Xương
+ ThS. ĐINH VĂN THIÊN
Truyện Chuyện người con gái Nam Xương được Nguyễn Dữ viết lại với rất nhiều sáng tạo từ một cốt truyện dân gian. Truyện kể về một người chồng vì ghen tuông quá mức, dẫn tới những hành động mù quáng, làm tan nát cả một gia đình yên ấm, lẽ ra sẽ rất hạnh phúc. Hành động ghen tuông của người chồng đã đẩy người vợ đến chỗ uất ức quá phải nhảy xuống sông Hoàng Giang tự vẫn để chứng tỏ sự trong trắng thuỷ chung của mình. Từ góc độ đề tài, truyện không có gì mới mẻ. Tuy nhiên truyện vẫn rất hấp dẫn bởi đã xây dựng được một tình huống rất độc đáo. Đó là tình huống, sau bao nhiêu năm chinh chiến ngoài biên ải theo lệnh của triều đình, người chồng may mắn thoát chết trở về, những mong được ôm ấp đứa con của mình trong tình cha con đằm thắm, nào ngờ chính đứa con lại nói: “Ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói chứ không như cha tôi trước kia, chỉ nín thin thít. Đứa con còn kể tiếp: “Trước đây thường có một người đàn ông, đêm nào đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”. Người vợ nói thế nào người chồng cũng không tin. Hàng xóm phân giải mọi điều về sự hiếu thảo, thuỷ chung của người vợ ở nhà, người chồng cũng chỉ cho là người vợ do khéo mồm khéo miệng mà được hàng xóm bao che. Tình huống ấy buộc người đọc phải theo dõi câu chuyện đến tận cùng xem kết cục là vì sao lại như vậy. Vì chuyện ghen tuông xưa nay vẫn có đến một ngàn lẻ một cách lí giải khác nhau, làm sao cắt nghĩa hết được!
Người chồng chỉ sáng mắt ra khi chính đứa con chỉ vào cái bóng của anh ta nói: “Cha Đản đấy".
Tuy nhiên, để tình huống ấy diễn ra một cách tự nhiên, hợp lý, người kể chuyện đã khéo léo cài đặt sẵn một chi tiết hết sức tự nhiên, một chi tiết lấy ra từ chính đời sống thường
ngày. Đó là chi tiết lấy từ “trò chơi soi bóng trên tường”. Ngày xưa chưa có ti vi, đến cả "rối hình” cũng không có, tối tối con cái thường quây quần quanh cha mẹ, ông bà, chơi trò soi bóng trên tường, nhờ ánh sáng ngọn đèn dầu, mỡ. Trò chơi này hết sức thú vị, vì từ hai bàn tay người chơi có thể tạo ra bao nhiêu hình thù vừa quen thuộc vừa kì lạ khác nhau, dựa vào tài khéo léo, óc tưởng tượng của cả người chơi và người xem. Trong trò chơi này ai cũng là người chơi, ai cũng là người xem nên có cái vui nhộn của không khí dân chủ và bình đẳng. Người vợ, vì chồng vắng nhà dằng dặc như thế, tối tối cũng chỉ còn biết chơi đùa với con bằng trò chơi ấy. Có lẽ vì muốn con luôn luôn cảm thấy người cha vẫn có mặt ở nhà, và đế tự an ủi mình, thấy mình với chồng vẫn luôn bên nhau như hình với bóng, nên người vợ đã chỉ vào cái bóng của mình mà nói với con rằng đó là cha của Đản - tên của đứa con. Gia đình, vì thế, lúc nào cũng cảm thấy sum vầy đông đủ, sự trống trải đã được khỏa lấp bằng hình ảnh của cái bóng đêm đêm. Từ một trò chơi dân dã, hết sức phổ biến, người kể chuyện đã đẩy lên thành một cái cớ để xây dựng thành một tình huống truyện độc đáo. Đó chính là sự tài hoa, sâu sắc của người kể chuyện. Cái bóng chỉ là cái cớ để xây dựng tình huống, là một chi tiết nghệ thuật, sao chúng ta lại gọi nó là “cái bóng oan khiên”? Đừng gán cho nó cái giá trị tư tưởng vốn không phải của nó mà quên mất cái đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện của người xưa. Trò chơi ấy cũng còn cho thấy tấm lòng của người vợ nhớ chồng da diết nhường nào, thương Con đến nhường nào. Người vợ làm sao có thể nghĩ tới việc sau này đứa con sẽ nói với người cha của nó những câu như ta đã thấy để tránh né câu cá đùa mà tình nghĩa và xúc động kia. Vì thế làm sao ta lại có thể phán xét rằng chính người vợ cũng có lỗi về cái chết của nàng một khi biết tính chồng nghi lại còn đùa với con như vậy. Lỗi và tội ở đây là cái sự ghen tuông đến mù quáng như một căn bệnh truyền đời của nhân loại.
Cũng chính vì mục đích sâu xa là lên án một cách gay gắt, quyết liệt thói ghen tuông (chứ không phải để lên án chiến tranh phong kiến loạn lạc, như số nhận xét thường thấy) mà Nguyễn Du đã viết thêm đoạn kết (không có trong văn bản truyện cổ dân gian) có tính chất “thần kì”. Đoạn kết ấy không phải chỉ để câu chuyện thêm hấp dẫn! Đó là một kết thúc “mở” có ý nghĩa trả lại cho Vũ Nương sự trong sạch của một tấm lòng thuỷ chung,
trong sáng, đồng thời thể hiện một thái độ bao dung đối với sai lầm của người chồng và của chính nàng mà thôi.
Truyện đã không để Vũ Nương về với chồng con. Điều đó buộc người đọc phải suy nghĩ sâu hơn về bài học mà truyện đặt ra. Người bị oan, cuộc đời có thể giải oan giúp họ. Còn hậu quả của những sai lầm do chính con người gây ra thì khôn lường và không phải bao giờ cũng khắc phục được. Đoạn kết của truyện đã xoáy vào lòng người đọc nỗi xót xa bởi cảnh đứa trẻ mất mẹ, suốt đời trong cảnh mồ côi, chỉ do thói ghen tuông của người cha...