thủ tục xét xử đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi đến trước khi ban hành bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
1.1.1. Giai đoạn từ trước khi có Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988
Trước khi có Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988, Nhà nước ta đã có nhiều quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Trong đó đáng kể là Sắc lệnh số 97-SL ngày 22/5/1950 sửa đổi một số quy định dân luật. Sắc lệnh chưa đưa ra khái niệm người dưới 18 tuổi nhưng quy định rất rõ thế nào là người vị thành niên. Theo đó, Điều 7 của Sắc lệnh quy định người vị thành niên là người chưa đủ 18 tuổi, tức là dưới 18 tuổi. Và đến tuổi thành niên thì họ có quyền rất cơ bản đó là quyền tự lập. Bên cạnh đó, trước thực trạng tệ nạn xã hội, Quyết định số 217-TTg ngày 18/12/1967 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành về việc tổ chức lại các trường giáo dục thiếu niên hư, trong đó nhấn mạnh thiếu niên là nguồn lực của đất nước, do đó thiếu niên hư phải được giáo dục để phát triển có định hướng. Đặc biệt, Quyết định số 217- TTg- NC ngày 18/12/1967 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rất rõ về xét xử đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự và xét xử tại Tòa án đối với người dưới 18 tuổi khi cần thiết. Đáng chú ý, trẻ em dưới 14 tuổi không đưa ra xét xử. Đây là quy định dù đã cũ nhưng thể hiện tư duy cấp tiến, thể hiện tinh thần nhân văn của Nhà nước ta đối với trẻ em, những mầm non của đất nước. Người từ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi trường hợp
nhắc đến việc tuổi còn trẻ. Quyết định cũng nhấn mạnh, đối với người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi chỉ tiến hành xét xử khi nhóm người này phạm tội mang tính chất nghiêm trọng (Mục 5, tiết 2, chương II).
Không những vậy, Hướng dẫn số 329-HS2 ngày 11/2/1967 của Tòa án nhân dân tối cao đã quy định chi tiết vấn đề áp dụng biện pháp tư pháp thay thế cho hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm hướng thiện, giáo dục người chưa thành niên. Theo đó, quá trình xét xử, người áp dụng pháp luật phải xem xét đến trình độ, nhận thức có phần hạn chế từ người dưới 18 tuổi để áp dụng cho họ mức án thỏa đáng. Cụ thể trong hoạt động xét xử, cần xem xét kỹ lưỡng và áp dụng pháp luật theo hướng cân nhắc về nhận thức non trẻ của người chưa thành niên, qua đó thấy được họ chưa nhận biết đầy đủ, chính xác về tính nguy hiểm của hành vi phạm tội. Từ đó mà việc áp dụng hình phạt với họ nên ở mức bằng một phần hai đối với người lớn tuổi (người đã thành niên).
Như vậy, trước khi BLTTHS năm 1988 được ban hành thì việc áp dụng pháp luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi đã được quan tâm, nhất là trong quá trình xét xử, áp dụng hình phạt. Điều này thể hiện rất rõ bản chất nhân đạo của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, tư duy lập pháp cấp tiến của Việt Nam. Các quy định dù đã lâu nhưng đã xem xét, đánh giá đến các yếu tố riêng có của người dưới 18 tuổi để có các biện pháp tác động hình sự phù hợp khi họ phạm tội. Đảm bảo xét xử đúng đắn, góp phần lớn vào việc giáo dục, cải tạo người dưới 18 tuổi phạm tội, giúp họ nhận ra và sữa chữa lỗi lầm, sớm trở lại với đời sống xã hội. Mặt khác, việc xét xử đúng còn có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung đối với mọi đối tượng trong xã hội chứ không riêng gì người dưới 18 tuổi.
1.1.2. Giai đoạn từ khi có Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 đến trước khi có Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003
Khi đất nước đã thống nhất, Nhà nước có nhiều điều kiện hơn trong công tác lập pháp, chấn chỉnh kỷ cương. Đó là điều kiện thuận lợi để ban hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988. Sự ra đời của BLTTHS năm 1988 đã đánh dấu bước tiến quan trọng của lập pháp Việt Nam trong việc ghi nhận các thủ thủ tục tố tụng đặc biệt dành cho người dưới 18 tuổi phạm tội. Bộ luật này đã dành 10 Điều (từ Điều 271 đến Điều 280) để quy định các thủ tục điều tra, truy tố và xét xử đối với người chưa thành niên. Trong đó đáng lưu ý là Điều luật 277 BLTTHS năm 1988 quy định rất cụ thể về thủ tục xét xử đối với người chưa thành niên:
“1. Thành phần Hội đồng xét xử phải có một hội thẩm nhân dân là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Toà án có thể quyết định xét xử kín nếu cần thiết.
2. Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải quyết định hình phạt đối với bị cáo thì Toà án áp dụng một trong những biện pháp tư pháp quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự.”
Như vậy, BLTTHS năm 1988 nâng các quy định pháp luật thời kỳ trước lên một bậc mới. Trong đó đã thể hiện rất rõ đường hướng xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu là nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, hướng thiện và sớm trở về với đời sống xã hội. Tuy nhiên, sự vận động không ngừng của các yếu tố xã hội đã cho thấy BLTTHS năm 1988 có nhiều điểm không còn phù hợp, đó là lý do ban hành BLTTHS mới vào năm 2003.
1.1.3. Giai đoạn từ khi có Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đến trước khi có Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 ra đời đã pháp điển hóa nhiều quy định của BLTTHS năm 1988. Trong đó, từ Điều 301 đến Điều 310 thuộc Chương XXXII Phần thứ bảy của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định rất rõ về thủ tục đặc biệt chỉ được áp dụng đối với người chưa thành niên
phạm tội. Bên cạnh đó, BLTTHS năm 2003 cũng nhấn mạnh ngoài các quy định này, bị cáo là người chưa thành niên còn được áp dụng theo các quy định khác của BLTTHS, nhưng tất yếu phải không trái với các quy định tại Chương XXXII. Như vậy để thấy được qua từng thời kỳ thì quy định về thủ tục tố tụng nói chung và thủ tục xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với người dưới 18 tuổi ngày càng được Nhà nước ta chú trọng ghi nhận và bảo đảm. Khi xét xử sơ thẩm vụ án có bị cáo là người dưới 18 tuổi, bên cạnh việc tuân thủ chặt chẽ các quy định chung của BLTTHS Thẩm phán cần chú ý đến các thủ tục đặc biệt dành riêng cho người dưới 18 tuổi. Bởi vì chỉ cần vi phạm một trong những quy định đó thì coi như quá trình xét xử có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, rất dễ dẫn đến việc bị Tòa án cấp trên hủy bản án để xét xử lại. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện BLTTHS cũng còn bộc lộ một số hạn chế làm cho việc điều tra, truy tố, xét xử nhiều khi không phù hợp với thực tiễn.
Để đáp ứng được Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện BLTTHS năm 2003 đến nay thấy có những vướng mắc, hạn chế nổi lên trong thủ tục xét xử đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi nên cần có những bổ sung, thay đổi những quy định chưa phù hợp với thực tiễn, khắc phục những hạn chế tồn tại và phát huy những ưu điểm để góp phần vào công cuộc phòng chống tội phạm có hiệu quả, nâng cao pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Năm 2013, Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 với những thay đổi quan trọng. Trong đó đáng kể là sự ghi nhận, tôn trọng của Đảng, Nhà nước ta liên quan đến vấn đề quyền con người, quyền công dân, trong đó đặc biệt quan tâm đến quyền của người dưới 18
tuổi. Theo đó, Tòa án nhân dân tiến hành hoạt động xét xử công khai. Nhưng trong trường hợp đặc biệt, xuất phát từ việc bảo vệ người chưa thành niên, Tòa án nhân dân có thể quyết định việc xét xử kín (Điều 103 Hiến pháp năm 2013). []
Tuy vậy, thực tiễn thi hành BLTTHS năm 2003 cũng bộc lộ những vướng mắc, bất cập đã đặt ra yêu cầu cần sửa đổi, thay thế kịp thời để phù hợp với sự vận động của xã hội. Đó là lý do Quốc hội khóa XIII đã thông qua BLTTHS năm 2015. Trong đó đã quy định trình tự, thủ tục giải quyết vụ án hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội tại Chương XXVIII với 18 Điều, từ Điều 413 đến Điều 430. Trên cơ sở kế thừa những những quy định còn phù hợp của BLTTHS năm 2003, khắc phục căn bản những vướng mắc, bất cập đặt ra của thực tiễn, BLTTHS năm 2015 đã tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế để vận dụng phù hợp vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Tiểu kết Chương 1
Tại Chương 1, tác giả đã làm rõ khái niệm, đặc điểm thủ tục xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi. Phân tích, làm rõ các nguyên tắc THTT đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi. Luận giải về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc quy định thủ tục xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi.
Bên cạnh đó, tác giả cũng khái quát lịch sử hình thành và phát triển các quy định của pháp luật về thủ tục xét xử đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi, qua đó chỉ ra các điểm hạn chế cũng như cấp tiến của pháp luật thực định qua từng thời kỳ. Điều đó có ý nghĩa tạo ra cơ sở khoa học để đề xuất, tìm ra các giải pháp hữu hiệu nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về thủ tục xét xử đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi ở Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Chương 2. QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015 VỀ THỦ TỤC XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ ĐỐI VỚI BỊ CÁO
LÀ NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI VÀ THỰC TIỄN THI HÀNH TẠI ĐỊA BÀN THỊ XÃ ĐIỆN BÀN, TỈNH QUẢNG NAM