1.1. Quyền của bên mua bảo hiểm
a. Lựa chọn mua bảo hiểm ở bất kỳ doanh nghiệp bảo hiểm nào miễn là doanh nghiệp đó đang tiến hành hoạt động kinh doanh bảo hiểm trên lãnh thổ Việt Nam
Có thể lựa chọn mua bảo hiểm ở doanh nghiệp bảo hiểm nào có mức phí bảo hiểm đối với loại bảo hiểm đó thấp nhất và chất lượng cao nhất. Quyền này đồng thời thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với nhau trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm: mức phí thấp hơn, thủ tục bồi thường nhanh chóng, hợp tình, hợp lý hơn, kịp thời khắc phục được những tổn thất về tài chính đối với bên tham gia bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.
b.Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; cấp giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm cho mình
Mục đích là để tìm hiểu những thông tin cần thiết, xem xét hợp đồng bảo hiểm đó có phù hợp với nhu cầu, điều kiện, hoàn cảnh của mình hay không.
c. Đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm
Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng là ý chí của một trong hai bên về việc không tiếp tục duy trì hợp đồng theo các điều khoản đã cam kết vì bên kia có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 19, khoản 1 Điều 20 của Luật số 24/2000/QH10 của Quốc hội: Kinh doanh Bảo hiểm, bên mua bảo hiểm đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong các trường hợp sau:
Doanh nghiệp bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp này doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm do việc cung cấp thông tin sai sự thật. (Căn cứ khoản 3 Điều 19, Luật Kinh doanh Bảo hiểm)
Khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm, dẫn đến giảm các rủi ro được bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giảm phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không chấp nhận giảm phí bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương
đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm, nhưng phải thông báo ngay bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm. (Căn cứ khoản 1 Điều 20, Luật Kinh doanh Bảo hiểm)
d. Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm
Nếu doanh nghiệp bảo hiểm chậm trả tiền bảo hiểm so với thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng hoặc pháp luật đã quy định thì bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm trả tiền tương ứng với thời gian chậm trả.
Đối với hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự, nhằm nâng cao ý thức của người mua bảo hiểm, tránh tình trạng người tham gia bảo hiểm chuyển hết mọi trách nhiệm sang cho doanh nghiệp bảo hiểm, pháp luật quy định bên mua bảo hiểm phải thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa thiệt hại và các biện pháp cần thiết khác để hạn chế việc phải bồi thường thiệt hại. Bên mua bảo hiểm phải thực hiện các biện pháp đó trong thời gian đã được doanh nghiệp bảo hiểm khuyến nghị. Nếu bên mua bảo hiểm không thực hiện và sự kiện bảo hiểm chưa xảy ra thì phải thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm để xem xét tính tăng phí bảo hiểm hoặc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.
e. Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm hoặc theo quy định của pháp luật.
f. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
1.2. Nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm
a. Đóng phí bảo hiểm đầy đủ, theo thời hạn và phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm
Bởi hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm người tham gia bảo hiểm đóng phí bảo hiểm. Tuỳ từng loại sản phẩm bảo hiểm cụ thể mà thời hạn và phương thức nộp phí bảo hiểm được quy định cụ thể hoặc theo thoả thuận của các bên.
Bên mua bảo hiểm phải đóng toàn bộ phí bảo hiểm trong một lần trước khi bên bảo hiểm cấp giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc hợp đồng bảo hiểm; hoặc phí bảo hiểm được đóng nhiều lần theo định kỳ thì bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm vào định kỳ đầu tiên trước khi được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc hợp đồng bảo hiểm và phải tiếp tục đóng phí của các kỳ sau theo đúng định kỳ.
b. Kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm
Cung cấp cho bên nhận bảo hiểm các thông tin chi tiết liên quan đến đối tượng được bảo hiểm (hàng hóa, nhà máy, kho hàng). Nếu khai báo sai có thể làm hợp đồng bảo hiểm vô hiệu (toàn bộ hoặc một phần) hoặc bị giảm tiền bồi thường khi có rủi ro xảy ra.
c. Thông báo những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm
d. Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm
e. Áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và các quy định khác của pháp luật có liên quan f. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật
2. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm
Căn cứ Điều 17, Luật kinh doanh bảo hiểm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2019, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm được quy định như sau:
2.1. Quyền của doanh nghiệp bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền:
a. Thu phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
Đây là quyền phát sinh dựa trên nghĩa vụ đóng phí của bên mua bảo hiểm, quyền thu phí là quyền quan trọng nhất của doanh nghiệp bảo hiểm, bởi đây là nguồn thu quan trọng để doanh nghiệp bảo hiểm có cơ sở để thực hiện nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường khi có sự kiện bảo hiểm. Quyền thu phí cũng là
quyền duy trì hoạt động và cũng là một phần mục đích hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm.
b. Yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm;
Những thông tin mà BMBH cung cấp sẽ giúp cho DNBH xác định được phạm vi trách nhiệm của DNBH đối với BMBH và vì vậy, những thông tin này đòi hỏi phải mang tính trung thực và đầy đủ. Dựa vào những thông tin mà BMBH cung cấp, DNBH sẽ dự đoán rủi ro, từ đó quyết định có chấp nhận hay không chấp nhận bảo hiểm
c. Đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 19, khoản 2 Điều 20, khoản 2 Điều 35 và khoản 3 Điều 50 của Luật này;
Doanh nghiệp bảo hiểm đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm trong các trường hợp sau:
- Bên mua bảo hiểm có một trong những hành vi sau đây:
+ Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường;
+ Không thực hiện các nghĩa vụ trong việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định.
(Căn cứ khoản 2 Điều 19, Luật kinh doanh bảo hiểm 2000)
- Khi có sự thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm, dẫn đến tăng các rủi ro được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tính lại phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm. Nếu bên mua bảo hiểm không chấp nhận tăng phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
(Căn cứ khoản 2 Điều 20, Luật kinh doanh bảo hiểm 2000)
- Bên mua bảo hiểm không thể đóng được các khoản phí bảo hiểm thì sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày gia hạn đóng phí, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng.
- Người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền ấn định một thời hạn để người được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đó; nếu hết thời hạn này mà các biện pháp bảo đảm an toàn vẫn không được thực hiện thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tăng phí bảo hiểm hoặc đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
(Căn cứ khoản 3 Điều 50, Luật kinh doanh bảo hiểm 2000)
d. Từ chối trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc từ chối bồi thường cho người được bảo hiểm trong trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm hoặc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
Đây là quyền quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của doanh nghiệp bảo hiểm, quyền này xuất phát từ sự tôn trọng thỏa thuận của các bên, đồng thời bắt buộc các bên phải thỏa thuận các nội dung về phạm vi trách nhiệm bảo hiểm và trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Điều quan trọng là quyền này phải thực sự xác đáng và chính xác, không được lạm dụng quyền để gây phương hại đến lợi ích của bên mua bảo hiểm.
e. Yêu cầu bên mua bảo hiểm áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn
thất theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
Trong suốt quá trình thực hiện Hợp đồng bảo hiểm, người được bảo hiểm phải thực hiện đầy đủ các biện pháp cần thiết để phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra cho đối tượng bảo hiểm. Nếu trong trường hợp người bảo hiểm không thực hiện các biện pháp đề phòng cho đối tượng được bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền ấn định thời gian thực hiện nếu trong thời hạn đó mà các biện pháp an toàn vẫn không được thực hiện thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đình chỉ hợp đồng bảo hiểm.
f. Yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm
đã bồi thường cho người được bảo hiểm do người thứ ba gây ra đối với tài sản và trách nhiệm dân sự;
Để đòi được người thứ ba, DNBH có quyền yêu cầu khách hàng cung cấp kịp thời mọi thông tin, tài liệu, bằng chứng cần thiết có liên quan đến việc xác định trách nhiệm của người thứ ba.
g. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2.2. Nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ
a. Giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm;
Nghĩa vụ này tương ứng với quyền yêu cầu của bên mua bảo hiểm, tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chỉ có yêu cầu mới giải thích mà doanh nghiệp bảo hiểm với thế chủ động phải luôn giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cụ thể, chi tiết, phù hợp với chính sách bảo hiểm mà công ty đang có. Nội dung giải thích càng rõ ràng, dễ hiểu thì thời hạn thiết lập hợp đồng càng nhanh chóng. Nghĩa vụ giải thích mặc dù không phải là nghĩa vụ thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, nhưng lại rất quan trọng vì đây là một hành động chuẩn bị sẵn sàng thiết lập hợp đồng, là cơ sở, là tiền đề để thiết lập hợp đồng hợp pháp, có hiệu quả. Thêm vào đó, kỹ thuật nghiệp vụ bảo hiểm rất phức tạp, thuật ngữ chuyên môn khó hiểu, trình độ hiểu biết của khách hàng về bảo hiểm nói chung còn hạn chế thì giải thích, hướng dẫn mọi thủ tục giấy tờ cho họ là hết sức cần thiết.
b. Cấp cho bên mua bảo hiểm giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm ngay sau khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;
Giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm là bằng chứng pháp lý quan trọng ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm với tổn thất của bên mua bảo hiểm phải chịu khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, vì vậy doanh nghiệp bảo hiểm buộc phải cấp cho bên mua bảo hiểm.
c. Trả tiền bảo hiểm kịp thời cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
Đây là nghĩa vụ quan trọng nhất của doanh nghiệp bảo hiểm, điều này cũng đã ghi nhận trong khái niệm về hợp đồng bảo hiểm. Nghĩa vụ này là được luật ấn định nhằm bảo vệ triệt để quyền lợi của người mua bảo hiểm, đây là chủ thể đã đóng góp nguồn tài chính của bản thân để đảm bảo cho con người, tính mang, tài sản hay sức khỏe. Nếu như HĐBH không có sự thoả thuận về thời hạn thì DNBH phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường trong vòng 15 ngày theo luật định, kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền bảo hiểm. Trong trường hợp chậm thực nghĩa vụ này thì DNBH phải trả cả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất, nợ quá hạn do ngân hàng quy định tại thời điểm trả tiền bảo hiểm tương ứng với thời gian chậm trả.
d. Giải thích bằng văn bản lý do từ chối trả tiền bảo hiểm hoặc từ chối bồi thường;
e. Phối hợp với bên mua bảo hiểm để giải quyết yêu cầu của người thứ ba đòi
bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
f. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Ví dụ về Công ty bảo hiểm FWD:
FWD có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm của hợp đồng, sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng. Nếu FWD cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng thì khách hàng có quyền yêu cầu chấm dứt hợp đồng và FWD phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho khách hàng do việc cố ý cung cấp thông tin sai sự thật.
Nghĩa vụ bảo mật thông tin:
FWD không chuyển giao thông tin cá nhân do khách hàng cung cấp tại Hợp đồng cho bất kỳ bên thứ ba nào khác, trừ các trường hợp sau đây:
- Cho mục đích thẩm định, phát hành Hợp đồng, tái bảo hiểm, tính toán phí bảo hiểm, thu phí bảo hiểm, trích lập dự phòng nghiệp vụ, giải quyết quyền lợi bảo hiểm, xử lý và quản trị cơ sở dữ liệu; hoặc
- Nghiên cứu thiết kế sản phẩm, đánh giá chất lượng dịch vụ của FWD; hoặc - Phòng chống trục lợi bảo hiểm; hoặc
- Nghiên cứu, đánh giá tình hình tài chính, khả năng thanh toán, mức độ đầy đủ vốn, yêu cầu vốn; hoặc
- Được Quý khách đồng ý bằng văn bản, với điều kiện Quý khách được thông báo về mục đích chuyển giao thông tin và được quyền lựa chọn giữa đồng ý hoặc không đồng ý với việc chuyển giao đó. Việc Quý khách từ chối cho Công ty chuyển giao thông tin cho bên thứ ba theo điểm này không được coi là lý do để FWD từ chối giao kết Hợp đồng.
CHƯƠNG 5: TRÁCH NHIỆM DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM I. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng bảo hiểm
1. Các yếu tố cấu thành trách nhiệm
a. Có hành vi vi phạm hợp đồng:
Doanh nghiệp bảo hiểm cố tình cung cấp sai thông tin hợp đồng nhằm mục đích thu lợi cá nhân, không thanh toán hoặc chậm thanh toán tiền bảo hiểm, cung cấp các dịch vụ bảo hiểm kém chất lượng không như quy định trong hợp đồng, ...vv
Ví dụ: Tháng 8 năm 2006 vụ án tại tỉnh Phú Yên, bà Võ Thị Thanh Nga chủ của một đại lý bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm nhân thọ tỉnh Phú Yên lợi dụng