KINH TẾ - XÃ HỘI
hạ tầng nông thôn được đầu tư đáng kể, bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới, đời sống bà con khu vực nông thôn tăng lên rõ rệt. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 85/121 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 70,25%; 13 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao và 4 đơn vị cấp huyện, bao gồm: huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã Hoài Nhơn), thị xã An Nhơn, thành phố Quy Nhơn và huyện Tuy Phước được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân 1 nhân khẩu 1 tháng, năm 2014 là 2.346 ngàn đồng, đến năm 2020 đạt 3.535,1 ngàn đồng, bình quân mỗi năm tăng 7,1%/năm.
Đánh giá chung, giai đoạn 2016 - 2020, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định đã đạt được những thành tựu rất quan trọng: Kinh tế tăng trưởng khá, quy mô kinh tế không ngừng mở rộng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ; sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện và đạt mức tăng trưởng cao; thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của tỉnh; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. An sinh xã hội được bảo đảm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Những thành tựu đạt được tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới.
So với các tỉnh khu vực miền Trung, Bình Định nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, thành tựu đã đạt được, trên từng lĩnh vực còn những hạn chế, yếu kém cần sớm có giải pháp khắc phục.
Mức tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 thấp hơn dự kiến. Xuất phát điểm nền kinh tế của tỉnh thấp, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô vừa và nhỏ, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh chưa cao, chưa có doanh nghiệp lớn làm đầu tàu, động lực để tạo đột phá phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Nguồn lực đầu tư cho phát triển còn hạn chế, trong khi hạ tầng kinh tế còn chưa hoàn thiện, nhất là hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp,… Những năm gần đây, thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu đã gây nhiều bất lợi đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực,... mang lại cả thời cơ và thách thức, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương; thành tựu và kinh nghiệm của tỉnh trong những năm qua, Bình Định đang tiếp tục tập trung phát huy lợi thế, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng ở giai đoạn tiếp theo, nhằm hướng tới mục tiêu trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của khu vực miền Trung./.