4.1. Kết luận:
Đồ dùng – đồ chơi dạy học là tài sản của trung tâm, là một phần trong cơ sở vật chất để trung tâm có thể hoạt động, và cũng là một trong những nhân tố quyết định hiệu quả của quá trình dạy và học tại trung tâm. Đồ dùng – đồ chơi dạy học phải được sử dụng một cách hợp lý và có hiệu quả thì mới góp phần đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giáo dục tại trung tâm. Vì vậy công tác quản lý đồ dùng – đồ chơi dạy học tại trung tâm như: lập kế hoạch mua sắm, quản lý và sử dụng thiết bị-đồ dùng dạy học có hiệu quả không chỉ là nhiệm vụ của nhà quản lý mà còn là trách nhiệm chung của tất cả giáo viên, chuyên viên và nhân viên trong trung tâm.
Để có được một hệ thống đồ dùng – đồ chơi dạy học đáp ứng nhu cầu của giáo viên và học sinh thì cần phát huy và huy động mọi tiềm năng trong và ngoài trung tâm. Người quản lý ngoài việc quản lý quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ cần chú trọng công tác quản lý đồ dùng – đồ chơi dạy học, xác định công tác quản lý đó vừa là nghệ thuật vừa là khoa học và xuyên suốt có tính kế thừa, không ngừng thay đổi để thích ứng phù hợp.
4.2. Kiến nghị:
Đối với nhà quản lý:
Cần có những quy định cụ thể trong việc quản lý đồ dùng – đồ chơi trong trung tâm.
Thường xuyên kiểm tra công tác quản lý đồ dùng – đồ chơi theo kế hoạch và đột xuất để nắm bắt sâu sát quá trình sử dụng, bảo quản và mua sắm bổ sung đồ dùng – đồ chơi tại trung tâm.
Đối với chính quyền địa phương:
Tích cực quan tâm và hỗ trợ các phong trào của trung tâm kêu gọi các doanh nghiệp, hội nhóm, đoàn thể, tổ chức phi lợi nhuận đến hỗ trợ công tác xã hội hóa giáo dục đóng góp đồ dùng – đồ chơi dạy học cho trung tâm.
Đối với Cha mẹ học sinh:
Quan tâm, hỗ trợ, phối hợp tốt với trung tâm trong tất cả các hoạt động giáo dục và gây dựng quỹ để phát triển công tác làm đồ dùng – đồ chơi dạy học của giáo viên, chuyên viên của trung tâm.
Tham gia vào quá trình xã hội hóa nhằm đóng góp kinh phí mua sắm, sửa chữa, bổ sung đồ dùng – đồ chơi để phục vụ cho công tác dạy và học tại trung tâm.
Đối với Phòng giáo dục-Sở giáo dục:
Thường xuyên kiểm tra tình hình đầu tư, khai thác sử dụng bảo quản, sửa chữa thiết bị-đồ dùng dạy học tại trung tâm. Hỗ trợ và cung cấp thêm các tư liệu, địa điểm cung cấp các đồ dùng – đò chơi dạy học có uy tín và chất lượng.
Phòng và sở giáo dục-đào tạo cần quan tâm mở thêm nhiều lớp tập huấn hoặc chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao khả năng vận dụng đồ dùng – đồ chơi trong dạy học và các phương pháp dạy học để sử dụng hiệu quả các đồ dùng – đồ chơi.
Ban hành bộ tài liệu về khoa học quản lý cơ sở vật chất-thiết bị dạy học và các biểu mẫu quản lý và lưu trữ hồ sơ.
Tổ chức các cuộc thi làm đồ dùng – đồ chơi dạy học để các trường và trung tâm trong địa bàn cùng nhau tham gia để chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau trong cách làm đồ dùng – đồ chơi và sử dụng có hiệu quả đồ dùng – đồ chơi đó.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Theo tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý trường mầm non, chuyên đề 12 “Quản lý tài chính tài sản trong trường mầm non” của trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Điều lệ Trung tâm
3. Kế hoạch năm học 2020 – 2021 của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập Tâm An.
4. Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT quy định về giáo dục hòa nhập đối với người khuyết tật.
5. Quyết định 23/2006/QĐ-BGDĐT về giáo dục hòa nhập dành cho người tần tật, khuyết tật.
6. Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
7. Thông tư số 16/2019/TT-BGDĐT Hướng dẫn tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.