Đất trồng: Vùng đất trồng rau sạch phải là vùng đất chưa bị ô nhiễm bởi kim loại nặng như asen, thủy ngân…hoặc chưa bị ảnh hưởng bởi nước thải công nghiệp như nhà máy nước thải chưa được xử lý hoặc do ở gần các nhà máy, xí nghiệp. Khu vực trồng rau phải được cách ly với các khu vực có chất thải công nghiệp nặng và bệnh viện ít nhất 2 km và với chất thải sinh hoạt của thành phố ít nhất 200m.
Giống: Phải biết rõ lý lịch nơi sản xuất hạt giống. Hạt giống nhập nội phải qua kiểm dịch. Trước khi gieo trồng hạt giống phải được xử lý hoá chất hoặc nhiệt để diệt nguồn sâu bệnh sau này.
Nước tưới: Vì trong rau xanh nước chứa trên 90% nên việc tưới nước có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. Sử dụng nước giếng hoặc nước sông, ao, hồ không bị ô nhiễm để tưới, đảm bảo an toàn vệ sinh. Dùng nước sạch để pha các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Phân bón: Không được dùng các loại phân chuồng chưa ủ hoai, không dùng phân tươi pha loãng để tưới rau. Trước khi thu hoạch 15 ngày cần kết thúc bón phân. Chỉ được phép sử dụng phân bón có tên trong danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, đang có hiệu lực. Sử dụng thuốc BVTV và hóa chất: Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng. Sử dụng thuốc
trong danh mục cho phép sử dụng; Không sử dụng các loại thuốc cấm, thuốc đã hết hạn sử dụng. Lựa chọn các loại thuốc ít độc với người, thiên địch và động vật khác; ưu tiên sử dụng thuốc chọn lọc, thuốc điều hòa sinh trưởng côn trùng, thuốc sinh học (thuốc vi sinh và thảo mộc)... Tùy theo loại thuốc mà thực hiện theo hướng dẫn về sử dụng và thời gian cách ly.
Thu hoạch: Thu hoạch rau đúng độ chín, đúng theo yêu cầu của từng loại rau; đảm bảo thời gian cách ly thuốc BVTV và bón phân lần cuối; loại bỏ lá già héo, trái bị sâu bệnh và dị dạng.