HỒI ỨC VỀ MỘT THỜI KỲ VÀNG SON

Một phần của tài liệu Cuộc chiến tiền tệ: Phần 1 (Trang 27 - 38)

“Chúng ta đang ở trong đám mây mù của một cuộc chiến tranh tiền tệ quốc tế.” — Guido Mantega,

Bộ trưởng Tài chính Brazil, ngày 27/09/2010

“Tôi không thích cách diễn tả đây là cuộc chiến tranh tiền tệ.” — Dominique Strauss- Kahn,

Tổng Giám đốc IMF, ngày 18/11/2010

Chiến tranh tiền tệ xảy ra khi một quốc gia liên tục phá giá đồng tiền của họ so với tiền tệ của các nước khác, là một trong những hậu quả có sức tàn phá lớn và đáng sợ nhất trong kinh tế học quốc tế. Điều này gợi nhớ lại những ám ảnh của thời kỳ Đại Suy thoái, khi các quốc gia thi nhau phá giá đồng tiền của mình theo kiểu “làm nghèo nhà hàng xóm”, đồng thời áp dụng những hàng rào thuế quan khiến thương mại thế giới đổ nhào! Nó cũng gợi nhớ những năm 1970, thời gian mà giá dầu tính bằng đô-la tăng gấp 4 lần khi nước Mỹ nỗ lực làm suy yếu đồng tiền của họ qua hành động xóa bỏ Bản vị vàng. Cuối cùng, điều này cũng khiến người ta nhớ lại các cuộc khủng hoảng đồng Bảng Anh năm 1992, đồng Peso Mexico năm 1994 và đồng Ruble Nga năm 1998, bên cạnh những sự cố khác. Dù kéo dài hay có cường độ nghiêm trọng, các cuộc khủng hoảng tiền tệ nói trên cũng như những đợt khủng hoảng khác thường gắn với đình trệ, lạm phát, thắt chặt chi tiêu, hỗn loạn tài chính và những hậu quả kinh tế tồi tệ khác. Nói ngắn gọn, chẳng hề có điều gì tích cực đi cùng với một cuộc chiến tranh tiền tệ cả.

Vì thế, giới tinh hoa của cộng đồng tài chính thế giới vừa ngạc nhiên vừa bực bội khi Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega tuyên bố thẳng băng vào cuối tháng 9/2010 rằng một cuộc chiến tranh tiền tệ mới đã bắt đầu. Tất nhiên, với giới tinh hoa này thì những sự kiện và áp lực dẫn đến tuyên bố của Mantega chẳng có gì là mới mẻ hay xa lạ. Những căng thẳng ở tầm quốc tế về chính sách tỷ giá và theo đó là chính sách lãi suất/tài chính đã hiện diện thậm chí từ trước khi suy thoái nổ ra vào cuối năm 2007. Trung Quốc liên tục bị các đối tác thương mại cáo buộc đã cố tình định giá đồng Nhân dân tệ ở mức quá thấp, đồng thời tích tụ một lượng nợ vượt trội của Mỹ dưới hình thức trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên cơn hoảng loạn tài chính hồi năm 2008 lại mang đến một góc nhìn khác cho các tranh luận về tỷ giá. Hoàn toàn bất ngờ khi miếng bánh kinh tế bị thu hẹp lại thay vì phình to ra, dẫn đến việc các quốc gia vốn trước kia rất hài lòng với phần bánh ngày một tăng lên của họ thì nay phải lao vào tranh giành lẫn nhau những mảnh vụn bánh còn lại.

Bất chấp những sức ép rõ ràng lên nền tài chính quốc tế cho đến năm 2010, giới tinh hoa tài chính vẫn né tránh, coi việc nhắc tới chiến tranh tiền tệ là một điều cấm kỵ. Thay vào đó, các chuyên gia tiền tệ quốc tế dùng những cụm từ như “tái lập cân bằng” hay “điều chỉnh” để nói về những nỗ lực dàn xếp các loại tỷ giá để đạt được cái mà một số người cho là những kết quả đáng mong đợi. Tất nhiên, sử dụng uyển ngữ chẳng thể nào làm dịu đi tình trạng căng thẳng trong hệ thống!

Có một nghịch lý nằm ngay trung tâm của mọi cuộc chiến tranh tiền tệ. Tuy chiến tranh tiền tệ diễn ra trên bình diện quốc tế, nó lại do những vấn đề nội bộ từng quốc gia gây ra. Chiến tranh tiền tệ bắt nguồn từ cảm nhận rằng tăng trưởng nội tại là chưa đủ. Một nước bắt đầu câu chuyện này thông thường sẽ có tỷ lệ thất nghiệp cao, tăng trưởng thấp hay tốc độ tăng trưởng suy giảm, hệ thống ngân hàng yếu kém và hệ thống tài chính công suy kiệt. Trong hoàn cảnh này, rất khó thúc đẩy tăng trưởng thuần túy dựa trên các

công cụ nội tại; và việc xúc tiến xuất khẩu thông qua phá giá tiền tệ trở thành động lực tăng trưởng duy nhất còn lại. Để hiểu rõ vấn đề này, xin xem lại 4 thành tố cơ bản của GDP (tổng sản phẩm quốc nội), bao gồm tiêu dùng (C), đầu tư (I), chi tiêu của chính phủ (G) và xuất khẩu ròng (xuất khẩu X trừ đi nhập khẩu M). Định nghĩa tổng quát về tăng trưởng đó được thể hiện qua phương trình sau đây:

GDP = C + I + G + (X – M)

Một nền kinh tế sẽ gặp vấn đề khi tiêu dùng (C) đình đốn hay suy giảm do nạn thất nghiệp, do gánh nặng về nợ, hay do cả hai. Đầu tư (I) vào nhà máy sản xuất, thiết bị hay nhà cửa được đo lường độc lập với tiêu dùng, song rõ ràng là có sự liên hệ gắn bó chặt chẽ giữa đầu tư và tiêu dùng. Một doanh nghiệp sẽ không đầu tư mở rộng sản xuất nếu họ không kỳ vọng người tiêu dùng sẽ mua sản phẩm của họ, ngay lập tức hoặc trong một tương lai gần. Do đó khi tiêu dùng chậm lại, đầu tư kinh doanh cũng thụt lùi. Chi tiêu công (G) có thể được mở rộng một cách độc lập khi tiêu dùng và đầu tư đều suy giảm. Đây chính là điều mà các kinh tế gia theo trường phái Keynes đề xuất để duy trì mức tăng trưởng của một nền kinh tế ngay cả khi cá nhân và doanh nghiệp đã đứng sang một bên. Vấn đề là chính phủ phải phụ thuộc vào tiền thuế hay tiền đi vay thì mới có thể đẩy mạnh chi tiêu công trong thời buổi suy thoái, mà cử tri thì không hề sẵn lòng ủng hộ cả hai cách vừa nêu khi mà gánh nặng thuế khóa đã rất lớn và bản thân họ – những người dân – cũng đang phải thắt lưng buộc bụng. Trong các chế độ dân chủ, luôn có những hạn chế chính trị rất gắt gao về khả năng chính phủ có thể gia tăng chi tiêu công trong thời buổi kinh tế khó khăn, ngay cả khi các nhà kinh tế đã đề xuất hướng giải pháp này.

Trong một nền kinh tế mà các cá nhân và doanh nghiệp không mở rộng chi tiêu/sản xuất, đồng thời chi tiêu công cũng bị hạn chế, lựa chọn duy nhất còn lại để tăng trưởng là tăng xuất khẩu ròng (X – M); và cách nhanh nhất để làm điều này là hạ giá đồng nội tệ. Ví dụ sau đây sẽ minh chứng điều này: giả sử một chiếc xe hơi Đức được định giá 30.000EUR, tỷ giá 1EUR=1,4USD, như vậy giá chiếc xe này tính theo đô- la Mỹ sẽ có giá là 42.000USD. Bây giờ chúng ta giả sử tiếp rằng EUR xuống giá chỉ còn 1EUR=1,1USD mà thôi, khi đó giá của chiếc xe hơi tính bằng đô-la Mỹ sẽ chỉ còn 33.000USD. Việc giá xe hơi bằng đô-la giảm từ 42.000USD xuống còn 33.000USD sẽ khiến mặt hàng này hấp dẫn hơn với người mua xe tại Mỹ, từ đó xe hơi Đức bán được nhiều hơn. Trong cả hai trường hợp, doanh thu của nhà sản xuất xe hơi tại Đức là 30.000EUR cho một chiếc xe, con số này không thay đổi. Do đồng EUR bị hạ giá, nhà sản xuất có thể bán thêm nhiều xe hơi tại Mỹ mà không phải hạ giá xe hơi tính theo EUR. Điều này làm tăng GDP của nước Đức, tạo thêm nhiều công ăn việc làm tại Đức để đáp ứng nhu cầu mua xe hơi của Hoa Kỳ.

Hãy hình dung động lực trên đây không chỉ áp dụng cho Đức mà còn cho cả Pháp, Ý, Bỉ và những quốc gia khác sử dụng đồng Euro. Và cũng hãy hình dung ảnh hưởng (của việc phá giá tiền tệ – ND) không chỉ lên mặt hàng xe hơi mà còn lên các hàng hóa khác như rượu vang Pháp, hàng thời trang Ý và chocolate của Bỉ, không chỉ lên các hàng hóa hữu hình mà còn cả các hàng hóa vô hình như phần mềm máy tính và dịch vụ tư vấn... Sau hết, hãy xét tới việc ảnh hưởng này không dừng lại ở những hàng hóa xuất khẩu mà còn cả du lịch và đi lại. Khi giá trị của đồng Euro giảm từ 1,4USD xuống còn 1,1USD, giá một bữa ăn tối 100EUR tại Paris sẽ chỉ tương đương với 110USD thay vì 140USD như trước đó, tức là giá cả trở nên phải chăng hơn so với du khách Mỹ. Bạn hãy nghĩ tới ảnh hưởng của việc đồng Euro giảm giá so với đô-la Mỹ trên phạm vi rộng lớn như vừa nêu, áp dụng cho mọi hàng hóa dịch vụ được trao đổi, cả hữu hình và vô hình, và bạn sẽ bắt đầu thấy mức độ mà phá giá tiền tệ có thể trở thành một động lực mạnh mẽ như thế nào đối với tăng trưởng, tạo việc làm và lợi nhuận. Cám dỗ của hành vi phá giá đồng nội tệ trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn dường như là không thể cưỡng lại.

Tuy nhiên, các vấn đề và hậu quả không mong đợi của những hành động nói trên sẽ xuất hiện hầu như ngay lập tức. Trước hết, hầu như chẳng có hàng hóa nào được sản xuất từ đầu đến cuối trong phạm vi một quốc gia. Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, một sản phẩm có thể có công nghệ Hoa Kỳ, thiết kế Ý, làm bằng nguyên liệu từ Úc, lắp ráp tại Trung Quốc, có những phụ tùng của Đài Loan và được phân phối qua hệ thống đặt tại Thụy Sĩ, sau đó đến tay khách hàng tại... Brazil! Từng bộ phận của chuỗi cung ứng và cách tân vừa nêu đều có phần trong lợi nhuận gộp vì những đóng góp của chúng cho cả chuỗi. Vấn đề suy ra ở đây là khía cạnh tỷ giá của kinh doanh toàn cầu không chỉ ảnh hưởng tới đồng tiền của thương vụ cuối cùng (bán cho người mua sau cùng – ND) mà còn tới mọi loại tiền tệ của các giao dịch đầu vào và giao

dịch trong chuỗi cung ứng. Một quốc gia phá giá đồng nội tệ có thể thấy hàng hóa của họ được bán ra nước ngoài với giá rẻ hơn, nhưng chính họ lại bị ảnh hưởng xấu khi cần phải có nhiều nội tệ hơn để mua nhiều loại nguyên liệu đầu vào khác nhau (vì nội tệ giảm giá nên sẽ bị thiệt hại khi nhập khẩu – ND). Khi một quốc gia sản xuất vừa có doanh số xuất khẩu cao vừa có doanh số nhập khẩu nguyên liệu và phụ tùng cao để sản xuất ra những hàng hóa xuất khẩu của họ, giá trị đồng nội tệ có thể không ảnh hưởng nhiều tới xuất khẩu ròng (X – M) so với các yếu tố khác như chi phí lao động, thuế suất thấp và cơ sở hạ tầng tốt của nền kinh tế.

Chi phí đầu vào gia tăng không phải là bất lợi duy nhất của việc phá giá tiền tệ. Mối quan ngại lớn hơn, nhãn tiền hơn là sự phá giá trả đũa. Chúng ta cùng xem lại ví dụ về giá xe hơi Đức ở mức 30.000EUR khi tính giá bằng USD sẽ giảm từ 42.000USD xuống 33.000USD khi đồng Euro bị giảm giá từ 1EUR ăn 1,4USD xuống chỉ còn 1,1USD. Làm sao mà nhà sản xuất xe hơi Đức có thể yên tâm rằng tỷ giá sẽ luôn ở mức thấp như vậy? Nước Mỹ có thể bảo vệ ngành xe hơi nội địa của họ bằng việc làm giảm giá đồng đô-la so với đồng Euro, đẩy Euro từ mức 1,1USD lên mức 1,4USD. Điều này có thể thực hiện được qua việc Mỹ giảm lãi suất đô-la Mỹ, khiến đồng tiền này kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư quốc tế, hoặc đơn giản là in thêm tiền để làm giảm giá đô-la Mỹ. Cuối cùng, Mỹ cũng có thể can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ bằng cách bán USD và mua vào EUR để điều chỉnh tỷ giá EUR/ USD trở lại mức mà họ mong muốn. Nói gọn lại, tuy việc phá giá đồng Euro có thể có lợi ích ngay tức khắc và trong ngắn hạn, chính sách này sẽ mau chóng phản tác dụng nếu một đối thủ mạnh mẽ như Mỹ quyết định phá giá trả đũa.

Đôi khi những hành động phá giá cạnh tranh không có hồi kết, khi mỗi bên đều có lợi thế tạm thời, không bên nào chịu nhượng bộ lợi thế lâu dài cho đối phương. Khi ấy, để tiếp tục bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, cần có một công cụ “nặng ký” hơn, đó là chủ nghĩa bảo hộ (protectionism) dưới hình thức thuế quan, cấm vận hay những hàng rào khác đối với thương mại tự do. Lấy cùng một ví dụ về ngành xe hơi, nước Mỹ có thể trả đũa một cách đơn giản bằng cách đánh thuế nhập khẩu 9.000USD trên một chiếc xe nhập từ Đức, điều này sẽ nâng giá xe hơi tại Mỹ từ 33.000USD lên 42.000USD ngay cả khi tỷ giá EUR/USD chỉ là 1,1. Thực tế thì Mỹ đã loại bỏ hoàn toàn lợi thế của người Đức khi họ phá giá đồng Euro bằng một mức thuế ngang với lợi thế đó, từ đó loại bỏ luôn lợi thế của đồng Euro trên thị trường Mỹ. Từ quan điểm của một người lao động làm trong ngành xe hơi Hoa Kỳ thì đây là điều tốt nhất vì nó vừa bảo hộ được ngành xe hơi Mỹ, vừa cho phép người lao động này hưởng những ngày nghỉ với mức giá phải chăng ở châu Âu (do đồng Euro giảm giá nên du khách Mỹ sẽ có lợi hơn khi chi tiêu trong các kỳ nghỉ ở

châu Âu – ND).

Chủ nghĩa bảo hộ không chỉ giới hạn ở việc áp thuế mà còn bao gồm cả những chế tài thương mại khác nghiêm ngặt hơn, chẳng hạn như cấm vận. Một trường hợp khá nổi tiếng gần đây là vụ đụng độ nhỏ về tiền tệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc là quốc gia hầu như kiểm soát toàn bộ nguồn cung của đất hiếm, tức một số nguyên tố kim loại trong lòng đất, rất hiếm và khó khai thác nhưng lại vô cùng quan trọng trong quá trình chế tạo hàng điện tử, xe hơi lai (hybrid) và các ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh khác. Đa số trữ lượng đất hiếm thuộc Trung Quốc, còn Nhật là nước sử dụng chính loại nguyên liệu này để sản xuất hàng điện tử và xe hơi. Tháng 7/2010, Trung Quốc tuyên bố cắt giảm 72% sản lượng xuất khẩu đất hiếm, có tác dụng làm suy giảm ngành chế tạo của Nhật và những nước khác đang phụ thuộc vào nguồn cung loại nguyên liệu này từ Trung Quốc.

Ngày 07/09/2010, một tàu đánh cá Trung Quốc va chạm với một tàu tuần duyên của Nhật ở một vùng đảo xa trong phạm vi vùng biển Hoa Đông, vốn đang bị tranh chấp giữa hai nước. Khi tàu tuần duyên Nhật bắt giữ viên thuyền trưởng tàu đánh cá, phía Trung Quốc đã phản đối dữ dội, yêu cầu phía Nhật thả ngay người bị bắt và đưa ra lời xin lỗi chính thức. Khi những yêu cầu này không được thực hiện ngay lập tức, Trung Quốc đi xa hơn tuyên bố cắt giảm sản lượng đất hiếm hồi tháng Bảy và đình chỉ mọi lô hàng xuất đất hiếm qua Nhật, khiến các nhà sản xuất Nhật khó khăn. Qua ngày 14/09/2010, Nhật Bản phản ứng bằng việc bất thình lình phá giá đồng Yen trên thị trường tiền tệ quốc tế: đồng Yen Nhật giảm 3% so với đồng Nhân dân tệ Trung Quốc chỉ trong vòng vỏn vẹn ba ngày! Sự kiên quyết của nước Nhật theo hướng phá giá này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu của Trung Quốc vào Nhật, so với xuất khẩu từ những nước có chi phí thấp hơn như Indonesia và Việt Nam.

Trung Quốc đã tấn công Nhật Bản bằng một đợt cấm vận, ngược lại Nhật trả đũa bằng việc phá giá nội tệ, nhưng bên ngoài cả hai nước đều giả vờ như đang tranh cãi về những hòn đảo xa xôi không có người ở và số phận của một viên thuyền trưởng tàu đánh cá bị giam giữ. Vài tuần sau tình hình ổn định lại, viên thuyền trưởng được thả, Nhật đưa ra lời xin lỗi tạm thời, đồng Yen lên giá lại và dòng vận chuyển đất hiếm qua Nhật cũng được phục hồi. Người ta đã tránh được một hậu quả tồi tệ hơn thế, nhưng cả hai bên đều rút ra được những bài học và đều sẵn sàng “mài kiếm” cho lần đụng độ tiếp theo.

Khi tham gia vào một cuộc chiến tiền tệ, bạn phải luôn đối mặt với những hậu quả ngoài ý muốn. Giả sử rằng một đợt phá giá nội tệ, chẳng hạn xảy ra ở châu Âu, thành công với mục đích kỳ vọng và giúp hàng

Một phần của tài liệu Cuộc chiến tiền tệ: Phần 1 (Trang 27 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(75 trang)