Hiện nay, hầu hết các vụ án ly hôn liên quan đến phân chia tài sản chung đều xảy ra tranh chấp, các bên không thỏa thuận được nên khởi kiện yêu cầu Tòa án thụ lý. Qua thực tiễn cho thấy tranh chấp chia tài sản chung khi ly hôn, nhận thấy, xung quanh nội dung này còn có nhiều vấn đề liên quan, cần đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng vụ án, đồng thời, tăng tính thuyết phục trong quá trình tham gia giải quyết vụ án.
Khi ly hôn, vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng được đặt ra như một tất yếu vì ly hôn làm chấm dứt quan hệ hôn nhân, chấm dứt cơ sở hình thành, phát triển của khối tài sản chung. Sẽ rất dễ dàng, tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí nếu các bên có thể tự thỏa thuận được với nhau để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, trên thực tế, đa số các trường hợp về phân chia tài sản chung đều xảy ra tranh chấp, các bên không thỏa thuận được nên khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn là tài sản chung chia đôi có tính đến các yếu tố như được quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
Qua thực tế xã hội hiện nay nhận thấy xã hội càng phát triển thì việc tranh chấp chia tài sản chung khi ly hôn là một nội dung càng phức tạp trong hầu hết các vụ án “Ly hôn”, đòi hỏi phải thực hiện các biện pháp của Tòa án nhân dân như: thu thập chứng cứ một cách khách quan, đầy đủ, toàn diện thì mới có thể giải quyết vụ án được chính xác, đặc biệt là các vụ án ly hôn có tài sản tranh chấp liên quan đến bất động sản, nợ ngân hàng, tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không thể xác định được. Khi giải quyết loại vụ việc này, các sai phạm của Tòa án chủ yếu liên quan đến vấn đề phân chia tỷ lệ tài sản chung, nguồn gốc hình thành, công sức đóng góp vào tài sản chung, ngoài ra, còn có các sai phạm liên quan đến xác định án phí khi phân chia tài sản chung, xác định những thành phần người tham gia tố tụng có liên quan để đưa vào giải quyết trong vụ án, vi phạm về thời hạn gửi Bản án, quyết
định,…. Khó khăn lớn nhất trong phân chia tài sản chung khi ly hôn là việc vận dụng các nguyên tắc chia tài sản chung sao cho phù hợp với từng trường hợp cụ thể, đảm bảo được quyền, lợi ích của vợ chồng và những người có liên quan. Việc đánh giá và quy đổi một vấn đề trừu tượng như công sức đóng góp thành một khối lượng tài sản cụ thể là hết sức khó khăn, còn phụ thuộc vào sự đánh giá, nhận thức pháp luật của Hội đồng xét xử.
Có thể nói, nguyên nhân dẫn tới những khó khăn, vướng mắc như trên, là do các quy định của pháp luật còn chưa chặt chẽ, chưa cụ thể, thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành, quy định chưa rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.