Hướng nghiên cứu chế tạo linh kiện quang điện tử hữu cơ như linh kiện phát quang hữu cơ (OLED) và OPV đã phát triển mạnh trong những năm gần đây. Các màn hình OLED đã bước đầu được sản xuất ở quy mô thương mại. Với xu hướng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, pin mặt trời hữu cơ OPV cũng được coi là một trong những loại pin có nhiều tiềm năng thay thế pin nền silic nhờ vào giá thành thấp bởi quy trình công nghệ chế tạo OPV được thực hiện trên diện tích rộng, mềm dẻo bằng các quy trình gia công đơn giản như là phương pháp phủ quay, tráng màng film. Nhằm thay thế cho điện cực ITO (indium tin oxide) có nhược điểm là giòn về mặt cơ học và nguồn cung indium đang trở nên khan hiếm, các nhà khoa học đang nghiên cứu phát triển các loại điện cực mềm dẻo, rẻ tiền và dễ gia công như graphen, carbon nanotube, sợi nano bạc, polyme dẫn… Bước đầu, các nhà khoa học đã chế tạo được các điện cực gần như trong suốt với độ dẫn tương đối tốt từ các vật liệu này. Ví dụ, bằng phương pháp ép cơ học, Makoto Karakawa và cộng sự có thể chế tạo điện cực sợi nano bạc có giá trị điện trở chỉ 21 /sq và độ truyền qua 85% (Hình 1.13) [25].
Hình 1.13. Ảnh chụp FE-SEM của sợi nano bạc (trái), mối tương quan giữa
Điện cực này được ứng dụng trong pin mặt trời BHJ (bulk heterojunction solar cells) có cấu trúc đế thuỷ tinh/điện cực sợi nano bạc/PEDOT:PSS/lớp hoạt động/điện cực Al, đạt hiệu suất chuyển hoá năng lượng 3,05% tương đương với linh kiện sử dụng điện cực ITO truyền thống đạt hiệu suất 3,06%. Tuy nhiên kết quả của nghiên cứu này mới chỉ dừng ở việc sử dụng điện cực bạc nano trên đế thuỷ tinh cứng dễ nứt vỡ.