1. Kết luận
1) Theo phân loại đất của FAO-UNESCO năm 2010 huyện Lạng Giang có 16.884,20 ha đất xám với 3 đơn vị đất là: đất xám điển hình (ACh) 3.824,00 ha, đất xám có tầng loang lổ (ACp) 8.296,50 ha và đất xám feralit (ACf) 4.763,70 ha. Ba đơn vị đất xám này có độ phì từ trung bình đến thấp, với các tính chất cơ bản là: Thành phần cơ giới đất tầng mặt từ thịt pha cát đến sét; đất có phản ứng chua với lượng Al3+ di động cao, Ca và Mg trao đổi thấp; hàm lượng hữu cơ tổng số từ thấp đến trung bình; CEC từ dao động từ 6,78 đến 14,55 lđl/100g đất; đạm lân, kali tổng số dao động từ nghèo đến trung bình; Các dinh dưỡng dễ tiêu đều ở mức trung bình đến nghèo.
2) Hàm lượng chất hữu cơ (OM%) và mùn ở tầng mặt trên 3 đơn vị đất xám đều từ thấp đến trung bình (tương ứng từ 1,85 - 3,89% và 1,48 - 3,45%). Trên đất xám có tầng loang lổ loại hình sử dụng đất chuyên lúa có hàm lượng mùn ở tầng mặt cao nhất (2,23%), thấp nhất là loại hình lúa màu và chuyên màu (1,98%). Trên đất xám feralit loại hình sử dụng đất rừng sản xuất có hàm lượng mùn ở tầng mặt cao nhất (3,45%) và thấp nhất là ở cây ăn quả (2,92%). Trên đất xám điển hình loại hình sử dụng đất lúa màu có hàm lượng mùn ở tầng mặt cao nhất (2,21%) và thấp nhất ở loại hình cây ăn quả (1,53%). Trữ lượng chất hữu cơ và mùn trên đất xám (tầng mặt) dưới các loại hình sử dụng đất đều thấp, dao động tương ứng từ 26,31 đến 80,86 tấn/ha và 20,07 đến 71,76 tấn/ha: Trữ lượng mùn cao nhất là ở loại hình rừng sản xuất trên đất xám feralit và thấp nhất là ở loại hình cây ăn quả trên đất xám điển hình, tuy nhiên loại hình sử dụng đất rừng sản xuất lại có chất lượng chất hữu cơ và mùn thấp nhất, chất lượng khá tốt là loại hình sử dụng đất chuyên màu, chuyên lúa và lúa – màu. Tỷ lệ C/N trong 3 đơn vị đất dao động trong khoảng 4,61-10,27. Tỷ lệ CH/CF < 1,dao động trong khoảng 0,41 đến 0,61, mùn thuộc nhóm fulvat (mùn chua) chiếm ưu thế.
3) Tốc độ phân hủy của tàn dư thực vật trên đất xám điển hình có sự khác nhau: Trong điều kiện ruộng nước tốc độ phân hủy của dây lạc nhanh hơn tốc độ phân hủy của rơm rạ, trong thời gian 150 ngày dây lạc đã phân hủy tới 90% trong khi tốc độ phân hủy của rơm chỉ đạt 81,1%. Trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 10/2011 ở điều kiện ruộng cạn tốc độ phân hủy của dây lạc cũng nhanh hơn tốc độ phân hủy của rơm rạ và cúc dại Thái Lan, trong 150 ngày vùi tốc độ phân hủy lần lượt là 87,2%, 78,3% và 79,1%, toàn bộ tàn dư thực vật được vùi đều phân hủy hết trong vòng 180 ngày. Bổ sung thêm vôi và chế phẩm vi sinh vật đã đẩy nhanh tốc độ phân hủy các tàn dư thực vật và làm giảm tỷ lệ C/N ở mức thấp nhất (8,41).
4) Đỗ tương chịu hạn, lạc chịu hạn, lạc dại, cúc dại Thái Lan và chè khổng lồ rất thích hợp với việc phủ đất ở vùng đồi trồng vải ở huyện Lạng Giang. Khi vùi toàn bộ phần sinh khối thu hoạch được vào đất thì lượng dinh dưỡng tương ứng hoàn trả lại cho đất là 142,64 - 1.003,20 kg N/ha, 47,22 - 464,64 kg P2O5/ha, 88,47 - 897,60 kg K O/ha. Lượng dinh dưỡng trả lại cho đất lớn nhất ở cây chè khổng lồ, tiếp theo là cây
cúc dại Thái Lan và thấp nhất là lạc dại. Các cây che phủ, đặc biệt là cúc dại Thái Lan còn làm tăng lượng hữu cơ trong đất, tăng độ xốp đất và giữ ẩm đất vào mùa khô.
5) Trồng cây che phủ đất dưới tán vải, sử dụng phân hữu cơ kết hợp cày vùi tàn dư thực vật ở đất chuyên lúa, lúa màu và chuyên màu đã cho hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường. Thu nhập thuần trên đất tăng từ 6.869.000 đồng/ha ở công thức Lạc chịu hạn vụ thu đông (CT2, TN7) đến 21.712.000 đồng/ha ở công thức 2 lúa có bón phân khoáng, phân phân hữu cơ, cày vùi rơm rạ sau khi thu hoạch (CT2, TN8). Theo mức độ lãi tăng so với đối chứng: Cao nhất là công thức 2 lúa có bón phân khoáng, phân phân hữu cơ, cày vùi rơm rạ sau khi thu hoạch (CT2, TN8) tăng 4.435.000 đồng/ha và thấp nhất là công thức Đỗ tương chịu hạn hè thu trồng trên đồi vải (CT3, TN7) chỉ tăng 272.000 đồng/ha. Mức độ chấp nhận của người dân về các thí nghiệm đồng ruộng là rất cao (100%). Các thí nghiệm đồng ruộng được đánh giá đều có hiệu quả cao về môi trường.
6) Để nâng cao hàm lượng chất hữu cơ và độ phì của đất xám huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang cần phải tiến hành tổng hợp nhiều biện pháp đã đề xuất, trong đó trọng tâm là biện pháp canh tác và tăng cường tuần hoàn chất hữu cơ trong đất. Cụ thể là:
- Trồng các loại cây che phủ đất là lạc dại, cúc dại Thái Lan, lạc chịu hạn và đỗ tương chịu hạn dưới tán vải và một số cây lâu năm khác.
- Đối với đất cây hàng năm: cày vùi tàn dư thực vật kết hợp bón phân hữu cơ và bón vôi. Đưa cây họ đậu (lạc và đỗ tương) vào cơ cấu cây trồng trên đất lúa màu và chuyên màu ít nhất 1 vụ/năm. Có thể sử dụng chế phẩm VSV có khả năng phân giải xenlulo để đẩy nhanh tốc độ phân hủy tàn dư thực vật trong đất.
2. Kiến nghị
1) Để việc bảo vệ, cải thiện và nâng cao chất lượng hữu cơ, bảo vệ môi trường, cải tạo chất lượng đất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập cho người nông dân, làm cơ sở xây dựng cho một nền nông nghiệp phát triển bền vững đề nghị chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề xuất trên.
2) Tăng cường các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ về cơ chế, chính sách để người nông dân có ý thức trong việc sử dụng, bảo vệ và cải tạo chất lượng đất. Các phòng ban chức năng cần tuyên truyền phổ biến cho bà con nông dân nhận thức được vai trò của việc bảo vệ chất lượng đất, tăng cường các biện pháp duy trì độ ẩm, đặc biệt là tăng lượng chất hữu cơ cho các loại hình sử dụng đất.