4.4.1. Khái niệm:
Xã hội muốn tồn tại và phát triển thì phải dựa vào thiết chế xã hội để tổ chức, điều chỉnh và kiểm soát các hoạt động xã hội của các cá nhân, các nhóm xã hội và toàn thể xã hội nói chung. Vậy thiết chế xã hội là gì?
- Thiết chế xã hội là một tập hợp bền vững của các giá trị, chuẩn mực, vị thế, vai trò và nhóm, vận động xung quanh những nhu cầu cơ bản của xã hội.
Thiết chế xã hội bao gồm một hệ thống các cách thức, các quy tắc chính thức và phi chính thức, được con người tạo ra để điều chỉnh hành vi, hoạt động của các cá nhân, các nhóm, các tổ chức nhằm đáp ứng những nhu cầu nhất định của xã hội. Xã hội sử dụng thiết chế nhằm quyết định "cái gì phải làm" về lâu dài. Vì vậy, thiết chế xã hội hạn chế sự chuyên quyền, tuỳ tiện của hành động xã hội, chúng tạo cho tồn tại đặc tính hình thể, xếp đặt nó và tạo ra tác
động chuẩn mực. Với ý nghĩa đó, thiết chế xã hội được coi là một đoạn của văn hoá đã được khuôn mẫu hoá (J.Fichter).
Theo các nhà xã hội học, thiết chế xã hội nảy sinh, tồn tại và phát triển là do nó đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhu cầu xã hội là lý do hình thành và là mục đích tồn tại của thiết chế xã hội. Lenski và Lenski (1970) cho rằng, trong mọi xã hội bao giờ cũng có những nhu cầu cơ bản mà việc thoả mãn chúng có ý nghĩa sống còn đối với bản thân xã hội, cụ thể như: nhu cầu giao tiếp giữa các thành viên, nhu cầu sản xuất và sản phẩm dịch vụ, nhu cầu phân phối các sản phẩm và dịch vụ hàng, nhu cầu bảo vệ các thành viên khỏi tác động của thiên nhiên (như thiên tai), bệnh tật và các nguy hiểm khác; nhu cầu thay thế các thành viên (cả tái sinh sản sinh học và thay thế văn hoá thông qua quá trình xã hội hoá); nhu cầu kiểm soát hành vi của các thành viên. Việc thoả mãn các nhu cầu trên tạo thành các thiết chế xã hội cơ bản.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn xảy ra sự nhầm lẫn khi cho rằng thiết chế xã hội là một tổ chức xã hội, bởi vì, mặc dù khái niệm thiết chế xã hội rất trừu tượng, nhưng bản thân thiết chế lại hữu hình tương tự như một tổ chức xã hội hay một nhóm xã hội. Do đó, cần phải phân biệt thiết chế xã hội với tổ chức xã hội.
- Tổ chức là một tập hợp người thực hiện những hoạt động nhất định nhằm đạt được mục tiêu xác định. Vì vậy, tổ chức xã hội không phải là thiết chế xã hội mà là chủ thể của những hành động bị thiết chế xã hội điều chỉnh. Tổ chức xã hội không thể hoạt động được nếu thiếu thiết chế xã hội.
- Tổ chức xã hội gắn liền với thiết chế xã hội giống như những người tham gia cuộc chơi phải tuân thủ luật chơi. Luật chơi ở đây là các quy phạm, giá trị, chuẩn mực chính thức và phi chính thức (tức là thiết chế).
4.4.2. Đặc điểm của thiết chế xã hội:
- Thiết chế có tính bền vững tương đối và thường biến đổi chậm. Bởi vì thiết chế hình thành trên cơ sở của một hệ thống các giá trị, chuẩn mực lâu đời và khá bền vững. Bởi vậy, khi đã tạo thành khuôn mẫu hành vi trong thiết chế thì nó khó thay đổi (trở thành truyền thống văn hoá). Ví dụ như những quy định trong thiết chế làng xã, thiết chế gia đình, thiết chế văn hoá....
- Mỗi một thiết chế có đối tượng riêng để hướng tới phục vụ nhằm đáp ứng các nhu cầu xã hội chuyên biệt liên quan tới đối tượng đó. Vì vậy, thiết chế có tính độc lập tương đối, tự nó được cấu trúc ở mức cao và được tổ chức xung quanh một hệ thống giá trị, quy tắc, khuôn mẫu đã được xã hội thừa nhận. Ví dụ, thiết chế thể thao bao gồm hệ thống sân vận động, nhà thi đấu, vận động viên, huấn luyện viên, cổ động viên, bộ máy hành chính....gắn liền với các giá trị và chuẩn mực đối với vai trò của vận động viên (thi đấu trung thực, không sử dụng đophing....), cổ động viên (không có những hành động quá khích, phi thể thao)....
- Các thiết chế có xu hướng phụ thuộc vào nhau. Khi có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức hay khuôn mẫu hành vi của một thiết chế xã hội nào đó thì nó thường kéo theo sự thay đổi của các thiết chế khác. Ví dụ, khi thiết chế chính trị có sự thay đổi về giai cấp cầm quyền thì nó sẽ ảnh hưởng đến các thiết chế khác phụ thuộc vào nó như thiết chế kinh tế, thiết chế pháp luật, thiết chế giáo dục...
- Các thiết chế có xu hướng trở thành tiêu điểm của những vấn đề xã hội chủ yếu. Bất cứ một sự đổ vỡ nào đó của một thiết chế xã hội cũng đều trở thành những vấn đề xã hội nghiêm trọng. Ví dụ: Nạn thất nghiệp (thiết chế kinh tế), tình hình tội phạm gia tăng (thiết chế pháp luật), tỷ lệ ly hôn cao (thiết chế gia đình)...
4.4.3. Chức năng của thiết chế xã hội:
Sự tồn tại của mọi xã hội, tính ổn định và phát triển của nó sẽ không thể có được nếu không có sự quản lý và kiểm soát xã hội. Thiết chế xã hội thực hiện sự kiểm soát và quản lý để đảm bảo cho cái đáng có và ngăn chặn cái lệch lạc. Vì vậy, bất cứ thiết chế xã hội nào cũng có 2 chức năng cơ bản:
- Chức năng quản lý: nhằm khuyến khích, điều chỉnh, điều hoà hành vi của con người cho phù hợp với quy phạm và chuẩn mực của thiết chế. Ví dụ: trong thiết chế gia đình, con cái phải
ngoan ngoãn, hiếu thảo, vâng lời bố mẹ...; trong thiết chế giáo dục, học sinh phải đi học đúng giờ, khi thi cử không được sử dụng tài liệu trong khi thi...
- Chức năng kiểm soát: nhằm ngăn chặn, giám sát, thậm chí trừng phạt những hành vi sai lệch so với các chuẩn mực, đòi hỏi của thiết chế hoặc không chịu tuân thủ thiết chế. Ví dụ: vi phạm chế độ một vợ một chồng trong thiết chế gia đình, sử dụng đophing trong khi thi đấu của thiết chế thể thao; gian lận trong thi cử cảu thiết chế giáo dục...
Như vậy, thiết chế là công cụ để định hướng, điều chỉnh, điều hoà, quản lý và kiểm soát hành vi xã hội của con người. Nhờ có thiết chế, con người có thể có những hành động phù hợp căn cứ vào chuẩn mực, quy phạm. Đồng thời, nó cũng là công cụ trừng phạt đối với những sai lệch, vi phạm chuẩn mực. Nếu không tuân thủ thiết chế sẽ bị xử phạt theo 2 hình thức: Hình phạt chính thức: các hình phạt của thiết chế pháp luật như cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, từ chung thân và nếu hành vi vi phạm thật sự gây nguy hiểm cho xã hội thì sẽ bị tử hình (loại bỏ cá nhân đó khỏi xã hội)..
Hình phạt phi chính thức: các hình phạt của thiết chế đạo đức và dư luận xã hội.
Có thể nói, các thiết chế đảm bảo cho cá nhân có những ứng xử xã hội được chấp nhận trong nhiều trạng thái xã hội khác nhau. Sự thừa nhận hay không thừa nhận của xã hội đối với khuôn mẫu ứng xử được phản ánh đến từng cá nhân thông qua hoạt động của thiết chế. Vì vậy, thiết chế mang lại cảm giác yên tâm và an toàn cho các cá nhân tuân thủ nó, vì nó chính là cái mà xã hội cho là đúng, là chuẩn. Thực hiện theo nó, tức là thực hiện theo số đông. Chỉ những người không thực hiện theo thiết chế xã hội mới cảm thấy bất an vì bị xã hội lên án. 4.4.4. Các loại thiết chế xã hội cơ bản:
- Thiết chế gia đình: điều hoà hành vi, tình cảm, tình dục và nuôi dạy con cái. - Thiết chế giáo dục: truyền thụ những tri thức khoa học nói chung.
- Thiết chế kinh tế: đảm bảo quá trình sản xuất, phân phối lợi ích và các dịch vụ. - Thiết chế chính trị: bảo đảm việc thiết lập và giữ vững quyền lực chính trị. - Thiết chế pháp luật: đảm bảo trật tự, công bằng xã hội và kiểm soát xã hội. - Thiết chế tôn giáo: thoả mãn nhu cầu tâm linh.
4.4.5. Một số quan niệm về thiết chế xã hội:
- Theo thuyết chức năng: Thiết chế xã hội rất cần thiết cho việc đảm bảo sự ổn định của xã hội và là cái để hướng dẫn hành động của con người sao cho phù hợp với những chuẩn mực, quy phạm. Vì vậy, do chức năng và tác dụng của thiết chế đối với xã hội nên phải duy trì và bảo vệ thiết chế. Đồng thời, những người theo thuyết này chống lại các cuộc cải cách thiết chế và cho rằng, sự thất bại của các cuộc cải cách thiết chế là một hành vi phản chức năng đối với thiết chế.
- Trái lại, những người theo thuyết mâu thuẫn (xung đột) lại có cách nhìn phê phán đối với thiết chế. Họ cho rằng, nếu thiết chế tồn tại nhằm duy trì trật tự thì nó ủng hộ vị thế của những người giàu có, chống lại những người nghèo. Nếu chúng hướng dẫn hành vi con người thì lại hạn chế sự tự do của các cá nhân. Do đó, những thất bại của các thiết chế như là kết quả của sự tranh giành quyền lực giữa những người có quyền lợi khác nhau và những cuộc đấu tranh ấy có thể dẫn đến những thay đổi xã hội cần thiết.
Trên thực tế, các thiết chế thường có xu hướng trở thành bảo thủ, kém nhạy cảm và phản ứng không kịp trước những biến đổi xã hội. Do vậy, chúng cần luôn được xem xét, chỉnh lý, cải cách hoặc đổi mới sao cho không bị lạc hậu để làm tốt chức năng quản lý và kiểm soát xã hội.
BÀI TẬP
1. Phân biệt sự giống và khác nhau giữa nhóm xã hội, cộng đồng xã hội và tổ chức xã hội. 2. Theo anh (chị), "Nhặt được của rơi trả lại người đánh mất" có phải là một quy định của thiết chế xã hội không? Nếu có, nó thuộc phạm vi điều chỉnh của thiết chế xã hội nào? Nếu chúng ta vi phạm chuẩn mực trên, chúng ta có bị lên án, trừng phạt không? Tại sao?
CÂU HỎI ÔN TẬP
1.Trình bày phạm trù nhóm xã hội. Tại sao xã hội học lại quan tâm nghiên cứu nhóm xã hội? 2.Trình bày phạm trù cộng đồng xã hội. Người ta nói, cộng đồng xã hội là một "biến thái" của nhóm xã hội, theo anh (chị), điều đó có đúng không? Tại sao?
3. Phân tích phạm trù tổ chức xã hội. Phân biệt giữa tổ chức xã hội và thiết chế xã hội. 4. Phân tích phạm trù thiết chế xã hội. Lấy ví dụ về một thiết chế xã hội cơ bản, trong đó làm rõ những thành phân tham gia vào thiết chế xã hội đó và những quy định của thiết chế đối với các cá nhân, nhóm tham gia vào thiết chế xã hội?
5. Vì sao việc duy trì các thiết chế xã hội lại cần thiết đối với sự tồn tại của nhóm xã hội, cộng đồng xã hội và tổ chức xã hội?
Chương 5: VĂN HOÁ VÀ LỐI SỐNG
Văn hoá là cái đánh dấu sự vượt lên những gì là tự nhiên và bản năng của con người. Đó là sản phẩm riêng của xã hội loài người và đối với mỗi cộng đồng xã hội, văn hoá là cái có thể cùng chia sẻ. Còn đối với mỗi cá nhân, văn hoá là do học hỏi mà có - nghĩa là phải tiếp nhận nó bằng con đường xã hội hoá, chứ không phải dựa vào di truyền về mặt sinh học. Chương 5 đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất về văn hoá như khái niệm, cơ cấu của văn hoá, chức năng của nó đối với cá nhân và xã hội và mối liên hệ giữa văn hoá và lối sống. Qua đó, sinh viên sẽ nhận thức được vai trò quan trọng của văn hoá và lối sống, cũng như sự tác động, điều chỉnh của văn hoá đối với các cá nhân trong đời sống xã hội nhằm xây dựng một lối sống có văn hoá.