Điều 38. Tài sản, quản lý và sử dụng tài sản
1. Tài sản của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh gồm: Đất đai, nhà cửa, công trình xây dựng, các kết quả hoạt động khoa học và công nghệ, các trang thiết bị và tài sản khác được Nhà nước giao cho Trường quản lý và sử dụng hoặc do Trường đầu tư mua sắm, xây dựng hoặc được biếu, tặng để đảm bảo các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và các hoạt động khác.
2. Trường chủ động cân đối nguồn thu và huy động các nguồn hợp pháp khác để phát triển tổng thể cơ sở vật chất của Trường theo mô hình trường đại học hiện đại trên thế giới.
3. Trường quản lý, sử dụng tài sản được hình thành từ ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước; tự chủ, tự chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng tài sản hình thành từ các nguồn ngoài ngân sách Nhà nước.
Tài sản của Trường phải được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm.
4. Ngoài việc bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên tài sản hàng năm, Trường có kế hoạch và bố trí kinh phí hợp lý từ nguồn thu của Trường để đầu tư bổ sung, đổi mới trang thiết bị, sữa chữa lớn, xây dựng mới và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học.
5. Hàng năm, Trường tổ chức kiểm kê, đánh giá lại giá trị tài sản của các đơn vị và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Nhà nước.
Điều 39. Nguồn tài chính của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
1. Nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cấp (nếu có), bao gồm:
a) Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, các chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ, viên chức, các chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đặt hàng;
b) Kinh phí thực hiện nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao;
c) Vốn đầu tư xây dựng cơ bản, kinh phí mua sắm trang thiết bị, sửa chữa lớn tài sản cố định phục vụ hoạt động sự nghiệp theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự toán được giao hàng năm;
d) Vốn đối ứng thực hiện các dự án có nguồn vốn nước ngoài được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
e) Kinh phí khác (nếu có).
2. Nguồn thu sự nghiệp, bao gồm:
a) Học phí của người học thuộc các loại hình đào tạo chính quy và không chính quy (hệ cấp bằng) trong phạm vi mức thu do Nhà nước quy định;
b) Phí dịch vụ đào tạo (hệ cấp chứng chỉ). Mức thu do Hiệu trưởng quyết định phù hợp với khả năng của người hưởng dịch vụ;
c) Lệ phí tuyển sinh theo quy định của Pháp lệnh phí, lệ phí và các văn bản hướng dẫn của Nhà nước;
3. Các khoản thu gắn với hoạt động của Trường:
a) Thu từ các dự án liên kết đào tạo với các tổ chức trong và ngoài nước.
b) Thu từ các hoạt động sản xuất, từ các hoạt động cung ứng dịch vụ, khai thác cơ sở vật chất.
c) Thu từ các hợp đồng khoa học và công nghệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
d) Thu do cán bộ, viên chức tham gia hoạt động dịch vụ với bên ngoài hoặc theo cơ chế khoán nộp về Trường.
e) Các khoản thu hợp pháp khác được để lại sử dụng theo quy định của Nhà nước. 4. Thu từ đơn vị trực thuộc để hỗ trợ hoạt động chung: Các đơn vị trực thuộc có thể trích một phần từ nguồn thu sự nghiệp để hỗ trợ hoạt động chung, tỷ lệ trích do Hiệu trưởng quyết định.
5. Nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu, tặng, cho theo quy định của pháp luật. 6. Nguồn khác, gồm:
a) Nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn huy động của cán bộ, viên chức; b) Nguồn vốn liên doanh, liên kết của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật;
c) Các khoản thu khác theo quy định như lãi được chia từ các hoạt động liên doanh, liên kết, lãi tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn và không kỳ hạn theo quy định;
d) Các nguồn thu hợp pháp khác.
Điều 40. Các khoản chi
1. Tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp; 2. Trích lập và sử dụng các quỹ;
3. Chi hỗ trợ nghiên cứu khoa hoc, giáo trình, bồi dưỡng nâng cao trình độ;
4. Chi đầu tư phát triển gồm: chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm tài sản cố định, trang thiết bị; thực hiện các dự án đầu tư khác theo quy định của Nhà nước và của Trường.
5. Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
Nội dung, định mức, cách thức chi cụ thể thực hiện theo quy định của pháp luật, Quy chế chi tiêu nội bộ và các quy định cụ thể khác của Trường.
Điều 41. Quản lý tài chính
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh áp dụng chế độ quản lý tài chính theo quy định tại các văn bản pháp quy sau:
1. Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017. 2. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Quyết định số 2377/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2014 - 2017.
4. Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 17 tháng 5 năm 2007 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học - Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước.
5. Các quy định pháp luật hiện hành và Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường.
Chương X