Kiệt sức do nóng là một trong những hội chứng liên quan đến nóng có mức độ nặng đi từ chuột rút nhẹ do nóng đến say nóng, có thể đe dọa tính mạng. Dấu hiệu và triệu chứng của kiệt sức do nóng thường bắt đầu đột ngột, đôi khi sau khi tập luyện quá sức, ra mồ hôi nhiều và uống không đủ nước.
Dấu hiệu và triệu chứng tương tự như say nóng và có thể gồm:
Cảm giác ngất
Buồn nôn
Ra mồ hôi nhiều
Mặt tái xanh
Nhịp tim nhanh, yếu
Huyết áp thấp
Da lạnh, ẩm
Sốt nhẹ
Nếu bạn nghĩ đến kiệt sức do nóng:
Chuyển bệnh nhân từ nơi có ánh nắng và vào trong bóng mát hoặc nơi có điều hòa nhiệt độ.
Đặt bệnh nhân nằm, kê chân cao hơn một chút.
Nới lỏng hoặc cởi bỏ quần áo bệnh nhân.
Cho bệnh nhân uống nước mát không đá, hoặc uống nước có chất điện giải.
Làm mát cơ thể bằng khăn ướt hoặc phun nước mát và quạt.
Theo dõi bệnh nhân cẩn thận. Kiệt sức do nóng có thể nhanh chóng trở thành say nóng. Nếu có sốt trên 38ºC, ngất xỉu, lú lẫn hoặc co giật, hãy gọi ngay cấp cứu.
20. MẤT RĂNG
Nếu răng của bạn bị gãy mất, hãy đến nha sĩ ngay. Đôi khi có thể cứu được răng gãy bằng cách cắm lại răng vĩnh viễn bị gãy. Song cách này chỉ thực hiện được khi bạn hành động nhanh.
Nếu răng bị gãy rơi ra:
Chỉ cầm vào thân răng, không cầm vào chân răng
Không lau hoặc cạo răng để loại bỏ chỗ bẩn
Rửa răng nhẹ nhàng trong bát nước. Không để răng dưới nước đang chảy
Thử đặt lại răng vào ổ răng. Sau đó cắn nhẹ vào một miếng gạc hoặc túi trà đã được làm ẩm để giúp giữ răng đúng chỗ.
Nếu bạn không thể đặt lại răng vào ổ răng, ngay lập tức thả nó vào trong sữa nguyên, nước bọt của bạn hoặc nước muối ấm loãng (1/4 thìa cà phê muối cho một lít nước).
Đến gặp nha sĩ hoặc đến phòng cấp cứu ngay
Nếu bạn tham gia vào các môn thể thao có va chạm, bạn có thể thường xuyên để phòng bị gãy răng bằng cách mang dụng cụ bảo vệ răng.
21. NGẠT THỞ
Ngạt thở xảy ra khi có dị vật mắc kẹt ở cổ họng hoặc khí quản, làm tắc luồng không khí. Ở người lớn, thức ăn thường là thủ phạm. Trẻ em thường nuốt các vật nhỏ. Vì ngạt cắt đứt nguồn cung cấp oxy cho não, nên việc sơ cứu cần thực hiện càng nhanh càng tốt.
Dấu hiệu phổ biến của ngạt là tay giữ chặt lấy cổ họng.
Không nói được
Khó thở hoặc hơi thở ồn ào
Không ho mạnh được
Da, môi và móng màu xanh hay xám
Mất ý thức
Nếu ngạt xảy ra, bắt đầu thực hiện nghiệm pháp Heimlich. Nếu bạn là người cứu chữa duy nhất, hãy thực hiện nghiệm pháp Heimlich trước khi gọi cấp cứu để nhờ giúp đỡ.
Nếu có người nào khác, hãy để người đó gọi cấp cứu giúp bạn trong khi bạn thực hiện nghiệm pháp Heimlich.
Để thực hiện nghiệm pháp Heimlich cho một người khác:
Đứng sau người đó. Vòng cánh tay của bạn xung quanh eo. Đẩy người đó hơi cúi về trước.
Nắm một tay thành nắm đấm. Đặt nhẹ nhàng lên trên rốn của người đó
Dùng tay kia nắm lấy tay bên này. Ấn mạnh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên, cố nâng người đó lên.
Làm lại cho tới khi đẩy được dị vật ra .
Để thực hiện nghiệm pháp Heimlich cho chính bạn:
Đặt nhẹ nhàng một nắm tay lên trên rốn.
Dùng tay kia nắm lấy tay này và cúi người qua một bề mặt cứng – như mặt quầy hoặc ghế.
Thúc nắm tay theo hướng vào trong và lên trên.
Làm thông đường thở ở phụ nữ mang thai hay người béo phì:
Đặt tay của bạn cao hơn chút ít so với nghiệm pháp Heimlich bình thường, ở mỏm xương ức, ngay trên chỗ tiếp giáp của xương sườn dưới cùng.
Làm lại cho tới khi thức ăn hoặc dị vật gây tắc nghẽn khác bật ra hoặc người bệnh bất tỉnh.
Làm thông đường thở ở người bất tỉnh:
Từ từ đặt người đó nằm ngửa xuống nền nhà.
Khai thông đường thở. Nếu có tắc nghẽn nhìn thấy được ở sau họng hay ở phía trên họng, đưa ngón tay vào miệng và rà soát nguyên nhân gây tắc nghẽn. Thận trọng không đẩy thức ăn hay dị vật vào sâu trong đường thở, điều này có thể dễ dàng xảy ra ở trẻ em.
Nếu vật cản vẫn bị mắc lại và người bệnh không đáp ứng sau khi thực hiện những biện pháp trên, bắt đầu hồi sức tim phổi (CPR). Việc ấn ngực trong CPR có thể làm dị vật bật ra. Hãy nhớ định kz kiểm tra lại miệng.
Khai thông đường thở ở trẻ dưới 1 tuổi bị ngạt:
Ngồi xuống, cẳng tay tựa vào đùi và để trẻ úp mặt lên cẳng tay.
Đập nhẹ nhưng dứt khoát 5 lần vào giữa lưng trẻ bằng gốc bàn tay. Phối hợp giữa trọng lực và việc đập vào lưng sẽ làm dị vật bật ra.
Nếu việc làm này không mang lại hiệu quả, hãy để trẻ úp mặt lên cẳng tay bạn với đầu thấp hơn thân. Dùng 2 ngón tay đặt giữa xương ức của trẻ, ấn nhanh vào ngực 5 lần.
Nếu trẻ không thở trở lại, lặp lại động tác đập vào lưng và ấn vào ngực. Hãy gọi cấp cứu ngay.
Nếu một trong những kỹ thuật trên khai thông được đường thở nhưng trẻ vẫn không thở trở lại, thì bắt đầu hồi sức tim phổi.
Nếu trẻ lớn hơn 1 tuổi, chỉ cần ép mạnh vào bụng.
Để chuẩn bị đối phó 3 tình huống này, hãy tham gia học về nghiệm pháp Heimlich và CPR trong một khóa đào tạo có chứng chỉ về sơ cứu.