4. NGỮ NGHĨA HỌC DỤNG PHÁP
4.1.2. Câu ngôn hành và vị từ ngôn hành
“Tôi hứa là sẽ không nói với bất cứ ai về vấn đề này.”
Theo như câu trên thì vấn đề này sẽ được giữ bí mật. Nói cách khác, ở đây, hành động tạo ngôn là tương đương với hành động ngôn trung. Khi người nói hứa thì không phải đơn thuần là thông báo về việc hứa ấy mà là thực hiện chính cái việc hứa ấy. Một câu như thế gọi là ngôn hành, và vị từ chỉ những hành động được thực hiện bằng ngôn từ và làm cho nhân cho câu ngôn hành (như tuyên bố, hứa, khẳng định, cảm ơn,…) là vị từ ngôn hành.
Câu nói trên là một câu ngôn hành, điều đó giải thích tại sao không thể nói: “Anh ta thông báo là sẽ giữ bí mật nhưng thực ra anh ta không giữ bí mật.”
Trong khi đó, hoàn toàn có thể nói như thế đối với một câu trần thuật thông thường: “Anh ta nói là sẽ giữ bí mật nhưng mà anh ta đâu có giữ bí mật đâu.”
Lưu ý: Không phải vị từ nào chỉ những hành động được thực hiện bằng ngôn từ cũng là vị từ ngôn hành. Không thể nói rằng: “Tôi xin nịnh anh!”. Dù “nịnh” là một vị từ có thể thực hiện bằng ngôn từ thế nhưng nó không được dùng như là vị từ ngôn hành vì những nét nghĩa nội tại của từ này. Lí do bởi vì nịnh là một vị từ xấu nghĩa và không ai lại tự nói xấu về mình như thế.
Một vị từ ngôn hành sẽ mất đi tính chất ngôn hành nếu câu chứa nó không đáp ứng được các điều kiện sau:
1. Chủ thể của nó phải là ngôi thứ nhất.
2. Thời gian của sự tình phải ở hiện tại. Ví dụ: Cho 3 câu dưới đây:
a. Tôi yêu em.
b. Anh ta yêu em.
c. Ngày xưa tôi yêu em.
Như vậy đối chiếu với 2 điều kiện trên thì chỉ có câu a là ngôn hành, 2 câu còn lại chỉ là câu trần thuật bình thường. Điều này cho thấy vấn đề ngôn hành cần đặt ra ở bình diện câu hơn là bình diện từ.
4.1.3.Hành động nói trực tiếp và hành động nói gián tiếp Hành động nói trực tiếp:
Lời nói được coi là hành động nói trực tiếp khi có mối quan hệ trực tiếp giữa hình thức và chức năng giao tiếp của lời nói.
Ví dụ: Câu “ Bạn có người yêu không?” Hình thức của câu này là một câu hỏi và chức năng giao tiếp của nó cũng chính là để hỏi đối phương có người chưa. Như vậy ở câu này về hình thức và chức năng giao tiếp có mối quan hệ trực tiếp với nhau nên nó được xem là hành động nói trực tiếp.
Tương tự với câu: “Hãy học bài!”
Từ đó ta thấy, hành vi lời nói trực tiếp minh họa rõ ràng ý nghĩa dự định của người nói đằng sau việc phát biểu đó.
Hành động tại lời gián tiếp:
Sealer định nghĩa: “Một hành động tại lời được thực hiện gián tiếp qua một hành động tại lời khác được gọi là một hành động gián tiếp.”
Ví dụ: “Bạn có thể tắt tivi được không?”
Trong trường hợp này người đối thoại không thể trả lời là “được” hay “không được” ngoại trừ là lời nói đùa hoặc cố tình không hiểu. Điều này có nghĩa là phát ngôn trên tuy hình thức của nó là một câu hỏi nhưng mục đích không phải để hỏi mà là một hành động cầu khiến “bạn tắt đài cho mình”. Như vậy, hành động cầu khiến đã được thực hiện gián tiếp qua hành động tại lời hỏi và hành động tại lời hỏi là hành động tại lời cầu khiến gián tiếp.
Khi nghiên cứu về hành động tại lời gián tiếp thì chúng ta cần phải chú ý những điểm sau:
- Hành động tại lời gián tiếp lệ thuộc chủ yếu vào ngữ cảnh.
- Khi tìm hiểu và phân tích một hành động tại lời gián tiếp chúng ta phải chú ý tới quan hệ ngữ nghĩa giữa các thành phần của nội dung mệnh đề trong biểu thức ngữ vi trực tiếp với ngữ cảnh.
- Hành động tại lời gián tiếp không phải là một hiện tượng riêng rẽ do hành động tại lời trực tiếp tạo ra mà nó còn bị quy định bởi lý thuyết lập luận, các phương châm hội thoại, phép lịch sự, các quy tắc liên kết, các quy tắc hội thoại và bởi cả logic nữa.