tháng 7/2019
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung rà soát, có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm là: đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng.
Tháo gỡ rào cản về điều kiện đầu tư kinh doanh
Đồng thời, các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chủ động đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất, không rõ ràng của các quy định pháp luật và cơ chế, chính sách; xây dựng hành lang pháp lý để quản lý và tạo điều kiện phát triển các hoạt động đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: kinh tế số, kinh tế chia sẻ, thanh toán điện tử, tài sản ảo, tiền ảo...; rà soát, tháo gỡ rào cản về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh để tiếp tục cải thiện, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, bình đẳng.
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; tăng trưởng tín dụng phù hợp, đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế; củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế; tiếp tục triển khai quyết liệt cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, đặc biệt
là các tổ chức tín dụng yếu kém; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan trong quá trình triển khai, bảo đảm an toàn hệ thống; đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công.
Thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán
Đồng thời, Bộ Tài chính tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2019, phấn đấu vượt dự toán thu ngân sách; quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định; khẩn trương hoàn thiện Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước; triển khai hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN tạo thuận lợi thương mại; phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nghiên cứu, xây dựng cơ sở pháp lý để tháo gỡ vướng mắc cho việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của công ty con của doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa; thực hiện hiệu quả giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán, tăng cường quản lý vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp trên thị trường chứng khoán; khuyến khích phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cùng với đó, Bộ Công Thương tích cực thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch, ngăn chặn việc bán phá giá vào thị trường nội địa; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa; khẩn trương thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai ứng dụng các phương thức thanh toán điện tử phù hợp; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền xử lý để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào hoạt động các dự án, công trình công nghiệp, năng lượng trọng điểm.
Ngăn chặn dịch sốt xuất huyết
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh tả lợn châu Phi; chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống cháy rừng; tăng cường công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai; triển khai các biện pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất; hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi, phát triển
chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản... để bù đắp, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Bộ Y tế tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là ngăn chặn dịch sốt xuất huyết; đẩy mạnh thực hiện Chương trình sức khỏe Việt Nam; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ trong các cơ sở y tế gắn với giám sát, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; đồng thời củng cố và tăng cường y tế cơ sở gắn kết với chăm sóc sức khỏe ban đầu phục vụ nhân dân.
Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nguồn khách quốc tế theo địa bàn, quản lý chất lượng điểm đến, tuyến du lịch, nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng, bảo đảm phát triển bền vững; có biện pháp quản lý các tour du lịch 0 đồng, ngăn chặn việc trốn thuế; chuẩn bị tốt cho vòng loại Olympic năm 2020 và Seagames năm 2021.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thiện dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 12 năm 2019; hướng dẫn các địa phương có phương án xử lý đến hết năm 2019 không còn người có công với cách mạng thuộc đối tượng là hộ nghèo; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công; tập trung kiểm tra việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các vi phạm; nghiên cứu giải pháp hạn chế rác thải nhựa, khuyến khích sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường.
Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng
Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ theo dõi, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; tăng cường công khai, minh bạch các kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là tham nhũng “vặt” và tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết công việc trong các cơ quan nhà nước.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương dành thời gian trực tiếp đối thoại với người dân; chủ động giải quyết ngay tại cơ sở những
bức xúc của người dân, không để phát sinh thành điểm nóng, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Theo baochinhphu.vn