Thứ nhất, về thuật ngữ bị hại trong BLTTHS và BLHS không thống nhất. Theo BLTTHS thì bị hại bao gồm cá nhân và cơ quan, tổ chức nên thuật ngữ được sử dụng là “bị hại”. BLTTHS là luật hình thức để đưa các quy định của BLHS thi hành trên thực tiễn. Trong khi đó, BLHS lại sử dụng thuật ngữ “người bị hại” mà nội hàm của người bị hại hẹp hơn bị hại. Do đó, để BLHS và BLTTHS được đồng bộ và thống nhất, cần thay thuật ngữ “người bị hại” trong BLHS thành thuật ngữ “bị hại” như trong BLTTHS.
Thứ hai, về thời điểm xác định bị hại. Đến thời điểm hiện tại, BLTTHS chỉ mới quy định về nội dung nhằm xác định bị hại mà chưa có quy định về thời điểm, thẩm quyền, trình tự và hình thức để xác định một cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại là bị hại để từ đó xác định quyền và nghĩa vụ của bị hại. Chính vì vậy gây khó khăncho người bị thiệt hại thực hiện các quyền của mình trong đó có quyền yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Từ đó, học viên
đề xuất cần có quy định cụ thể về thời điểm một chủ thể bị thiệt hại được xác định là bị hại trong Tố tụng hình sự để thuận tiện cho bị hại thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, bảo đảm cho quyền lợi của bị hại được bảo vệ tốt nhất. Mặt khác, cần quy định thời điểm bị hại được quyền yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình cùng trình tự, thủ tục công nhận bị hại và quyền yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại. Vì vậy, cần thiết phải có văn bản hướng dẫn về thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đồng thời bổ sung các biểu mẫu liên quan nhằm bảo đảm các quy định tại Điều 84 BLTTHS 2015 được áp dụng đầy đủ.
Thứ ba, về thời điểm rút yêu cầu khởi tố: Để có thể áp dụng chính xác, thống nhất và đúng quy định của BLTTHS năm 2015, Luật tổ chức TAND năm 2015, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cần sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015; theo đó cần bổ sung Điều 359 BLTTHS năm 2015 theo hướng “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 155 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”. Việc bổ sung quy định này là phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015 về thời điểm bị hại hoặc người đại diện của bị hại có quyền rút yêu cầu khởi tố kể cả ở giai đoạn phúc thẩm và đảm bảo nguyên tắc pháp chế, đảm bảo tính pháp lý về thẩm quyền của HĐXX phúc thẩm. Hoặc bổ sung cụm từ “và 8” vào khoản 2 Điều 359 BLTTHS năm 2015: “Khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”.