6.1 Kết luận
Qua phân tích tình hình xuất khẩu thủy sản mà sản phẩm chính là chả cá surimi và cá tra phi lê xuất khẩu của Công ty Hải sản 404 trong thời gian từ 2007 đến 6 tháng đầu năm 2010 nhận thấy tuy tình hình xuất khẩu của công ty có chiều hướng tăng giảm không ổn định đặc biệt là trong 3 năm 2007, 2008 và 2009 nhưng nguyên nhân chính là do biến động thị trường và công ty đã chứng tỏ khả năng thích ứng và đối phó với những biến động đó rất tốt, góp phần ổn định sản xuất kinh doanh và bảo đảm việc làm cho hầu hết công nhân viên trong khi cùng thời gian đó rất nhiều doanh nghiệp khác trong ngành đã phải cắt giảm thậm chí là sa thải gần phân nửa số công nhân chế biến. Bên cạnh đó công ty cũng có những hạn chế và khó khăn nhất định về nguồn vốn, nguyên liệu chế biến gây nhiều khó khăn cho công ty trong việc mở rộng sản xuất và những hạn chế trong khâu marketing dẫn đến việc thâm nhập cũng như phát triển thị trường của công ty gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, công ty vẫn luôn là một trong những doanh nghiệp nhà nước đi đầu trong việc tự chủ trong kinh doanh góp phần đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước. Qua việc phân tích tình hình xuất khẩu của công ty có thể nhìn thấy được một cách toàn diện và khách quan về hoạt động xuất khẩu của công ty từ đó rút ra được bài học để có thể vận dụng những điểm mạnh và cơ hội hiện có cũng như khắc phục và hạn chế những điểm yếu cũng như những thách thức mà công ty đang và sẽ phải đối mặt trong thời gian tới để hoạt động xuất khẩu của công ty ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.
6.2 Kiến nghị
6.2.1 Đối với doanh nghiệp
Trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt và các thị trường các nước ngày càng dựng nên nhiều rào cản kỹ thuật và thuế quan để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng cũng như các nhà sản xuất nội địa thì đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa trong việc đảm bảo chất lượng và tăng cường đa dạng hoá sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của thế giới để có thể đảm bảo sự tồn tại cũng như phát triển vững chắc của công ty. Bên cạnh đó công ty cần chú trọng
hơn và có định hướng phát triển công tác R&D cũng như công tác marketing. Trong dài hạn công ty nên xây dựng bộ phận R&D và marketing với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Ngoài ra công ty cũng nên có biện pháp để có thể chủ động hơn về nguyên liệu hạn chế sự phụ thuộc vào cung cầu và giá cả trên thị trường bằng cách tự xây dựng vùng nguyên liệu hoặc có hợp đồng bao tiêu hay hỗ trợ vốn và công nghệ cho người nuôi để tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa nhà cung cấp và doanh nghiệp.
6.2.2 Đối với nhà nước, Bộ Thủy sản và Vasep
- Cần hỗ trợ nhiều hơn nữa các biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy ngành thủy sản phát triển theo chiều sâu cho các doanh nghiệp cũng như các địa phương nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản về vốn và công nghệ.
- Hỗ trợ cho các địa phương trong việc đào tạo, huấn luyện nguồn nhân lực để quản lý vùng nuôi trồng thủy sản an toàn.
- Nhà nước cũng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ giao thương với các đối tác nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vay vốn tín dụng hoặc chuyển đổi hình thức kinh doanh cũng như huy động các nguồn vốn khác nhằm mở rộng quy mô sản xuất cả về chiều rộng và chiều sâu.
- Trước tình hình thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng như hiện nay thì nhà nước nên có chính sách mở rộng cho vay vốn đối với người nuôi để họ có thể một mặt khôi phục sản xuất tạo thu nhập cho bản thân và tạo cơ hội cho họ có thể trả nợ cho ngân hàng. Mặt khác có thể giúp doanh nghiệp có đủ nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.
- Nên đầu tư và khuyến khích tư nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn thuỷ sản để hạn chế vào thức ăn nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung nhằm bình ổn giá thành cho sản xuất thuỷ sản nguyên liệu.
- Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam nên có những biện pháp để răn đe nhằm hạn chế việc các doanh nghiệp do cạnh tranh không lành mạnh làm giảm giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO