2.1. Quy định của Luật hình sự Việt Nam về chủ thể của tội tham ô tài sản sản
Tội tham ô tài sản được quy định trong chương các tội phạm về chức vụ, do đó chỉ những người có chức vụ được quy định tại Điều 352 BLHS năm 2015 mới có thể là chủ thể của tội tham ô tài sản. Cụ thể tại Khoản 2 Điều 352 BLHS năm 2015 quy định: “Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ,
nhiệm vụ”. Việc bổ sung từ “nhiệm vụ” sau từ “công vụ” đã mở rộng phạm vi phạm
tội phạm tham nhũng không chỉ giới hạn ở lĩnh vực công mà sang lĩnh vực tư. Đối với tội tham ô tài sản, dấu hiệu chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn là dấu hiệu phân biệt sự khác nhau giữa tội tham ô tài sản với các tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt cũng chính là sự khác nhau về các dấu hiệu chủ thể của tội phạm. Theo đó, Khoản 1 Điều 353 BLHS năm 2015 quy định: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000
đồng…”. Từ quy định của luật hình sự Việt Nam, chủ thể của tội tham ô tài sản có
các dấu hiệu cơ bản như sau:
Dấu hiệu thứ nhất, người phạm tội tham ô tài sản, ngoài hai dấu hiệu có năng
lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, còn phải là người có chức vụ, quyền hạn - đây là dấu hiệu chủ thể đặc biệt của tội phạm. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ (khoản 2 Điều 352 BLHS năm 2015).
BLHS 2015 quy định tội tham ô tài sản trong lĩnh vực công và lĩnh vực tư. Trong lĩnh vực công, chủ thể của tội tham ô tài sản là người có chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018:
“Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng
lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:
a) Cán bộ, công chức, viên chức;
b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
c) Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
d) Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;
đ) Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền
hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó”.
Như vậy, phạm vi người có chức vụ, quyền hạn theo luật hình sự Việt Nam được xác định bao gồm tất cả những đối tượng nêu tại Khoản 2 Điều 3 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Những đối tượng này có thể thực hiện chức năng, nhiệm vụ không chỉ tại các cơ quan quyền lực nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan xét xử hoặc các cơ quan kiểm sát, ở tất cả các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương mà còn cả trong các doanh nghiệp, tổ chức của Nhà nước.
Trong lĩnh vực tư, chủ thể của tội tham ô tài sản là người có chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo quy định tại khoản 6 Điều 353, “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài
sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”. Như vậy, BLHS 2015 đã mở rộng chủ
thể của hành vi tham nhũng sang người có chức vụ, quyền hạn trong lĩnh vực tư (trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước). Trong các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân thì người có chức vụ có thể là người do hợp đồng hoặc do một hình thức khác mà được giao nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong việc quản lý tài sản của doanh nghiệp, tổ chức. “Do hợp đồng” là những người làm việc dựa trên hợp đồng lao động, công việc của họ có liên quan đến việc quản lý tài sản và có trách nhiệm quản lý đối với tài sản. Còn “do một hình thức khác” theo Khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 2015 thì được hiểu là những người được giao nhiệm vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ đó; được giao nhiệm vụ này có thể là do tính chất công việc, do được cấp trên giao cho hoặc có quyết định phân công nhiệm vụ.
Dấu hiệu thứ hai, người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản mà mình chiếm đoạt. Người có chức vụ, quyền hạn nhưng không có trách nhiệm quản lý tài sản thì không phải chủ thể của tội phạm này28. Người có chức vụ, quyền hạn, phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản, nếu họ không có trách nhiệm quản lý tài sản thì cũng không thể là chủ thể của tội tham ô tài sản. Đây là điều kiện cần và đủ để một người có thể trở thành chủ thể của tội tham ô tài sản và cũng là dấu hiệu để phân biệt với một số tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt. Trách nhiệm quản lý tài sản có thể là trách nhiệm quản lý gián tiếp như trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, người đứng đầu tổ chức, có thể là trách nhiệm quản lý trực tiếp trên thực tế như thủ kho, thủ quỹ, có thể là trách nhiệm quản lý trên sổ sách, giấy tờ như trách nhiệm của kế toán…Trách nhiệm này có được là do chức năng, nhiệm vụ, vị trí công tác mà người đó được cơ quan, tổ chức phân công chính thức. Trong trường hợp người không có chức vụ quyền hạn, hoặc không có trách nhiệm quản lý tài sản vẫn có thể là chủ thể của tội phạm này với vai trò là người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức.
- Chủ thể của tội tham ô tài sản là chủ thể đặc biệt - là người có chức vụ, quyền hạn trong quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp29. Tại Khoản 6 Điều 353 BLHS năm 2015 quy định: “người có chức vụ, quyền hạn
trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản…” đã mở rộng
phạm vi chủ thể tội phạm tham ô tài sản không chỉ giới hạn ở lĩnh vực công mà đã vượt sang lĩnh vực ngoài nhà nước. Tương ứng với khái niệm mới tội phạm về chức vụ quy định chủ thể của tội phạm chức vụ là “Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”. Như vậy, theo BLHS năm 2015 chủ thể của tội phạm chức vụ không chỉ là người có chức vụ quyền hạn trong bộ máy nhà nước, tổ chức xã hội mà còn là người có chức vụ quyền hạn ở khu vực ngoài nhà nước. Đây là quy định chung đóng vai trò là cơ sở pháp lý cho việc mở
28Trần Văn Luyện - Phùng Thế Vắc - Lê Văn Thư - Nguyễn Mai Bộ - Phạm Thanh Bình - Nguyễn Ngọc Hà - Phạm Thị Thu (2018), Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) - Phần các tội phạm, NXB Công an Nhân dân, tr.770.
29Ts Trần Thị Quang Vinh, Ts Vũ Thị Thúy (2018), Luật hình sự Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh, tr 479.
rộng quy định về tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực ngoài nhà nước30. Điều này