Để hiểu vì sao giá vàng tăng nhiều và nhanh như vậy, ta phải hiểu rõ lạm phát. Trong lịch sử, lạm phát là một danh từ chỉ sự lên giá của hàng hóa. Ít chuyên gia tài chính nào muốn nói lên lý do thực sự gây lạm phát. Họ quanh co là lạm phát tại Việt Nam xảy ra vì lạm phát toàn cầu, vì những nhà đầu cơ, vì khí hậu, vì niềm tin của người tiêu thụ, vì sản xuất sụt giảm, vân vân và vân vân. Thậm chí, số liệu thống kê còn được bẻ cong để họ có thể tuyên bố là lạm phát chỉ vài ba phần trăm mỗi tháng, không có gì quan trọng. Họ không muốn nghe một nguyên nhân ngắn gọn: Lạm phát là do đồng tiền mất giá. Và hai lý do gây ra tình trạng này cũng rất đơn giản: một, sự vay mượn để tiêu xài của ngân sách quá cao so với thu nhập qua thuế và đầu tư; hai, việc in tiền bừa bãi làm tổng cung tiền tăng lên.
Khi tiền mất giá, người ta đổ thừa do người dân mất niềm tin vào đồng nội tệ khi kinh tế vĩ mô bất ổn. Kỳ thực, người dân rất khôn ngoan. Họ không tin vào những chuyện không có thực. Hay, nếu nói sự tăng giá hàng hóa là do đầu cơ, thì tôi không nghĩ là ai có đủ tiền để kinh doanh lâu dài theo chiến thuật này, trừ khi họ biết chắc là đồng tiền càng ngày càng mất giá.
Khi tất cả các đồng tiền đều mất giá, nhất là đô la Mỹ, thì vàng sẽ lên giá. Điều đó không bao giờ thay đổi. Nếu lấy vàng làm bản tệ (kim bản vị) và nhìn lại mấy chục năm qua, ta mới thấy trong thực tế, hàng hóa đã xuống giá vì cung vượt qua cầu, nhất là thời điểm Trung Quốc trở thành “cơ xưởng của thế giới”.