2.2. Những định hướng phát triển ngành Bảo hộ lao động
Trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình
mới, trong đó có nêu “Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống thảm hoạ, bảo đảm
trật tự, an toàn giao thông, an toàn lao động; phòng, chống tai nạn, thương tích, cháy, nổ, bệnh nghề nghiệp”[1] và tiếp tục triển khai Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư năm 2013 về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đã đặt ra ngay yêu cầu phải xây dựng các tiêu chí về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hướng tới tập trung để triển khai và có đánh giá theo các chỉ tiêu, tiêu chí đã thống nhất. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04/6/2019 về việc ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 trong đó các chỉ tiêu thuộc lĩnh
vực ATVSLĐ đến năm 2025 và 2030, gồm: “Giảm tần suất tai nạn lao động hàng năm là
5%; Giảm tần suất tai nạn lao động chết người hàng năm là 4,5%; Giảm tần suất tai nạn lao động thương tật nặng hàng năm là 4,5%” [5].
Văn kiện đại hội và Nghị quyết của Đại hội XIII đã chỉ rõ, về phần mục tiêu chung, trong mục về mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021- 2030, có đề ra: “Từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đảm bảo cuộc sống hạnh phúc của nhân dân”, “Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương” [3].
Để Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả, cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, dự báo giai đoạn 2021 – 2025, Những vấn đề cấp bách về an toàn, vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động cần giải quyết, như: ngăn chặn sự gia tăng tai nạn lao động, đặc biệt là các vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết nhiều người trong lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, hóa chất, hóa dầu, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19; Tăng cường giám sát ô nhiễm môi trường lao động, từng bước cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, xây dựng văn hóa ATVSLĐ, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu; nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động, đặc biệt khu vực làng nghề, khu vực nông nghiệp, trong doanh nghiệp vừa và nhỏ, về việc bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, gắn kết với ý thức bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, việc làm và sự phát triển bền vững.
Trên cơ sở những yêu cầu đó Chính phủ và các Bộ, Ngành liên quan cũng có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này như:
1) Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015;
2) Nghị định 39/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động;
3) Nghị định 44/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và
quan trắc môi trường lao động;
4) Nghị định 143/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
5) Thông tư 31/2018/TT-BLĐTBXH hướng dẫn hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;
6) Văn bản hợp nhất 631/VBHN-BLĐTBXH năm 2019 hợp nhất Nghị định hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;
7) Bộ luật lao động năm 2019;
8) Thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH về Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;
9) Nghị định 88/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc;
10) Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;
11) Thông tư 06/2020/TT-BLĐTBXH về Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm
ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành. Để thực hiện được các quy định, yêu cầu của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đến vấn đề đảm bảo an toàn và vệ sinh lao động, đảm bảo các điều kiện về môi trường làm việc cho người lao động thì trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều phải bố trí cán bộ quản lý về an toàn, vệ sinh lao động.
Với tư cách là thành viên của WTO, Việt Nam cần phải tuân thủ các điều kiện liên quan đến An toàn vệ sinh lao động, do vậy, ngành bảo hộ lao động tại Việt Nam đang rất cần nguồn nhân lực lớn. Theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động và nghị định 39/2016/NĐ- CP bắt buộc “các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khai khoáng, sản xuất than cốc, sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất, sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim, thi công công trình xây dựng, đóng và sửa chữa tàu biển, sản xuất, truyền tải và phân phối điện, người sử dụng lao động phải tổ chức bộ phận an toàn, vệ sinh lao động bảo đảm các yêu cầu tối thiểu phải bố trí ít nhất 01 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách khi cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 50 đến dưới 300 người lao động. Với những ngành nghề khác các ngành nghề ở trên, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 300 đến dưới 1.000 người lao động, phải bố trí ít nhất 01 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động theo chế độ chuyên trách” [2], [4].
Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ đào tạo đa ngành nhằm đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực kỹ thuật trình độ cao cung cấp cho sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá Thủ đô Hà Nội. Trong kế hoạch xây dựng và phát triển 5 năm từ 2015 – 2020 tầm nhìn đến năm 2025 nhà trường xác định mục tiêu: Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho Thủ đô Hà Nội. Từng bước xây dựng chương trình, nội dung đào tạo với các ngành nghề phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.