Phương pháp đo

Một phần của tài liệu Giáo trình Dung sai và đo lường kỹ thuật (Nghề: Vẽ và thiết kế trên máy tính - Cao đẳng): Phần 2 - Trường CĐ nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội (Trang 33 - 34)

Phương pháp đo là cách đo, thủ thuật để xác định thông số cần đo. Tuỳ thuộc vào cơ sở để phân loại mà ta có những phương pháp đo khác nhau:

- Dựa vào quan hệ giữa đầu đo với đối tượng đo:

+ Phương pháp đo tiếp xúc: là phương pháp đo mà đầu đo của dụng cụ đo tiếp xúc trực tiếp với chi tiết đo. Giữa đầu đo và bề mặt chi tiết đo tồn tại 1 áp lực gọi là áp lực đo. Ví dụ: đo bằng dụng cụ cơ khí, quang cơ, điện tiếp xúc .. áp lực này làm cho vị trí đo ổn định vì thế kết quả đo tiếp xúc rất ổn định.

Tuy vậy áp lực đo cũng làm cho vật đo bị biến dạng nhất là khi đo các chi tiết làm bằng vật liệu mềm dễ bị biến dạng, hệ thống đo kém cứng vững do đó kết quả đo không chính xác.

+ Phương pháp đo không tiếp xúc: là phương pháp đo không có áp lực đo giữa dụng cụ đo và chi tiết đo như khi đo bằng máy quang học. Do không có áp lực đo nên bề mặt chi tiết đo không bị biến dạng và cào xước ... Phương pháp này thích hợp với những chi tiết nhỏ, mềm mỏng, dễ bị biến dạng, các sản phẩm không cho phép có vết sây xước bề mặt.

- Dựa vào quan hệ giữa các giá trị chỉ thị trên dụng cụ đo và giá trị của đại lượng đo:

+ Phương pháp đo tuyệt đối: Toàn bộ giá trị cần đo được chỉ thị trên dụng cụ đo. Phương pháp đo này đơn giản, ít nhầm lẫn nhưng hành trình đo dài nên độ chính xác kém.

Ví dụ: khi đo bằng thước cặp, pan me, thước đo góc vạn năng.

+ Phương pháp đo tương đối ( phương pháp so sánh ): Giá trị chỉ thị đo chỉ cho ta sai lệch giữa giá trị đo và giá trị chuẩn dùng khi chỉnh dụng cụ đo về giá trị “0”. Kết quả đo phải là tổng của giá trị chuẩn và giá trị chỉ thị:

Trong đó: - Q là kích thước cần xác định ( kết quả đo ) - Q0 là kích thước của mẫu chỉnh 0.

- x là giá trị chỉ thị của dụng cụ.

Độ chính xác của phép đo so sánh phụ thuộc chủ yếu vào độ chính xác của mẫu và quá trình chỉnh “0”.

- Dựa vào quan hệ giữa đại lượng cần đo và đại lượng được đo:

+ Phương pháp đo trực tiếp: là phương pháp đo thẳng vào kích thước cần đo, trị số đo được đọc trực tiếp trên phần chỉ thị của dụng cụ đo. Phương pháp đo này có độ chính xác cao nhưng kém hiệu quả.

Ví dụ như khi ta đo đường kính chi tiết bằng thước cặp, pan me, máy đo chiều dài…

+ Phương pháp đo gián tiếp: Phương pháp đo này không đo chính kích thước cần đo mà thông qua việc đo 1 đại lượng khác để xác định, tính toán kích thước cần đo.

Ví dụ: đo hai cạnh của tam giác vuông rồi suy ra cạnh huyền của tam giác đó hoặc đo đường kính chi tiết thông qua việc đo các yếu tố trong cung hay qua chu vi...

Phương pháp đo gián tiếp thông qua mối quan hệ toán học hoặc vật lý giữa các đại lượng cần đo và đại lượng đo, là phương pháp đo phong phú, đa dạng và rất hiệu quả. Tuy nhiên, nếu hàm quan hệ càng phức tạp thì độ chính xác đo càng thấp.

Việc chọn mối quan hệ nào trong các mối quan hệ trên phụ thuộc vào độ chính xác yêu cầu đối với đại lượng đo, cần chọn sao cho đơn giản, các phép đo dễ thực hiện với yêu cầu về trang thiết bị đo ít và có khả năng thực hiện.

Trong quá trình đo không thể tránh khỏi sai số. Sai số đo phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ mòn, độ chính xác của dụng cụ đo, trình độ và khả năng của người đo, phụ thuộc vào việc lựa chọn dụng cụ đo và phương pháp đo…

Vì vậy việc nắm vững phương pháp sử dụng dụng cụ và lựa chọn đúng phương pháp đo là yếu tố quan trọng quyết định kết quả đo.

Một phần của tài liệu Giáo trình Dung sai và đo lường kỹ thuật (Nghề: Vẽ và thiết kế trên máy tính - Cao đẳng): Phần 2 - Trường CĐ nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội (Trang 33 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(76 trang)