2. THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC
NGUYỄN PHAN VINH
- Quê quán: tại xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - Năm sinh, năm mất: 1933 - 1968
- Tóm tắt sự nghiệp: Liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông sinh trong một gia đình cách mạng có cha, mẹ và anh trai đều hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) Ông theo gia đình tản cư vào sống ở Tam Kì. Đến năm 1954 đang giữa năm học của lớp 7 (tương đương lớp 9 bây giờ) ông xung phong nhập ngũ, rồi tập kết ra miền Bắc. Đến năm 1963 ông là Trung úy thuyền trưởng hải quân. Đầu năm 1967 ông bắt đầu tham gia “Đoàn tàu không số” vượt đường Hồ Chí Minh trên biển với nhiệm vụ chuyên chở vũ khí quân dụng chi viện cho chiến trường miền Nam. Và đến tháng 02/1968, ông đã cùng đồng đội thực hiện thành công 10 chuyến đi. Chuyến thứ 11 ông được cấp trên giao phó trách nhiệm làm thuyền trưởng tàu 235 cùng 19 đồng đội vận chuyển 14 tấn hàng chi viện cập bến Hòn Hèo. “Ngày 27/02/1968, tàu 235 rời bến, sau 2 ngày đêm hành quân trên hải phận quốc tế, khoảng 18 giờ ngày 29/02/1968, tàu chuyển hướng vào vùng biển Nha Trang. Rạng sáng ngày 01/3/1968, phát hiện tàu bị lộ, Nguyễn Phan Vinh cho đồng đội thả hàng xuống và cho tàu rời khỏi vị trí thả hàng, di chuyển về phía nam, các chiến sĩ chống trả quyết liệt sự tấn công của địch. Khi đến gần bờ khoảng 100m,
253
nhận thấy máy tàu bị hỏng không thể di chuyển được nữa, Ông ra lệnh cho đồng đội rời khỏi tàu, riêng mình và thợ máy Ngô Văn Thứ ở lại để đấu nối kíp nổ và trực tiếp điểm hỏa khối thuốc nổ hủy tàu rồi mới vào bờ. Nguyễn Phan Vinh đã cùng đồng đội chiến đấu tới viên đạn cuối cùng và hi sinh anh dũng ở tuổi 35.
Ngày 25/8/1970, liệt sỹ Nguyễn Phan Vinh được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhân kỷ niệm 15 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29/4/1990), tên người thuyền trưởng tàu 235 quả cảm ấy đã được đặt cho một hòn đảo trong quần đảo Trường Sa – đảo Phan Vinh.