Nước ta ngành chăn nuôi rất được Nhà nước quan tâm và phát triển, ngành chăn nuôi lợn đã được Nhà nước đầu tư kinh phí cho rất nhiều dự án để nghiên cứu về công tác chăm sóc nuôi dưỡng và phòng trị bệnh cho lợn nói chung và lợn nái nói riêng.
Theo Phạm Hữu Doanh và Lưu Kỷ (2003) [5], trước khi đẻ lau, xoa vú và tắm cho nái. Cho lợn con đẻ đầu tiên bú ngay sau đẻ, 1 giờ cắt răng nanh lợn con. Chườm nước đá vào bầu vú để giảm sưng, giảm sốt. Tiêm kháng
sinh: Penicillin 1,5 - 2 triệu đơn vị với 10 ml nước cất tiêm quanh vú. Nếu nhiều vú bị viêm thì pha loãng liều thuốc trên với 20 ml nước cất, tiêm xung quanh các vú viêm. Tiêm trong 3 ngày liên tục.
Theo Trần Tiến Dũng và cs. (2002) [9], bệnh viêm đường sinh dục ở lợn chiếm tỷ lệ cao từ 30 - 50%, trong đó viêm cơ quan bên ngoài ít, chiếm tỷ lệ 20%, còn lại 80% là viêm tử cung.
Viêm tử cung là một quá trình bệnh lý thường xảy ra ở gia súc cái sinh sản sau đẻ. Quá trình viêm hủy các tế bào tổ chức của các lớp hay các tầng tử cung gây rối loạn sinh sản ở gia súc cái làm ảnh hưởng lớn, thậm chí làm mất khả năng sinh sản ở gia súc cái. Trong quá trình mang thai lợn ăn nhiều chất dinh dưỡng, ít vận động hoặc bị nhiễm một số bệnh truyền nhiễm như: bệnh xoắn khuẩn (Leptospirosis), bệnh sảy thai truyền nhiễm (Brucellosis) và một số bệnh truyền nhiễm khác làm cơ thể lợn nái yếu dần dẫn đến lợn sảy thai, đẻ non, thai chết lưu từ đó dẫn đến viêm tử cung (Nguyễn Đức Lưu và Nguyễn Hữu Vũ, 2004 [15]).
Theo Phạm Sỹ Lăng và cs. (2002) [14], bệnh viêm tử cung do vi khuẩn
Streptococcus và Colibacilus nhiễm qua cuống rốn của lợn con sang lợn mẹ
do đẻ khó, sát nhau, sảy thai hay qua dụng cụ thụ tinh nhân tạo cứng gây xây xát tạo các ổ viêm nhiễm trong tử cung, âm đạo.
Nguyễn Xuân Bình (2000) [1] cho biết: ở những nái bị viêm tử cung thường biểu hiện sốt theo quy luật sáng chiều (sáng sốt nhẹ, chiều sốt nặng)
Trần Ngọc Bích và cs. (2016) [3] đã khảo sát tình hình viêm nhiễm đường sinh dục lợn nái sau khi sinh và hiệu quả điều trị của một số loại kháng sinh trên 143 con lợn nái sau khi sinh đã phát hiện 106 con tiết dịch nghi viêm đường sinh dục chiếm tỉ lệ 74,43 %.
Theo Nguyễn Văn Thanh và cs. (2015) [22], lợn nái sau khi sinh có chứng viêm tử cung chiếm tỷ lệ 42,4%. Viêm tử cung trên nhóm lợn nái thuần
chiếm khoảng 25,48%, trên nhóm lợn nái lai chiếm 50,84 % (trong tổng số 1.000 lợn nái khảo sát). Viêm tử cung thường xảy ra cao nhất ở lứa 1 và 2. Tỷ lệ chậm động dục ở nhóm lợn bị viêm tử cung cao hơn nhiều so với nhóm lợn không bị viêm tử cung.
Theo Ngô Nhật Thắng và cs. (2006) [26], viêm vú thường xuất hiện ở một vài vú nhưng đôi khi cũng lan ra toàn bộ các vú. Vú có màu hồng, sưng đỏ, sờ vào thấy nóng, hơi cứng ấn vào lợn nái có phản ứng đau. Lợn nái giảm ăn, trường hợp nặng thì bỏ ăn, sốt cao 40,5 - 42oC kéo dài trong suốt thời gian viêm, sản lượng sữa giảm, lợn nái thường nằm úp đầu vú xuống sàn, ít cho con bú. Lợn con thiếu sữa kêu la chạy vòng quanh lợn mẹ đòi bú, lợn con ỉa chảy, xù lông, gầy tọp, tỷ lệ chết cao 30 - 100%. Vắt sữa ở những vú bị viêm thấy sữa loãng, trong sữa có những cặn hoặc cục sữa vón lại, xuất hiện những mảnh Casein màu vàng, xanh lợn cợn, đôi khi có máu (Lê Hồng Mận, 2007) [16].
Theo Nguyễn Đức Lưu và Nguyễn Hữu Vũ (2004) [15], bệnh viêm tử cung và viêm vú là hai nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm và mất sữa ở lợn nái nuôi con.
Nguyễn Xuân Bình (2000) [1] cho biết, mất sữa sau khi đẻ là do kế phát từ bệnh viêm tử cung và viêm vú. Khi lợn mẹ bị viêm vú, không nên cho lợn con bú những vùng bị viêm. Dùng các phương pháp nhân tạo như chườm nóng, xoa bóp nhẹ lên vùng vú bị sưng.
Chườm đá lạnh vào đầu vú viêm, tiêm thuốc chống viêm như Prednizolon hydro - cortizone (Lê Hồng Mận, 2007 [16]).
Dùng novocain tiêm ở chỗ giáp nhau giữa hai bầu vú của lợn, tiêm nhắc lại sau 1 ngày.
Dùng kháng sinh như streptomycin, pennicillin, ampicillin… tiêm 1 - 2 lần/ngày trong 3 - 5 ngày.
Nguyễn Văn Thanh và cs. (2016) [23] cho biết, tỷ lệ viêm tử cung sau đẻ của lợn nái là 76,38%, biến động từ 62,10 - 86,96%. Hầu hết lợn nái phải can thiệp bằng tay khi đẻ đều bị viêm tử cung (96,47%). Trong khi đó lợn không cần can thiệp bằng tay khi đẻ có tỷ lệ viêm tử cung là 69,06%. Tỷ lệ viêm tử cung ở nái có thai chết lưu và lợn nái không có thai chết lưu lần lượt là 81,63% và 73,91%. Ở lợn nái đẻ lứa đẻ từ 1 - 6, tỷ lệ viêm tử cung biến động từ 70,07% - 93,33%.
Nguyễn Văn Thanh và cs. (2016) [24] đã đưa ra 4 phương pháp điều trị viêm tử cung ở lợn nái:
+ Phương pháp 1: thụt rửa tử cung bằng dung dịch rivanol 0,1% hay thuốc tím 0,1% ngày/lần, sau khi thụt rửa đợi hay kích thích cho dung dịch thụt rửa đẩy hết ra ngoài, sau đó thụt kháng sinh ngày/lần, liệu trình từ 3 - 5 ngày.
+ Phương pháp 2: dùng PGF2α hay các chế phẩm của nó như etrumat, oestrophan, prosalrin, hanprost, lutalyse,... tiêm dưới da theo liều chỉ dẫn, tiêm 1 lần, sau đó thụt vào tử cung 200 - 500 dung dịch lugol ngày/lần. Liệu trình điều trị từ 3 - 5 ngày.
+ Phương pháp 3: oxytocin 6 - 8 ml tiêm dưới da, lugol 200 - 500 ml kết hợp với kháng sinh bơm vào tử cung, đồng thời dùng kháng sinh thích hợp tiêm bắp ngày/ lần, liệu trình điều trị từ 3 - 5 ngày.
+ Phương pháp 4: dùng PGF2α hay các chế phẩm của nó như etrumat, oestrophan, prosalrin, hanprost, lutalyse,... tiêm dưới da theo liều chỉ dẫn, tiêm 1 lần, sau đó dùng dung dịch lugol 200 - 500 ml phương pháp kết hợp với kháng sinh thụt rửa vào tử cung, đồng thời dùng kháng sinh thích hợp tiêm bắp hay tĩnh mạch tai ngày/ lần. Liệu trình điều trị từ 3 - 5 ngày.
Đoàn Thị Kim Dung và cs. (2002) [8] cũng cho rằng: tỷ lệ lợn mắc tiêu chảy cũng giảm theo tuổi, lợn giai đoạn sau cai sữa đến 2 tháng tuổi mắc nhiều nhất (18,61%), tỷ lệ lợn mắc bệnh giảm chỉ còn 8,04% ở lợn trên 6 tháng tuổi.