KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM
3.1. Bài học kinh nghiệm của các nước về thoả thuận hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng lao động hợp đồng lao động
Nhìn chung, thoả thuận hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực lao động là một trong những nội dung quan trọng đuọc pháp luật các quốc gia trên thế giới như Châu Á lẫn Châu Âu thừa nhận cả trong văn bản pháp luật, cũng như thông qua thực tiễn xét xử. Các quy định về thoả thuận hạn chế cạnh tranh của các nước trên đã thể hiện được rõ ràng một số nội dung mà Việt Nam cần rút ra trong quá trình hoàn thiện pháp luật của mình về vấn đề này:
Thứ nhất, về vấn đề bồi thường thiệt hại: Pháp luật các nước đã có quy định cụ thể về nội dung này. Mức này thông thường là một nửa số lương của năm hưởng lương cuối cùng của người lao động tại doanh nghiệp.
Thứ hai, pháp luật một số nước cũng đề cập về nghĩa vụ đối ứng của NSDLĐ khi NLĐ thực hiện nghĩa vụ “giữ bí mật”. Khi NLĐ giữ bí mật kinh doanh và các thông tin khác cho doanh nghiệp, theo quy định pháp luật của một số nước, NLĐ sẽ được trả phí với việc thực hiện nghĩa vụ giữ bí mật của mình. Mức phí này có thể tính trên số phần trăm của năm hưởng lương cuối cùng. Ở Đức, mức phí này được quy định khá cao, là 50% mức lương của năm hưởng lương cuối cùng mà người lao động làm việc tại doanh nghiệp. Ba Lan quy định mức phí này là 25%, và tại Pháp, mặc dù không có quy định, nhưng con số 30% mức lương của năm hưởng lương cuối cùng là con số mà Toà án Pháp ra phán quyết đối với NSDLĐ.
Thứ ba, về giới hạn thời gian và giới hạn về mặt địa lý đối với thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Nội dung này cũng cần được quy định rõ ràng trong luật, để tránh trường hợp NSDLĐ quy định một khoảng thời gian quá dài, hoặc khoảng không gian quá rộng không hợp lý, gây bất lợi cho NLĐ trong quá trình tiếp cận với công việc mới. Theo pháp luật một số Bang tại Hoa Kỳ, giới hạn về mặt địa lý được tính trong vòng bán kính từ trụ sở kinh doanh chính của Doanh nghiệp; hoặc giới
hạn về mặt địa lý có thể quy định là chính tiểu bang đó. Đối với giới hạn về mặt thời gian, thông thường, các nước đưa ra quy định trong vòng 2 năm kể từ khi kết thúc thời gian làm việc cho doanh nghiệp, NLĐ không được làm việc cho đối thủ cạnh tranh.
Thứ tư, về hình thức của thoả thuận hạn chế cạnh tranh: pháp luật các nước đều thừa nhận hình thức bằng văn bản đối với loại thoả thuận này.
Thứ năm, thừa nhận một số giải thích bổ sung của toà án tối cao thông qua việc tiếp cận án lệ. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có án lệ nào về thoả thuận hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực lao động được Toà Án nhân dân Tối cao thừa nhận, tuy nhiên, trong thời gian tới, khi phát sinh những tranh chấp trong lĩnh vực này và được giải quyết tại toà án, trong khi chờ những quy định mới được ban hành, TANDTC có thể giải thích, hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này thông qua những thực tiễn xét xử của toà án.