2.1.1.Về đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk
2.1.1.1. Về đặc điểm
Đắk Lắk là một tỉnh nằm ở trung tâm khu vực Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 13.125km². Là tỉnh có đường biên giới chung dài 73km với nước bạn Campuchia. Toàn tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, dân số của tỉnh tính đến cuối năm 2020 là 1,947 triệu người, có 47 dân tộc anh em sinh sống; dân tộc thiểu số chiếm gần 33,5% dân số toàn tỉnh.
Đắk Lắk có địa hình rộng, bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông, suối và nhiều dãy núi cao, nhất là phía Đông dãy Trường Sơn nên việc đi lại, giao lưu giữa các vùng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào mùa mưa rất khó khăn. Các yếu tố này cũng đã phần nào tác động đến hoạt động giám sát của HĐND tỉnh.
2.1.1.2. Về tình hình kinh tế - xã hội
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quan tâm của Nhà nước, sau hơn 45 năm giải phóng và 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng đã có những bước chuyển biến đáng kể về nhiều mặt. Với vị trí thủ phủ của khu vực Tây Nguyên, Đắk Lắk đã có sự phát triển vượt bậc về tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, đầu tư vật chất kỹ thuật...
Trong thời gian vừa qua, tuy bối cảnh kinh tế - xã hội của thế giới và của nước ta gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, nhưng tỉnh Đắk Lắk tăng trưởng kinh tế tiếp tục phát triển khá, bình quân đạt 8,75%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 54,55 triệu đồng, gấp 1,67 lần so với năm 2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh ở khu vực dịch vụ và nông, lâm nghiệp; nông nghiệp tăng trưởng 5,64%;
thương mại - dịch vụ tăng trưởng 11,96%; kim ngạch nhập khẩu đạt 311 triệu USD, tăng 4,3 lần năm 2015; công nghiệp - xây dựng chuyển dịch tích cực; thu ngân sách có bước phát triển, tăng bình quân 19%/năm; tổng thu cân đối 05 năm đạt 30.679 tỷ đồng, bằng 7,4% GRDP. Giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - cộng nghệ, văn hóa, thể dục, thể thao có nhiều tiến bộ; Chính sách an sinh xã hội, dân tộc, tôn giáo được quan tâm giải quyết; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân2,87%/năm, xuống còn 4, 99%; Ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính, quản lý tài nguyên bảo vệ và phát triển rừng, môi trường chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo...[29].
Đạt được những thành tựu trên, là nhờ sự nỗ lực, phấn đấu của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Đắk Lắk, trong đó HĐND tỉnh là cơ quan có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoạch định chính sách, ban hành chính sách. Từ năm 2016 đến nay, HĐND đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa cử tri và các cơ quan nhà nước, đã lắng nghe, tổng hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri, chuyển tải kịp thời những khó khăn, vướng mắc mà tỉnh nhà đã và đang gặp phải trong việc thực hiện các quyết định, các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đến các cơ quan có thẩm quyền; góp phần tháo gỡ khó khăn, giải quyết bức xúc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy vậy, Đắk Lắk vẫn là một trong những tỉnh đang gặp nhiều khó khăn; đó là:
- Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm vừa qua vẫn chưa có sự phát triển tương xứng với các tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình;
- Kinh tế của tỉnh chủ yếu vẫn còn phụ thuộc vào khu vực nông nghiệp; môi trường đầu tư kinh doanh chậm được cải thiện; tài chính - ngân sách có mặt còn thiếu vững chắc; năng lực sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn còn yếu và gặp nhiều khó khăn; huy động vốn đầu tư xã hội đạt thấp; quản lý tài nguyên, môi trường vẫn còn yếu kém.
- Tình trạng tranh chấp khiếu kiện có nhiều diễn biến phức tạp; một số vụ tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm, đặc biệt là các vụ việc khiếu kiện, tranh chấp liên quan đến việc giao khoán, nhận khoán giữa các
Công ty cà phê với người dân.
- Các lĩnh vực văn hóa, xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, kết quả giảm nghèo chưa bền vững; cơ sở hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ.
Qua phân tích các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh cho thấy: Hoạt động của HĐND tỉnh Đắk Lắk, trong đó có hoạt động giám sát trong thời gian qua được thực hiện trong điều kiện có nhiều thuận lợi: Kinh tế, xã hội ổn định và tăng trưởng khá, các yếu tố bảo đảm hiệu quả giám sát của HĐND được tăng cường cả về nguồn lực và nhân lực. Bên cạnh đó, hoạt động của HĐND cũng đứng trước những thách thức và yêu cầu cao hơn: Thu ngân sách nhà nước, thu hút đầu tư nước ngoài tăng nhanh, hoạt động sôi động của các khu kinh tế, việc triển khai nhiều chương trình dự án trọng điểm quốc gia và tỉnh, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, công tác quản lý nhà nước có những điểm mới và yêu cầu cao hơn đòi hỏi việc định hướng phạm vi, đối tượng giám sát của HĐND các cấp phải phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của địa phương.
Do đó, để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, phát huy hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND cần đổi mới toàn diện, tăng cường hơn nữa đối với hoạt động giám sát, qua đó góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động quản lý nhà nước để cùng cả hệ thống chính trị tại địa phương đưa tỉnh Đắk Lắk phát triển vững mạnh, toàn diện, xứng đáng với vai trò là thủ phủ vùng Tây Nguyên.
2.1.2. Về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk
2.1.2.1. Cơ cấu, thành phần đại biểu
Thực hiện quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu HĐND, dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đắk Lắk, sự chỉ đạo của Uỷ ban bầu cử tỉnh, hoà chung với không khí ngày hội của cả nước, trong cuộc bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016- 2021, cử tri tỉnh Đắk Lắk đã phát huy dân chủ, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tham gia bầu chọn những người có đức, có tài, xứng đáng để đại diện và thay mặt mình quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Với cơ cấu, số lượng, chất lượng đại biểu HĐND tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2016 - 2021 như sau:
- Đại biểu HĐND tỉnh khoá IX gồm 85 người (hiện nay, do 01 đại biểu HĐND tỉnh chuyển công tác ra ngoài tỉnh nên số lượng đại biểu HĐND tỉnh chỉ còn 84 người), trong đó: Đại biểu là nữ có 19 người - chiếm tỷ lệ 22,35%; Đại biểu là người dân tộc thiểu số có 24 người - chiếm 27,24%; Đại biểu trẻ tuổi có 03 người - chiếm 3,53%; Đại biểu là người ngoài đảng có 06 người - chiếm 7,06%; Đại biểu tái cử có 32 người - chiếm 37,65%; Đại biểu tôn giáo có 05 người - chiếm 5,88% [32].
- Về trình độ chuyên môn: Dưới đại học có 06 người- chiếm 7,06%; Đại học có 53 người – chiếm 62,35%; Sau đại học có 26 người – chiếm 30,59% [32].
- Về trình độ lý luận chính trị: Cao cấp lý luận chính trị có 62 người – chiếm 72,94%; Trung cấp có 23 người – chiếm 27% [32].
Với số lượng 85 đại biểu, được chia ra sinh hoạt tại 15 tổ (tương ứng với 15 đơn vị hành chính cấp huyện). Trong quá trình hoạt động, số lượng đại biểu của mỗi Tổ đại biểu thường xuyên có sự biến động, do khi đại biểu được điều động, luân chuyển công tác thì đồng thời bố trí đến sinh hoạt tại Tổ đại biểu – nơi đến công tác. HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa IX có 11 đại biểu chuyên trách, trong đó: 02 đại biểu là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; 08 đại biểu là Trưởng, phó Trưởng các Ban của HĐND và 01 đại biểu là Chánh Văn phòng HĐND tỉnh [32].
- Thành phần đại biểu: Cơ quan Đảng có 24 người – chiếm 27,24%; Chính quyền có 40 người – chiếm 47,06%; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc có 08 người – chiếm 9,41%; Quân đội, Công an có 03 người – chiếm 3,53%; Cơ quan, đơn vị khác có 10 người – chiếm 11,76% [32].
Cơ cấu trên cho thấy, hầu hết đại biểu HĐND tỉnh có trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị cao, cơ bản đảm bảo đáp ứng yêu cầu để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của người đại biểu HĐND tỉnh. Vì vậy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay HĐND tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp, pháp luật. Các mặt hoạt động của HĐND từng bước được đẩy mạnh, có nhiều đổi mới, đem lại hiệu quả cao; tính dân chủ trong HĐND được phát huy, phương pháp hoạt động không ngừng cải tiến, ngày càng nâng cao
về chất lượng và hiệu quả, mối quan hệ giữa đại biểu HĐND với cử tri ngày càng được tăng cường, vai trò của HĐND được đề cao trong đời sống chính trị ở địa phương… qua đó đã góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và công cuộc đổi mới của đất nước.
Tuy vậy, nhìn chung về cơ cấu, tổ chức của HĐND tỉnh còn có những bất cập, hạn chế như sau:
- Phần lớn các vị đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, nên chưa “giành ít nhất một phần ba thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND” [28]. Các đại biểu này chủ yếu tham gia khi Thường trực HĐND tỉnh triệu tập tham dự kỳ họp HĐND tỉnh, còn việc tham gia các nhiệm vụ khác của đại biểu như tiếp xúc cử tri, tham gia các Đoàn giám sát chuyên đề… còn chưa đầy đủ.
- Nhiều đại biểu là thủ trưởng các cơ quan, đơn vị ở tỉnh nên khi tham gia thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đại biểu HĐND tỉnh, trong đó có hoạt động giám sátthì không thể tránh khỏi tình trạng nể nang, né tránh trách nhiệm; việc đề xuất, tham gia quyết định các chủ trương, chính sách thường chú trọng hơn đến quyền lợi của lĩnh vực mình phụ trách, không xuất phát vì lợi ích chung, mang tính tổng thể trong phạm vi của tỉnh – do đó đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng của hoạt động giám sát.
- Việc lựa chọn đại biểu HĐND còn chú trọng về cơ cấu nên một số đại biểu còn thiếu trình độ, kỹ năng hoạt động của HĐND; chưa mạnh dạn cơ cấu nhà khoa học, người có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực kinh tế, pháp luật để làm đại biểu HĐND tỉnh.
Những bất cập, hạn chế này trong cơ cấu, tổ chức của đại biểu HĐND tỉnh đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND tỉnh trong tỉnh trong thời gian qua.
2.1.2.2. Tổ chức bộ máy
* Đối với Thường trực HĐND tỉnh
trực HĐND tỉnh gồm: Chủ tịch HĐND, hai Phó Chủ tịch HĐND, các Ủy viên là Trưởng các ban của HĐND tỉnh và Chánh Văn phòng HĐND tỉnh. Trong đó, “Chủ tịch HĐND tỉnh có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách” [28].
Tuân thủ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhiệm kỳ 2016 - 2021, Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk gồm có 03 đồng chí, trong đó đồng chí Chủ tịch HĐND kiêm nhiệm là Phó Bí thư Tỉnh ủy; 02 đồng chí Phó Chủ tịch và các đồng chí Ủy viên Thường trực HĐND hoạt động chuyên trách.
Sau kỳ họp thứ Nhất – HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức họp, phân công nhiệm vụ đối với từng thành viên, các thành viên Thường trực HĐND chịu trách nhiệm tập thể về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND trước HĐND; chịu trách nhiệm cá nhân trước Thường trực HĐND về nhiệm vụ, quyền hạn được Thường trực HĐND phân công.
Nhìn chung, hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh ngày càng nhiều đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung, từng bước đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình. Các thành viên trong Thường trực HĐND đã nắm vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, chịu trách nhiệm cá nhân thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ quyền hạn được phân công. Trong công tác chuẩn bị, chủ tọa, điều hành kỳ họp; trong thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương… đã phát huy trí tuệ tập thể của đại biểu. Trong thời gian giữa 2 kỳ họp, Thường trực HĐND đã phối hợp với UBND và các Ban của HĐND tỉnh giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, trong việc thực thi các quy định của pháp luật; điều hòa phối hợp hoạt động của các Ban; tăng cường hoạt động giám sát, góp phần vào sự đổi mới, nâng cao vị thế và hiệu lực hoạt động của HĐND tỉnh.
Tuy nhiên, so với nhiệm vụ, quyền hạn được Luật định và yêu cầu đặt ra, mặc dù, Thường trực HĐND tỉnh đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn một số hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình, ảnh hưởng chung đến chất lượng hoạt
động của HĐND tỉnh.
* Các Ban của HĐND tỉnh
Căn cứ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và tình hình thực tế, HĐND tỉnh đã quyết định thành lập 04 ban gồm: Ban Kinh tế - ngân sách, Ban Pháp chế, Ban Văn hóa - xã hội và Ban Dân tộc. Số lượng thành viên của các Ban của HĐND tỉnh như sau: Ban Kinh tế - Ngân sách gồm 11 thành viên (Trưởng ban, 01 Phó Trưởng ban và 09 ủy viên); Các ban còn lại, mỗi ban gồm có 09 thành viên (Trưởng ban, 01 Phó Trưởng ban và 07 ủy viên).
Nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban, Phó Trưởng ban của HĐND được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Trên cơ sở quy định của Luật, các Ban đã ban hành Quy chế hoạt động ngay từ đầu nhiệm kỳ - đã tạo hành lang pháp lý cơ bản và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các Ban HĐND trong thời qua.
Trong thời gian qua, các Ban của HĐND tỉnh Đắk Lắk đã phát huy chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động giám sát, khảo sát hàng năm và triển khai thực hiện theo nghị quyết được HĐND thông qua. Ngoài công tác giám sát, khảo sát các Ban của HĐND đã thực hiện tốt nhiệm vụ thẩm tra các văn bản của kỳ họp giúp HĐND thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm được giao.
* Văn phòng tham mưu, phục vụ
Được tách ra từ Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Đắk Lắk, từ khi thành lập (tháng 5/2016) đến nay, Văn phòng HĐND tỉnh Đắk Lắk được cơ cấu và tổ chức thành 02 phòng; Văn phòng có Chánh Văn phòng và 02 Phó Chánh Văn phòng; tổng số công chức, nhân viên phục vụ của Văn phòng là 26 người [6]. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, trong thời gian qua, Văn phòng HĐND tỉnh Đắk Lắk luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, từng bước được củng cố kiện toàn, làm tốt công tác tham mưu, giúp việc và phục vụ cho hoạt động của HĐND tỉnh; cơ bản đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc cho