Hoạt động du lịch tại các di sản văn hóa luôn có hai mặt tác động. Nhưng hiệu quả phát triển kinh tế của nó được thế giới công nhận . Đối với di tích đình Thạc Gián, là ngôi đình có niên đại từ thế kỷ XV, nổi bật với giá trị kiến trúc nghệ thuật mang đậm triết lý âm dương và văn hóa đình làng. Những năm gần đây, ngôi đình được biết đến nhiều hơn với hoạt động lễ hội đình làng Thạc Gián. Quá trình điền dã tại đình đã giúp tác giả luận văn đưa ra quan điểm: đình Thạc Gián chưa đủ các điều kiện để trở thành điểm du lịch nhưng có thể khai thác các giá trị của đình gắn với phát triển du lịch của địa phương, thành phố. Với những giá trị khai thác của di tích đình Thạc Gián, các ngành chức năng có thể quan tâm, lồng ghép trong tour du lịch Bảo tàng Đồng Đình - Chùa linh ứng - Ngũ Hành Sơn - Hội An đang được thực hiện hiệu quả thành tour Đình Thạc Gián - Bảo tàng Đồng Đình - Chùa linh ứng - Hội An với thời lượng 01 ngày hoặc mở rộng tour Đình Thạc Gián - Bảo tàng Đồng Đình - Chùa linh ứng - Ngũ Hành Sơn - Hội An với thời lượng 02 ngày. Đây hoàn toàn là những tour du lịch có tính khả thi. Để dự án có thể triển khai thực hiện cần có kế hoạch liên kết với
các công ty du lịch lữ hành xây dựng tour du lịch với các dịch vụ chuyên biệt tạo sức hấp dẫn đối với du khách..
Tiểu kết
Bên cạnh việc phát huy những ưu điểm thì việc đề ra những giải pháp để khắc phục những hạn chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra ngay khi tác giả lựa chọn đề tài nghiên cứu. Phân tích những yếu tố tác động đến công tác bảo tồn và phát huy di tích (cả những tác động tích cực và tác động tiêu cực), các giải pháp được tập trung trong 04 nhóm giải pháp chính: triển khai hệ thống chính sách, văn bản quản lý; kiện toàn và phát huy vai trò của các cơ quan QLNN, các chủ thể quản lý; đẩy mạnh nghiệp vụ bảo tồn và phát huy giá trị di tích; khai thác các giá trị di tích đình Thạc Gián gắn với phát triển du lịch
KẾT LUẬN
Di tích đình Thạc Gián với tuổi thọ gần 700 năm tuổi, trải qua quá trình lịch sử lâu dài với nhiều thăng trầm, biến cố vẫn tồn tại đến ngày nay, trở thành một di sản văn hóa tiêu biểu cho văn hóa đình làng tại thành phố Đà Nẵng, là niềm tự hào của con dân quận Thanh Khê nói chung và các dòng, tộc thuộc làng Thạc Gián nói riêng.
Trên cơ sở lý luận của các nhà khoa học về DSVH và các khái niệm xung quanh lĩnh vực di sản, tác giả đã tổng hợp, rút ra những cách nhìn nhận cá nhân đối với từng thuật ngữ; phân tích nội dung các văn bản pháp quy của Trung ương và địa phương. Từ thực tiễn nghiên cứu, tác giả đã phân tích thực trạng bảo tồn và phát huy di tích đình Thạc Gián trong những năm qua ở một số lĩnh vực, đồng thời khẳng định vai trò của cộng đồng dân cư trong bảo tồn và phát huy di tích.
Nghiên cứu nguyên nhân của những hạn chế, trên cơ sở đánh giá những tác động, tác giả luận văn đã đưa ra 04 nhóm giải pháp cần phải thực hiện song song để công tác quản lý mang lại hiệu quả cao nhất.
Nghiên cứu về công tác quản lý di tích không phải là một đề tài quá khó, song nội dung quản lý di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đình Thạc Gián thành phố Đà Nẵng vẫn luôn là nhiệm vụ đặt ra của các cơ quan quản lý nhà nước tại thành phố Đà Nẵng. Với chức trách của một cán bộ chuyên môn công tác trong ngành, với mong muốn di tích này được bảo tồn và phát huy hiệu quả, tác giả đã lựa chọn nghiên cứu đề tài này./.