Bước 1: Bạn xem hình, các kiểu mạch phân cực DC kinh điển thường dùng để transistor làm việc trong vùng khuếch đại:
Khi phân cực DC, Bạn dùng các điện trở để cấp mức áp DC trên các chân B, chân E chân C, sao cho mối nối EB phân cực thuận để chân E phun ra dòng hạt tải và sao cho mối nối CB phân cực nghịch để chân C hút gần hết dòng phun ra từ chân E. Chúng ta dùng trình PSpice để tính các mức áp phân cực cho mạch điện trên, với các mức áp như hình vẽ, các transistor đã lấy đúng phân cực. Chúng ta hãy xem dòng làm việc chảy qua các transistor (Bạn xem hình).
Khi dùng các transistor cho làm việc với các tín hiệu nhỏ, dòng làm việc của các transistor lấy trong khoảng 300uA đến 2mA là được. Dòng Ic lấy càng nhỏ transistor khuếch đại ít ồn (ít tiếng sôi) nhưng cho độ lợi nhỏ, nếu lấy dòng Ic lớn, độ lợi sẽ lớn, nhưng tiếng ồn cũng lớn theo (tiếng ồn được hiểu là tiếng sôi phát ra từ dòng chảy). Muốn điều chỉnh cường độ dòng điện Ic, Bạn thay đổi mức áp phân cực trên chân B hay thay đổi trị của điện trở định dòng trên chân E.
Qua phần trình bày trên, Bạn thấy với tất cả các sơ đồ mạch điện, trình PSpice sẽ tính ra mức áp trên các đường mạch và tính ra cường độ dòng điện chảy vào chảy ra trên các chân của các linh kiện. Như vậy khi kiểm tra trạng thái phân cực DC của một mạch điện, công việc của Bạn là dùng VOM kế, đo áp trên các đường mạch và đo dòng trên các chân của các linh kiện, từ kết quả đo
được sẽ biết được mạch bị hư hỏng ở phần nào, đó là công việc cơ bản của người chuyên viên điện tử.
Bước 2: Khảo sát mạch khuếch đại với nguồn tín hiệu dạng sin.
Trước hết Bạn hãy gắn vào các tụ liên lạc và dùng một nguồn tín hiệu dạng sin đặt tín hiệu qua tụ liên lạc C2 vào chân B, dùng tụ liên lạc C1 dẫn tín hiệu ra tải, với điện trở R3 (50K). Và trình PSpice cho chúng ta kết quả phân tích như hình sau:
Kết quả tín hiệu ngả vào và ngả ra đều có dạng Sin, biên độ tín hiệu ngả ra lớn hơn ngả vào, chúng ta có độ lợi và tín hiệu ngả vào ngả ra có tính đảo pha.
Khi tăng biên độ tín hiệu ngả vào lên 200mV thì tín hiệu ngả ra không còn dạng sin nữa, chúng ta nói mạch khuếch đại đã làm méo tín hiệu.
Có Bạn hỏi: Đến đây có Bạn dừng tôi lại và hỏi. Tín hiệu là gì? Trong đời thường cứ nghe nói đến tín hiệu luôn, vậy tín hiệu là gì?
Trả lời:Tín hiệu có 2 mặt. Mặt vật lý và mặt thông tin. Chúng ta nhận thấy: Tín hiệu thường là các biến đổi vật lý, như trời có nhiều mây thì nghĩ đến mưa, sờ trán thấy nóng thì nghĩ đến bệnh. Ông Bác sĩ cố tìm các dấu hiệu vật lý trên người bệnh để nhận ra bệnh. Còn đối với dân điện tử thì tín hiệu là các biến đổi của mức volt trên các đường mạch, hay sự biến đổi của dòng điện trên các chân của linh kiện. Sự biến đổi này có 3 thành tố, đó là:
* Biên độ của tín hiệu, cho cho thấy sự biến đổi mạnh yếu, cao thấp và thường đo theo Vp-p (hay Ip-p).
* Tần số của tín hiệu, cho thấy sự biến đổi nhanh hay chậm, thường đo theo Hertz.
* Dạng sóng của tín hiệu, cho biết nét biến đổi lên xuống ra sao, theo hình dạng gì.
Về mặt thông tin, một tin hiệu thường mang trong nó một lượng thông tin. Thông tin là sự nhận biết của con người. Nhìn sự biến đổi trên mạch, người thợ có thể biết đó là tín hiệu âm thanh, hay tín hiệu hình ảnh.... Các tín hiệu mà hiện tại chúng ta không nhận biết thường qui cho là ồn hay nhiễu.
Tóm lại có thể hiểu tín hiệu một cách đơn giản. Tín hiệu trước hết là sự biến đổi vật lý và trong nó có mang theo thông tin. Trong ngành điện người ta đặt tên tín hiệu theo dạng sóng, lúc đó chúng ta có tín hiệu dạng sin, dạng răng cưa, dạng xung vuông, dạng xung nhọn...Nếu đặt tên theo tần số, chúng ta có tín hiệu tần thấp, tần cao, tần siêu cao...Nếu đặt tên theo tính năng, chúng ta có tính hiệu đồng bộ, tín hiệu quét ngang quét dọc, tín hiệu hình, tín hiệu âm thanh... Trong ngành điện tử, người ta chế tạo máy hiện sóng (OscilloScope) và dùng nó để xem các tín hiệu trên một bo mạch. Có thể nói máy hiện sóng chính là con mắt thứ ba của người thợ điện tử dùng để nhìn thấy tín hiệu trên một mạch điện và làm nghề điện tử là nghề gia công tín hiệu.