ĐÁNH GIÁ CHUNG VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP 1 Đánh giá chung

Một phần của tài liệu BÁO CÁO Tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2020 tỉnh Thái Nguyên (Trang 30 - 32)

1. Đánh giá chung

Dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành kinh tế, gây áp lực

cho mục tiêu kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Đối với tỉnh Thái Nguyên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khiến cho trong 9 tháng đầu năm 2020 hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch và sản xuất - kinh doanh (cả phía cung và cầu) tiếp tục bị đình trệ hoặc hồi phục yếu ớt; tâm lý người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư bị tác động đáng kể. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2020 đã thu được những kết quả nhất định như đã phân tích ở trên, công tác an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo. Mặc dù trong 3 tháng cuối năm, với tình hình như hiện nay, để hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội cả năm 2020 là vô cùng khó khăn nhưng triển vọng kinh tế trong những tháng cuối năm 2020 vẫn còn những dấu hiệu khả quan để phát triển kinh tế thể hiện ở các mặt sau:

Thứ nhất, dư địa giải ngân vốn đầu tư công còn rất lớn, nếu hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch vốn năm 2020 thì sẽ là một phần bù đắp cho những thiếu hụt do tác động của dịch Covid-19. Hơn nữa, vốn đầu tư công sẽ tạo vốn mồi cho những dòng vốn và giá trị khác.

Thứ hai, tăng trưởng dư nợ tín dụng vẫn còn dư địa cho 3 tháng còn lại của năm 2020.

Thứ ba, kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp cho thấy, có 73,9% số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và 69,8% số doanh nghiệp hoạt động ngành xây dựng được phỏng vấn đánh giá tình hình kinh doanh trong quý IV/2020 sẽ ổn định hoặc tốt hơn trước đó.

2. Một số giải pháp

Với những dấu hiệu khả quan như trên, để thúc đẩy tăng trưởng, trong thời gian tới tỉnh cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng, chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân. Về giải pháp điều hành, Cục Thống kê đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thực chất hơn nữa nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là về thủ tục hành chính (kể cả đối với các gói hỗ trợ), tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng tốc độ xử lý công việc.

Hai là, ban hành chính sách và giải pháp cụ thể để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi sản xuất (nhất là các giải pháp về thủ tục hành chính, hạ tầng khu công nghiệp, nguồn nhân lực, tiếp cận, thu hút có chọn lọc các dự án FDI)…

Ba là, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công như là một giải pháp bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng trong năm 2020 và cũng là động lực tăng trưởng dài hạn, với điều kiện không hình thức, không giải ngân bằng mọi giá mà vẫn đảm bảo yêu cầu chất lượng. Tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân,

đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa nhằm thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.

Bốn là, cần đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở cửa lại sau dịch, nhất là các thị trường còn nhiều dư địa ngay sau khi dịch được kiểm soát như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Mỹ và EU. Đồng thời, tận dụng tốt hơn nữa các hiệp định như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Năm là, đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử và thanh toán, giao dịch điện tử; vừa là để tăng năng suất lao động, vừa là theo kịp xu thế và giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp.

Sáu là, tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; khuyến khích các cơ sở chăn nuôi lớn, có kỹ thuật, kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh đầu tư tái đàn lợn, góp phần phát triển ngành chăn nuôi, giảm giá bán thịt lợn trên thị trường và kiểm soát lạm phát.

Trên đây là báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên./.

Nơi nhận: - Tổng cục Thống kê; - Thường trực tỉnh ủy; - Thường trực HĐND tỉnh - Lãnh đạo UBND tỉnh; - Các ngành tổng hợp;

- Bí thư, chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; - Lưu: CTK (VT, TH). - Lưu: CTK (VT, TH).

CỤC TRƯỞNG

Một phần của tài liệu BÁO CÁO Tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2020 tỉnh Thái Nguyên (Trang 30 - 32)