nhược điểm.
Bên cạnh những ưu điểm mà đấu giá hàng hóa đem lại thì đấu giá hàng hóa vẫn còn nhiều điểm hạn chế như:
Đấu giá hàng hóa quốc tế tạo nên sự kém linh hoạt trong hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa.
Pháp luật về bán đấu giá tài sản hiện hành chưa đồng bộ, chưa thống nhất, còn tồn tại những mâu thuẫn, chồng chéo về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản...đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Pháp luật về bán đấu giá hàng hóa vào nước ta hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện chưa được giải quyết làm cho hiệu quả của hoạt động bán đấu giá hàng hóa chưa cao. Một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền như cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa còn chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với hàng hóa đã bán đấu giá mà pháp luật quy định phải đăng ký. Các tranh chấp,
khiếu nại quyền lợi của các bên tham gia đấu giá hàng hóa trong nhiều trường hợp chưa được quan tâm giải quyết nhanh chóng và thích đáng làm cho các chủ thể tham gia mất lòng tin, và không thu hút được nhiều người. Một số quy định trong pháp luật về đấu giá tài sản còn chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp, chưa đồng bộ, gây khó khăn cho việc áp dụng đã làm giảm hiệu quả của đấu giá hàng hóa. Ngoài ra còn một số quy định còn nhiều lỗ hổng tạo cơ hội cho sự móc ngoặc giữa người bán hàng, người tổ chức bán hàng đấu giá. Mặc dù tài sản tổ chức bán đấu giá thành công nhưng thời gian hoàn tất thủ giấy tờ liên quan đến chuyển dịch tài sản, nhất là giấy tờ sở hữu nhà ở, đất đai lại còn lâu. Do chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền như xây dựng, tài nguyên môi trường cũng như các cơ quan có liên quan khác như thi hành án, thuế… Đấu giá vẫn có những điểm hạn chế nhất định đối với một số tài sản như: quyền sử
dụng đất hoặc nhà ở thuộc sở hữu nhà nước khi đấu giá, kết quả cho thấy trên thị trường đất đai luôn xuất hiện “chính sách 2 giá”, đây là nguyên nhân dẫn tới việc mua đi, bán lại tạo nên những cơn sốt đất giả tạo. Mặt khác, khi thực hiện đấu giá để đầu tư thực hiện các dự án có sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại đất khác được thu hồi trong trường hợp sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả với hàng triệu m2 và hàng trăm dự án phát triển nhà ở sẽ áp dụng theo quy chế nào? chúng ta chưa có quy định cụ thể. Hoặc đối với những mảnh đất đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh với đất sử dụng vào mục đích khác có thể do chủ đầu tư xây dựng hoặc cá nhân, tổ chức trúng giá thực hiện, đây là một công đoạn hết sức khó khăn, tốn nhiều công sức, đòi hỏi nhiều cấp, nhiều ngành tham gia, từ đó làm ảnh hưởng tới cả quá trình quản lý cũng như năng lực quản lý nhà nước nói chung.
Quy định về đấu giá trong các lĩnh vực chuyên ngành rất đa dạng. Tuy nhiên sự manh mún, chồng chéo, không đồng bộ và trùng lặp thể hiện rất rõ ở các quy định này. Ví dụ: các quy định chung về đấu giá được lặp lại ở hầu hết các văn bản có quy định về đấu giá chuyên ngành, trong khi quy định riêng, đặc thù của đấu giá chuyên
ngành: bán gì, ai bán, bán cho ai, ra giá và trả giá… thì lại không được quy định rõ ràng ở nhiều trường hợp.
Muốn bán được hàng hóa, các trung tâm giao dịch phải chi phí cho tuyên truyền quảng cáo, trong khi thù lao trả cho doanh nghiệp đấu giá quá thấp => các trung tâm giao dịch hạn chế quảng cáo dẫn tới các phiên đấu giá khó thực hiện và ít người biết đến.
Kinh nghiệm và cơ sở tổ chức đấu giá hàng hóa quốc tế tại Việt Nam chưa thật sự phát triển. Bên cạnh đó một số ít người vẫn chưa nắm vững và am hiểu được kiến thức về đấu giá quốc tế. Điều này gây ra khó khăn rất lớn trong quá trình đấu giá. Số lượng khách hàng tham gia còn hạn chế vì trong quá trình tham gia đấu giá phải
qua nhiều thủ tục, đòi hỏi người mua cần am hiểu luật pháp về lĩnh vực này. Một vướng mắc có thể coi là vấn nạn, giờ đây xuất hiện rất nhiều “ cò” đấu giá.
Chúng không phải khách hàng đích thực nhưng cấu kết với nhau để cưỡng ép, không chế người mua. Chúng dọa nạt khách hàng, cưỡng ép họ phải đưa ra giá mua thấp một cách phi lý.
Chi phí tổ chức, mở đấu giá tốn kém.Khi tổ chức cuộc đấu giá hàng hóa cần một lượng kinh phí rất cao để chi trả cho buổi đấu giá đấy. Cần phải dùng chi phí rất lớn cho việc tìm kiếm địa điểm, các sản phẩm hàng hóa trong buổi đấu giá,…
Lệ phí bán đấu giá bị khống chế, thường chưa đáp ứng nhu cầu. Mặc dù pháp luật quy định mức lệ phí do thỏa thuận giữa chủ tài sản và doanh nghiệp đấu giá, nhưng tài sản chủ yếu thuộc quyền của cơ quan Nhà nước, nên những người thi hành không dám thỏa thuận, bởi họ sợ bị nghi ngờ là không minh bạch. Họ thường đưa ra mức thù lao thấp.
Quá trình tham gia đấu giá phải qua nhiều thủ tục. Điều này khiến cho việc tổ chức đấu giá mất nhiều thời gian công đoạn.