Các nghiên cứu sử dụng kỹ thuật can thiệp thường quy với stent

Một phần của tài liệu Luận án nghiên cứu đặc điểm tổn thương và kết quả can thiệp đặt stent chỗ chia nhánh động mạch vành thủ phạm ở bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp (Trang 46 - 51)

động mạch vành phủ thuốc

Một số nghiên cứu có đối chứng ngẫu nhiên so sánh giữa hai chiến lược can thiệp đặt stent vượt qua SB hay chiến lược Two-stent đã cho thấy chiến lược can thiệp đặt stent vượt qua SB vẫn được coi là chiến lược ưu tiên.

Nghiên cứu NORDIC: 413 BN được can thiệp chỗ chia nhánh sử dụng stent phủ thuốc Sirolimus và được chia ngẫu nhiên vào hai nhóm can thiệp theo chiến lược đặt stent vượt qua SB hoặc Two-stent [62]. Sau 6 tháng, không có sự khác biệt giữa hai nhóm về tử vong do tim mạch, NMCT, tái can thiệp mạch đích và huyết khối trong stent. Sau 5 năm, tỷ lệ cộng gộp các biến cố của hai nhóm cũng tương đương nhau (15,8% ở nhóm đặt stent vượt qua SB, 21,8% ở nhóm Two-stent, với p = 0,15).

Nghiên cứu BBK (Bifurcations Bad Krozingen): 202 BN được chia ngẫu nhiên vào hai nhóm: hoặc thực hiện kỹ thuật T- stent một cách thường quy, hoặc kỹ thuật đặt stent vượt qua SB, và đều sử dụng stent phủ thuốc Sirolimus [63]. Tiêu chí chính của nghiên cứu là mức độ hẹp của SB theo dõi trên chụp

mạch trong vòng 9 tháng, kết quả tương đương giữa hai nhóm. Tỷ lệ cộng gộp các biến cố liên quan đến mạch đích cũng như MACE (tử vong, NMCT, đột quỵ hoặc phải tái thông mạch đích) cũng tương tự nhau.

Nghiên cứu CACTUS: 350 BN được chia ngẫu nhiên vào hai nhóm: hoặc sử dụng kỹ thuật đặt stent vượt qua SB, hoặc kỹ thuật Crush. Cả 2 nhóm đều sử dụng stent phủ thuốc Sirolimus và đều thực hiện FKBI bắt buộc. Can thiệp đặt stent SB trong chiến lược đặt stent vượt qua SB chỉ khi có ít nhất một trong các tình huống: hẹp tồn dư ≥50%, lóc tách mạch vành từ típ B trở lên, dòng chảy TIMI ≤ 2. Kết quả hai tiêu chí chính của nghiên cứu: tỷ lệ tái hẹp trong stent sau 6 tháng của 2 nhóm tương tự nhau, tỷ lệ MACE giữa 2 nhóm cũng tương tự nhau [64].

Nghiên cứu BBC ONE: 500 BN được chia ngẫu nhiên vào 2 nhóm: hoặc sử dụng chiến lược đơn giản đặt stent vượt qua SB, hoặc sử dụng các kỹ thuật phức tạp hơn (Crush hoặc Culotte). Nghiên cứu này sử dụng stent phủ thuốc Paclitaxel. Tiêu chí để đặt stent SB trong chiến lược đặt stent vượt qua SB: dòng chảy TIMI < 3, hẹp nặng lỗ vào nhánh bên > 90%, lóc tách mạch vành từ típ A trở lên. Chỉ 30% số ca phải can thiệp SB (27% nong bóng, 3% đặt stent). Kết quả sau 9 tháng theo dõi: có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa 2 nhóm về tỷ lệ tử vong, NMCT, hoặc phải tái thông mạch đích (8% biến cố ở nhóm chiến lược đơn giản, 15,5% biến cố ở nhóm can thiệp phức tạp). Kết quả cho thấy tỷ lệ biến cố khá cao ở nhóm can thiệp chiến lược phức tạp [65].

Nghiên cứu DKCRUSH-II: nghiên cứu gồm 370 BN, so sánh tỷ lệ MACE sau 12 tháng giữa 2 nhóm: sử dụng kỹ thuật double kissing crush so sánh với chiến lược đặt stent vượt qua SB [66]. Kết quả: tỷ lệ MACE và huyết khối trong stent ở 2 nhóm tương đương nhau. Tuy nhiên, tỷ lệ tái hẹp tại MV và SB, cũng như tỷ lệ phải tái can thiệp mạch đích thấp hơn ở nhóm double kissing crush. Theo dõi dài hơn sau 5 năm, tỷ lệ MACE có xu hướng cao hơn ở nhóm đặt stent vượt qua SB (23,8% so với 15,7%, p = 0,051). Tỷ lệ phải tái can thiệp mạch

đích cũng cao hơn có ý nghĩa thống kê ở nhóm đặt stent vượt qua SB (16,2% so với 8,6%, p = 0,027).

Nghiên cứu DKCRUSH-V: so sánh giữa chiến lược double kissing crush và chiến lược đặt stent vượt qua SB trong can thiệp tổn thương chỗ chia nhánh đoạn xa thân chung ĐMV trái [67]. Kết quả cho thấy: khi theo dõi trong vòng 12 tháng, tỷ lệ các biến cố liên quan đến mạch đích (target lesion failure – TLF) của nhóm DK-crush thấp hơn so với nhóm đặt stent vượt qua SB (5,0% so với 10,7%, p = 0,02). Nhóm sử dụng kỹ thuật DK-crush còn có xu hướng giảm tỷ lệ phải tái can thiệp mạch đích, và đáng ngạc nhiên, còn giảm cả tỷ lệ NMCT và huyết khối trong stent hơn nhóm đặt stent vượt qua SB.

Nghiên cứu DEFINITION II: 653 BN tổn thương phức tạp chỗ chia nhánh ĐMV ở 49 trung tâm được can thiệp ngẫu nhiên theo chiến lược sử dụng kỹ thuật Two-stent hoặc đặt stent vượt qua SB. Kết quả sau 1 năm cho thấy nhóm sử dụng chiến lược Two-stent cải thiện các biến cố lâm sàng hơn so với nhóm được sử dụng chiến lược đặt stent vượt qua SB [68].

Từ các nghiên cứu trên, chúng ta thấy để quyết định lựa chọn một chiến lược phù hợp cho can thiệp chỗ chia nhánh ĐMV là rất khó khăn. Tuy nhiên, với những tổn thương không quá phức tạp, thì lựa chọn chiến lược đặt stent vượt qua SB có lẽ sẽ là phù hợp cho hầu hết các trường hợp tổn thương chỗ chia nhánh ĐMV. Chiến lược này tiết kiệm chi phí hơn, đơn giản hơn, sử dụng thể tích thuốc cản quang ít hơn, thời gian thủ thuật ngắn hơn. Tuy vậy, kết quả của các nghiên cứu cũng không phủ nhận việc có thể sử dụng kỹ thuật Crush hay Culotte trong một số trường hợp chọn lọc với giải phẫu phức tạp hay tổn thương lan tỏa tại SB.

So sánh đối đầu giữa các chiến lược can thiệp Two-stent với nhau, có một số nghiên cứu:

Nghiên cứu Nordic: 424 BN được chia ngẫu nhiên vào 2 nhóm thực hiện kỹ thuật Culotte hoặc Crush, sử dụng stent phủ thuốc Sirolimus (77% trường

hợp là “true bifurcation”) [69]. Kết quả theo dõi sau 6 tháng: không có sự khác biệt giữa 2 nhóm về tỷ lệ tử vong, NMCT sau thủ thuật, phải tái can thiệp mạch đích. Tuy nhiên, tỷ lệ tái hẹp trong stent ở nhóm sử dụng kỹ thuật Crush cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm sử dụng kỹ thuật Culotte (10,5% ở nhóm Crush so với 4,5% ở nhóm Culotte, p=0,046). Kết cục lâm sàng sau 3 năm của hai nhóm cũng tương tự nhau.

Nghiên cứu DKCRUSH-III: so sánh giữa kỹ thuật DK-crush và kỹ thuật Culotte trong can thiệp tổn thương chỗ chia nhánh đoạn xa thân chung ĐMV trái với 419 BN tham gia nghiên cứu, theo dõi trong 12 tháng [70]. BN thuộc nhóm Culotte có tỷ lệ MACE cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm DK- crush (16,3% so với 6,2%, p = 0,001), trong đó tăng chủ yếu tỷ lệ phải tái can thiệp mạch đích (11% so với 4,3%, p = 0,016). Sau 3 năm, tỷ lệ MACE vẫn cao hơn ở nhóm Culotte (23,7% so với 8,2%, p < 0,001), đặc biệt là tỷ lệ phải tái can thiệp mạch đích và NMCT. Tỷ lệ huyết khối trong stent ở nhóm Culotte là 3,4%, trong khi ở nhóm DK-crush không ghi nhận ca nào.

Nghiên cứu BBK II: so sánh giữa kỹ thuật TAP và kỹ thuật Culotte ở 300 BN tổn thương chỗ chia nhánh ĐMV cần đặt stent cả SB [71]. Kết quả trên chụp mạch vành sau 9 tháng, tỷ lệ tái hẹp tại chỗ chia nhánh ở nhóm sử dụng kỹ thuật TAP cao hơn nhóm sử dụng kỹ thuật Culotte (17% so với 6,5%, p = 0,006). Sau 1 năm, tỷ lệ phải tái can thiệp mạch đích ở nhóm TAP cũng cao hơn ở nhóm Culotte (12% so với 6%, p = 0,069).

Để đánh giá ảnh hưởng của các loại stent khác nhau đến kết cục lâm sàng ở BN can thiệp tổn thương chỗ chia nhánh ĐMV, Pan M. và cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu có đối chứng ngẫu nhiên, so sánh giữa nhóm đặt stent phủ thuốc Sirolimus (103 BN) và nhóm đặt stent phủ thuốc Paclitaxel (102 BN) [72]. Tất cả BN đều được can thiệp theo chiến lược đặt stent vượt qua SB. Kết quả theo dõi trong vòng 24 tháng, tỷ lệ tái hẹp thấp hơn đáng kể ở nhóm dùng stent phủ thuốc Sirolimus (9% so với 29%, p = 0,011), tương tự là tỷ lệ phải tái can thiệp mạch đích (4% so với

13%, p = 0,021). Kết quả tương tự ở nghiên cứu COBIS, trong đó tỷ lệ MACE ở nhóm dùng stent phủ thuốc Sirolimus thấp hơn nhóm dùng stent phủ thuốc Paclitaxel [73].

Kết cục lâm sàng của các stent phủ thuốc thế hệ mới hơn trong điều trị tổn thương chỗ chia nhánh ĐMV cũng được đánh giá qua một số nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên. Nghiên cứu SEA-SIDE so sánh stent phủ thuốc Sirolimus (SES) với stent phủ thuốc Everolimus (EES), cả 2 nhóm đều can thiệp theo chiến lược đặt stent vượt qua SB [74]. Kết quả về khả năng kiểm soát SB trong thủ thuật cũng như kết quả hình ảnh chụp mạch sau can thiệp tương đương giữa 2 nhóm. Về kết cục lâm sàng khi theo dõi trong 18 tháng, không có sự khác biệt về tỷ lệ biến cố liên quan đến mạch đích giữa 2 nhóm (9,0% ở nhóm SES, 10,7% ở nhóm EES, p = 0,57). SES và EES cũng được so sánh trong nghiên cứu CORPAL với 293 BN, kết quả tỷ lệ MACE sau 12 tháng cũng tương tự giữa 2 nhóm (6,2% so với 6,1%) [75].

Để so sánh giữa DES thế hệ thứ hai và DES thế hệ thứ nhất, nghiên cứu LEADERS all-comers so sánh stent phủ thuốc Biolimus A9 (BES) với stent phủ thuốc Sirolimus, thời gian theo dõi 5 năm, cho thấy BES có kết cục dài hạn tốt hơn SES, với tỷ lệ huyết khối rất muộn trong stent thấp hơn so với SES [76]. Ưu thế của DES thế hệ thứ hai so với thế hệ thứ nhất cũng quan sát thấy trong một phân tích gộp gồm 3162 BN can thiệp chỗ chia nhánh tại Hàn Quốc. Đồng thời nghiên cứu này cũng quan sát thấy, khi sử dụng DES thế hệ thứ hai, kết cục tương đương nhau giữa nhóm chiến lược can thiệp tối thiểu đặt stent vượt qua SB và nhóm chiến lược Two-stent chỗ chia nhánh ĐMV [77]. Điều này trái với các kết quả nghiên cứu trước đó với ưu thế nghiêng về chiến lược đặt stent vượt qua SB khi sử dụng DES thế hệ thứ nhất.

Nghiên cứu e-ULTIMASTER trên 4395 BN được can thiệp tổn thương chỗ chia nhánh ĐMV bằng stent Ultimaster, khung stent là hợp kim cobalt-

chromium cấu trúc mắt mở, phủ thuốc sirolimus với lớp polymer tự tiêu. 33,9% trong 4395 BN được thực hiện kỹ thuật POT, kết quả cho thấy kỹ thuật POT giảm được các biến cố lâm sàng sau 1 năm [78].

Một phần của tài liệu Luận án nghiên cứu đặc điểm tổn thương và kết quả can thiệp đặt stent chỗ chia nhánh động mạch vành thủ phạm ở bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp (Trang 46 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)