Đặc điểm kinh tế xã hội thành phố Hà Nội

Một phần của tài liệu LVTS-2015 - Quản Lý Nhà Nước Đối Với Doanh Nghiệp Trên Địa Bàn Thành Phố Hà Nội (Trang 46 - 47)

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - kinh tế của quốc gia; trung tâm văn hóa lớn; trung tâm khoa học, giáo dục, đào tạo hàng đầu; trung tâm kinh tế lớn của cả nước và trung tâm giao dịch quốc tế; đầu mối giao thông quan trọng quốc gia. Đặc biệt, từ sau Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội ngày 29/5/2008 về việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, diện tích thành phố Hà Nội tăng lên 3,6 lần và dân số tăng gấp 2 lần (3.340 km2 và 6,5 triệu người), với việc sáp nhập tỉnh Hà Tây, một phần tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Hòa Bình, Hà Nội đứng thứ 17 về quy mô dân số trong số các thủ đô lớn thế giới [13, tr182]. Đến nay, quy mô dân số của Hà Nội đã tăng lên trên 7,2 triệu người.

Trong nhiều năm liền Thủ đô Hà Nội luôn đạt được nhịp độ tăng trưởng cao. Trong cả giai đoạn 2008-2013, GDP trên địa bàn đạt tốc độ tăng bình quân 9,4%; cao hơn 1,5-1,7 lần so với tốc độ tăng GDP cả nước, ước cả năm 2014 tăng 8,8% (Biểu đồ 2.1).

Đơn vị: Phần trăm (%)

Cơ cấu kinh tế Thủ đô đang chuyển dịch theo hướng hiện đại, hội nhập. Năm 2013, trong cơ cấu GDP của Thành phố, dịch vụ chiếm tỷ trọng 53,4%; công nghiệp - xây dựng chiếm 41,7% và nông lâm nghiệp chiếm 4,9%. Cơ cấu này tương đương như một số nước phát triển trong khu vực (Thái Lan, Malaixia, Philippine) [2, tr45].

Tiềm lực và vị thế của Thủ đô được nâng lên trong nền kinh tế cả nước. Nếu tính theo giá so sánh (năm 1994), quy mô kinh tế Hà Nội ước chiếm 12,73% GDP cả nước (bằng khoảng 1/2 GDP của Thành phố Hồ Chí Minh, cao gấp 3 lần của Hải Phòng và gấp 7 lần của Đà Nẵng). Đời sống nhân dân và các mặt xã hội, đô thị Thủ đô được cải thiện: GDP bình quân đầu người tăng từ 37,1 triệu đồng/người năm 2010 lên 63,3 triệu đồng/người năm 2013, gấp 2 lần so với cả nước, Hà Nội dẫn đầu cả nước về chỉ số phát triển con người và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 1% (theo chuẩn nghèo cũ); năm 2012 còn 3,55% với 59.365 hộ nghèo (theo chuẩn nghèo mới), số hộ thoát nghèo năm 2013 là 16.500 hộ, căn bản xoá hộ nghèo thuộc diện chính sách [13, tr182]. Các lĩnh vực giao thông, hạ tầng đô thị, văn hoá, xã hội, tinh thần được cải thiện, bộ mặt Thủ đô thêm khang trang, hiện đại, vừa giữ được bản sắc Thăng Long văn hiến, đang vươn lên xứng đáng với vị thế trung tâm chính trị, văn hóa, giao dịch quốc tế lớn của cả nước.

Có thể thấy rằng, sau gần 30 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tưụ đáng kể về kinh tế, xã hội, nâng cao hơn vị thế của Thủ đô.

Một phần của tài liệu LVTS-2015 - Quản Lý Nhà Nước Đối Với Doanh Nghiệp Trên Địa Bàn Thành Phố Hà Nội (Trang 46 - 47)