I- KẾT QUẢ:
Sau khi chuyên đề “ Giải toán có lời văn” được triển khai và thực hiện trong toàn khối 3, kết quả chúng tôi thu được thật đáng mừng. Hầu hết các em HS trong khối đều có một cách trình bày bài giải thống nhất, khoa
học và rõ ràng. Đại đa số các em đã biết suy nghĩ và tìm ra lời giải. Riêng các em HS khá giỏi, ngoài việc giải thuần thục các bài toán hợp trong chương trình SGK, các em còn tiếp thu và thực hành giải các bài toán hợp phức tạp hơn ( có 3, 4 phép tính) trong chương trình nâng cao cũng nhẹ nhàng và dễ dàng hơn nhiều.
Tổng hợp đợt khảo sát chất lượng khối 3 vào giữa tháng 2 cho thấy, trong số 74 em HS khối 3 thì có tới 68 em ( chiếm 91,9 %) làm đúng bài toán có lời văn (bài toán giải bằng 2 phép tính), còn lại 4 em có hướng giải đúng nhưng tính toán còn nhầm lẫn, chỉ còn 2 em giải sai phương pháp và chọn phép tính chưa đúng. Riêng lớp 3A có 25 em làm đúng hoàn toàn, còn 2 em có hướng giải đúng nhưng tính toán còn nhầm lẫn. Điều đáng ngạc nhiên là hầu như các em thuộc đối tượng khá giỏi đều có chung một bài làm giống hệt nhau từ phần tóm tắt, câu lời giải, đến cách ghi tên đơn vị ở phép tính và đáp số. Điều đó chứng tỏ các em không những đã biết xuất phát điểm của hành trình đi tìm đáp số của bài toán mà các em còn hiểu rõ nội dung và bản chất của từng bài.
Kết quả đạt được ở trên cho thấy sự đúng đắn và tính khả thi của phương pháp. Nó không những tháo gỡ bế tắc lâu nay của GV đứng lớp, mà còn góp phần rèn luyện những chủ nhân tương lai của đất nước thành những con người năng động, tự tin và thấu đáo trong việc giải quyết mọi vấn đề, trên mọi lính vực. Đó chính là cái hệ quả to lớn mà Toán học nói chung và các phương pháp giải toán nói riêng mang lại cho cuộc sống của các em sau này.