Sau khi đã thực hiện ước lượng, kiểm định và khắc phục các khuyết tật, nhóm đã xây dựng được mô hình khái quát sự tác động của các yếu tố tiền lương tối thiểu, thuế thu nhập cá nhân, tỉ lệ tăng trưởng dân số đến tỉ lệ thất nghiệp của một số quốc gia khu vực Đông Nam Á. Theo như kết quả thu được mô hình được xác định đúng, không bỏ sót biến, mô hình có nhiễu theo phân phối chuẩn, không tồn tại hiện tượng đa cộng tuyến, có tồn tại hiện tượng tự tương quan tuy nhiên nhóm chưa giải quyết được do nằm ngoài cơ sở kiến thức có hiện tượng phương sai sai số thay đổi nhưng đã được khắc phục. R của mô hình ở mức tương đối (R =0.4323) cho thấy các biến2 2 độc lập giải thích được một phần sự thay đổi của biến phụ thuộc. Nguyên nhân có thể là do mẫu số liệu khi quy đổi mức tiền lương tối thiểu của các quốc gia về một đơn vị chung có sự chênh lệch nhất định về tỉ giá đồng tiền qua các năm.
Từ kết quả ước lượng ta có thể thấy hệ số tương quan giữa tiền lương tối thiểu và tỉ lệ thất nghiệp mang dấu dương (+). Kết quả này cũng đã được chỉ ra bởi nhiều cuộc khảo sát và nghiên cứu trong số đó có thể kể đến các nghiên cứu của Chong- Uk Kim, Gieyoung Lim (2018), Scott Greer, Isai Castrejon và Sarah Lee hay cuộc khảo sát của Charles Brown, Curtis Gilroy và Andrew Kohen (1982). Điều này có thể giải thích rằng tăng tiền lương tối thiểu đồng nghĩa với việc tạo áp lực cho doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khi lợi nhuận không như mong muốn và sức cạnh tranh không cao. Điều này bắt buộc các doanh nghiệp phải tính các phương án thay đổi cơ cấu, cắt giảm lao động đặc biệt là lao động phổ thông dẫn đến tình trạng thất nghiệp tăng.
Qua kết quả ước lượng ta cũng thấy được thuế thu nhập cá nhân có tương quan dương với tỉ lệ thất nghiệp. Ở phần này, nhóm đưa ra giải thích rằng khi thuế thu nhập cá nhân tăng thì số tiền trong túi người tiêu dùng sẽ giảm. Thuế thu nhập cá nhân càng cao thì việc chi tiêu cho tiêu dùng của người dân càng giảm đi, điều này khiến cho các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp gia tăng.
Hệ số tương quan giữa tỉ lệ gia tăng dân số và tỉ lệ thất nghiệp cũng mang dấu dương. Điều này phụ thuộc nhiều vào đối tượng mà nhóm đang nghiên cứu: các quốc gia Đông Nam Á – khu vực mà hầu hết các quốc gia đều là các nước đang phát triển: tỷ lệ gia tăng dân số cao, nguồn lao động trình độ chưa cao. Khi dân số gia tăng kéo theo nguồn lao động tăng lên dồi dào, nhu cầu việc làm cũng theo đó tăng lên nhưng việc đáp ứng việc làm lại không đủ dẫn đến dư thừa cung lao động – thất nghiệp. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn lao động thấp, số lượng lao động không có tay nghề, không được đào tạo còn cao, không đủ yêu cầu đối với công việc dẫn đến lao động không có việc làm.