Trong quá trình thực tập tại trang trại, em đã tham gia chăm sóc nái đẻ, nái nuôi con và đàn lợn con. Quy trình chăm sóc lợn nái đẻ, nái nuôi con, lợn con theo mẹ được áp dụng theo quy trình của trại:
Trước khi chuyển nái sang chuồng đẻ vệ sinh sát trùng chuồng đẻ sạch sẽ, khô ráo. Tắm nái sạch và chuyển nái qua chuồng đẻ trong khoảng 7 - 10 ngày trước đẻ. Chuẩn bị dụng cụ trước khi lợn con ra đời: khăn lau, bột xoa, cồn iod, cân, tải ni-lông, dầu bôi trơn, panh, kim tiêm, kìm cắt đuôi, máy mài nanh, bấm tai, sổ ghi chép, thuốc oxytoxin, kháng sinh, quây úm, bóng úm, thảm lót...
Khẩu phần ăn cho nái đẻ và nái nuôi con
Lợn nái chửa trước ngày đẻ dự kiến 3 ngày cho ăn thức ăn GF08 giảm dần 1kg/ngày. Khi lợn nái đẻ được 2 ngày tăng dần lượng thức ăn mỗi ngày từ 0,5 - 1kg/ ngày đến ngày thứ 6. Đối với lợn nái gầy và nuôi nhiều con có thể cho ăn tăng lượng thức ăn lên.
Chương trình thuốc:
+ Lợn nái trước và sau đẻ một tuần trộn kháng sinh BMD (10g/ngày). + Khi phát hiện lợn chuẩn bị đẻ tiêm ngay thuốc kháng sinh.
+ Khi lợn đẻ được 6 con trở lên tiêm 2ml oxytocine, khi lợn đẻ được 2 con mà thấy biểu hiện khó đẻ có thể tiêm luôn 2ml oxytocine.
+ Trong quá trình đẻ lợn mẹ yếu có thể truyền dung dịch muối truyền tĩnh mạch cho lợn mẹ.
+ Ngày thứ 2 sáng tiêm 2ml oxytocine, chiều tiêm 2ml (sau khi vừa ăn xong). + Ngày thứ 3 tiêm thêm một mũi kháng sinh (nếu không có dấu hiệu viêm có thể không sử dụng thuốc).
+ Biểu hiện chuẩn bị đẻ: lợn bồn chồn, đứng ngồi không yên, chân cào xuống nền chuồng, ỉa, đái vặt, trước đẻ 1 giờ bắt đầu tiết sữa, bóp bầu vú sữa bắn ra thành tia.
+ Biểu hiện khi đẻ: toàn thân co bóp.
Thao tác đỡ đẻ: Trước khi đẻ lợn mẹ phải được vệ sinh (tắm) sạch sẽ, bộ phận sinh dục và bầu vú cũng được lau chùi sạch sẽ. Khi lợn con được đẩy ra ngoài nhanh chóng dùng tay vuốt mồm cho lợn dễ thở sau đó dùng bột lăn rắc vào toàn thân lợn con, có tác dụng hút ẩm làm nhanh khô toàn thân, sát trùng và giữ ấm cho lợn con. Sau đó dùng chỉ buộc dây rốn cách rốn 1 khoảng 10 cm rồi cắt bên dưới nút buộc, sịt cồn vào rốn và thả lợn vào lồng úm đã chải sẵn thảm và thắp đèn úm. Trường hợp lợn mẹ khó đẻ, sau 15 - 20 phút phải có biện pháp can thiệp. Sau khi lợn mẹ đẻ xong cần vệ sinh sạch sẽ bầu vú, cơ quan sinh dục và cho lợn con vào bú sữa đầu. Trong khi lợn con bú mẹ cần chú ý quan sát để tránh trường hợp lợn mẹ đè con.
Trong thời gian 6 tháng thực tập tại trại em đã được tham gia vào các công tác chẩn đoán cho đàn lợn nái và đàn lợn con cùng các anh kỹ thuật của trại. Do có sự thay đổi luân phiên công việc nên trong 6 tháng em đã tham gia theo dõi, chẩn đoán đối với 110 lợn nái và hơn 1300 lợn con. Qua đó em đã được trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm về chẩn đoán một số bệnh thường gặp, nguyên nhân gây ra bệnh và cách khắc phục, điều trị bệnh. Kết quả thực hiện được thể hiện ở bảng 4.6.
Bảng 4.6. Tình hình mắc bệnh trên đàn lợn nái và đàn lợn con tại trại
Loại lợn Tên bệnh Số lợn theo dõi (con) Số lợn mắc bệnh (con) Tỷ lệ (%) Lợn nái Viêm tử cung 110 20 18,18 Viêm vú 110 5 4,54 Đẻ khó 110 10 9,10 Sát nhau 110 3 2,72 Lợn con Phân trắng lợn con 1320 120 9,09 Hội chứng hô hấp 1320 30 2,27
Qua bảng 4.6. cho thấy: trong các bệnh gặp phải ở lợn nái thì tỷ lệ lợn mắc viêm tử cung là cao nhất 18,18% , sau đó là khó đẻ 9,10%, viêm vú 4,54%, thấp nhất là sót nhau chiếm 2,72%. Các bệnh mắc phải ở lợn con thì nhận thấy tỷ lệ lợn con mắc bệnh phân trắng là khá cao chiếm 9,09%, vì đây là bệnh phổ biến và khó tránh ở lợn con còn hội chứng hô hấp chiếm 2,27%.
Nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ lợn mắc viêm tử cung là do chăm sóc nuôi dưỡng chưa tốt, vệ sinh chưa đảm bảo, do quá trình can thiệp khi lợn đẻ khó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào và gây viêm.
Về lợn con theo mẹ nguyên nhân là do lợn con mới đẻ ra sức đề kháng còn yếu dễ bị ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài như vi sinh vật xâm hại hay nhiệt độ chuồng nuôi không thích hợp (lạnh quá hay nóng quá). Cách khắc phục tốt nhất để hạn chế lợn con mắc bệnh tiêu chảy là cho lợn con bú sữa đầu ngay sau khi đẻ và giữ ấm cơ thể cho lợn con, vệ sinh sạch sẽ sàn lợn con nằm.
Bên cạnh đó, việc thời tiết lạnh mà lợn con không được giữ ấm sẽ khiến lợn mắc một số bệnh về đường hô hấp, ngoài ra còn do quá trình vệ sinh chuồng nuôi chưa được tốt, không khí trong chuồng nuôi nhiều bụi bẩn, thức ăn quá khô hoặc bị mốc sinh nhiều bụi cũng dẫn tới bệnh về đường hô hấp, chính vì vậy làm cho số lợn con mắc hội chứng hô hấp cũng khá cao.
Vì vậy, việc giữ ấm cho lợn con trong những ngày thời tiết lạnh giá là điều rất cần thiết, bên cạnh đó còn phải cung cấp thức ăn đảm bảo cả số lượng và chất lượng và nước uống đầy đủ.