Một số nghiên cứu nghiên cứu nước ngoài

Một phần của tài liệu Luan an-1 (Trang 46 - 51)

1.3.1.1. Các nghiên cứu về vai trò H-FABP trong chẩn đoán NMCT cấp

Năm 2009, Bathia D và cs nghiên cứu giá trị bách phân vị 99 của H- FABP dành cho nam và nữ ở tại Anh bao gồm các nhóm tuổi. Nghiên cứu sử dụng đồng thời hai kít xét nghiệm H-FABP của hai hãng khác nhau: Randox Biochip và Dainippon MARKIT-M. Kết quả: giá trị tứ phân vị thứ 99 của nữ và nam tương ứng là 5,3 và 5,8 μg/L (Randox Biochip); 8,3 và 9,1 μg/L (Dainippon MARKIT-M). Sự khác biệt về kết quả xét nghiệm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng các loại xét nghiệm khi giải thích kết quả H- FABP trong thực hành lâm sàng [59].

Nghiên cứu của tác giả Lui Y, trên 55 đối tượng HCVC nhập viện sớm xét nghiệm Troponin T âm tính lần đầu; các xét nghiệm H-FABP và hs-TnT được thực hiện tiếp tại các thời điểm 6, 12, 24 và 48 giờ. Tác giả ghi nhận nồng độ H-FABP đạt đỉnh sau 6 giờ, giảm nhẹ (12,82%) thời điểm sau 12 giờ và giảm rõ rệt khoảng 79% sau 48 giờ. Trong khi đó, Troponin T tăng cao đạt đỉnh sau 12 giờ, giảm 50% sau 48 giờ [60].

Nghiên cứu của Naroo G.Y và cs năm 2009 trên bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau ngực bắt đầu từ 20 phút đến 12 giờ, trong 6 giờ đầu cho thấy H-FABP có độ nhạy cao hơn CK-MB và Troponin I (75,76% so với 68,69% và 58,59%), độ đặc hiệu khá tương đồng [10].

Nghiên của Orak M. và cs năm 2010 cũng cho thấy độ nhạy và độ đặc hiệu của H-FABP trong chẩn đoán HCVC trong thời gian 0 - 6 giờ từ khi có triệu chứng là 98% và 71% cao hơn so với CK-MB có độ nhạy 86%, độ đặc hiệu 52% và Troponin I là 77% và 20% [61].

Một phân tích tổng hợp từ 9 nghiên cứu so sánh giá trị hs-Troponin và H-FABP của tác giả Claassens D năm 2019. Kết quả nhìn chung hs-TnT có

độ nhạy cao hơn với H-FABP nhưng độ đặc hiệu thấp hơn. Với các bệnh nhân nhập viện trong 3 giờ khởi phát triệu chứng, độ nhạy của H-FABP khá tương đồng với hs-TnT, lần lượt là 19 – 63% so với 25 – 55%. Trong khi đó độ đặc hiệu H-FABP cao hơn so với hs-TnT (70 - 99% so với 57 - 86%), ngược lại diện tích dưới đường cong của hs-TnT cao hơn so với H-FABP (0,67 - 0,92 so với 0,69 - 0,85) [62].

1.3.1.2. Các nghiên cứu về vai trò H-FABP tiên lượng ngắn hạn và dài hạn nhồi máu cơ tim

Nghiên cứu OPUS-TIMI 16 trial O’Donoghue M (2006), H-FABP được xét nghiệm trên 2.287 bệnh nhân HCVC, thời điểm lấy mẫu xét nghiệm trung bình 41 ± 20 giờ sau khi nhập viện. Điểm cắt trong chia nhóm H-FABP căn cứ vào giá trị bộ kit xét nghiệm, H-FABP tăng khi > 8,0ng/ml, ghi nhận ở 332 bệnh nhân (14,5%). Kết quả, bệnh nhân tăng H-FABP có tỷ lệ nguy cơ tử vong tăng cao (HR = 4,1, KTC 95% 2,6 – 6,5), tái NMCT (HR = 1,6, KTC 95% 1,0 – 2,5), suy tim mất bù (HR= 2.6; KTC 95% 1,9 – 3,5) trong 10 tháng theo dõi. Giá trị tiên lượng H-FABP cũng được thể hiện rõ trên cả 2 nhóm bệnh nhân có xét nghiệm Troponin tại thời điểm nhập viện, cụ thể với nhóm Troponin I âm tính (HR = 2,1; KTC 95% 1,3 – 3,4), nhóm Troponin I dương tính (HR = 3,3; KTC 95% 2,0 – 5,3). Mô hình hồi quy Cox hiệu chỉnh các yếu tố: đặc điểm nhân khẩu học, đặc điểm lâm sàng, độ thanh thải creatinine, biến đổi đoạn ST, Troponin, sự tăng cao nồng độ H-FABP vẫn giữ nguyên giá trị tiên lượng với các trường hợp xảy ra biến cố nói chung (HR = 1,9, KTC 95% 1,3 – 2,7). Đối với từng loại biến cố: tử vong (HR = 2,7, KTC 95% 1,5 – 4,9), suy tim nặng nhập viện (HR= 2,4, KTC 95% 1,2 – 5,0). H-FABP, Troponin và BNP cung cấp một thông tin toàn diện hơn trong tiên lượng các biến cố với việc sử dụng kết hợp nhiều dấu ấn sinh học trong theo dõi [16].

Biểu đồ 1.1. Kaplan Meier tiên lượng các biến cố tim mạch xảy ra trong quá trình theo dõi

* Nguồn: O’Donoghue M (2006) [16]

Kilcullen N và cs (2007) tiến hành phân tích giá trị tiên lượng H-FABP dựa trên xây dựng mô hình hồi quy đơn và đa biến, mô hình hồi quy Cox để tính toán tỷ lệ rủi ro xảy ra các biến cố theo thời gian trên nhóm bệnh nhân HCVC. 1448 mẫu H-FABP được thu thập, thời gian từ 12 – 24 giờ sau khởi phát triệu chứng, điểm cắt chia nhóm tăng H-FABP và không tăng H-FABP là 5,8 μg/l. Đa số bệnh nhân NMCT cấp ST chênh lên (62,9%), NMCT không ST chênh lên (24,8%) và ĐTNỔĐ (12,3%). H-FABP phân thành các phân nhóm dựa trên các khoảng tứ phân vị: nhóm Q1 H-FABP ≤ 6,4 μg / l (n = 360), Q2 H-FABP 6,4–12,4 μg/l (n = 364), Q3 H-FABP 12,4–36,2 μg/l (n = 362), Q4 H-FABP > 36,2 μg/l (n = 362).

Mô hình hồi quy đơn biến theo từng nhóm tứ phân vị H-FABP, HR hiệu chỉnh theo từng nhóm: Q1 HR =1,0, Q2: HR = 2,32 (KTC 95% 1,25 - 4,30, p = 0,007), Q3 HR = 3,17 (KTC 95% 1,73 - 5,82, p <0,001) và Q4 HR = 4,88 (KTC 95% 2,67 - 8,93, p <0,001). Mô hình hồi quy logistic đa biến sử dụng các yếu tố trong thang điểm GRACE, kết hợp hs-CRP và Troponin I, tỷ lệ tử vong trong 12 tháng theo dõi, HR hiệu chỉnh theo từng nhóm tứ phân vị H-FABP: Q1 HR = 1,0, Q2 HR = 2,58 (KTC 95% 1,37 - 4,85, p = 0,003), Q3 HR = 3,77 (KTC 95% 2,01 - 7,07, p <0,001) và Q4 HR = 6,59 (KTC 95% 3,40 - 12,74, p <0,001) [63].

Biểu đồ 1.2. Kaplan-Meier tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân theo khoảng tứ phân vị H-FABP

*Nguồn: Kilcullen N (2007) [63]

Nghiên cứu của tác giả Viswanathan K năm 2010 trên 1.080 bệnh nhân nhập viện được chẩn đoán HCVC, H-FABP được thu thập ở thời điểm từ 12 – 24 giờ sau khi khởi phát triệu chứng. Sau khi loại trừ các bệnh nhân NMCT cấp ST chênh lên, 955 bệnh nhân đủ tiêu chuẩn tham gia nghiên cứu. Biến cố tim mạch chính ghi nhận gồm tử vong và tái nhập viện do nhồi máu cơ tim, thời gian theo dõi thấp nhất trong 12 tháng (trung vị 18 tháng), tỷ lệ có biến cố 96/995 (10,1%). Nghiên cứu này tác giả xây dựng giá trị “cut-off” của H- FABP dựa trên tính toán số lượng biến cố chia đều cho 4 nhóm H-FABP, nhóm 1 < 3,26 μg/ml, nhóm 2: 3,27–6,48 μg/ml, nhóm 3: 6,49 – 12,77 μg/l, nhóm 4 >12,78 μg/l, mỗi nhóm ghi nhận 24 biến cố. Kết quả: Nồng độ H- FABP là một yếu tố tiên lượng độc lập tử vong hay tái nhồi máu cơ tim, sau khi đã điều chỉnh phân tích đa biến. Bệnh nhân với nồng độ H-FABP > 6,48 μg/l có tỷ lệ xảy ra các biến cố cao hơn nhóm ≤ 6,48 μg/l (HR 2,62, KTC 95% 1,30 – 5,28, p = 0,007) [64].

Nghiên cứu tổng hợp FAB 1 của tác giả Pearson I. R và cs (2011) so sánh giá trị tiên lượng tử vong các bệnh nhân HCVC giữa H-FABP và

Troponin trên các bệnh nhân xét nghiệm Troponin âm tính lần đầu; H-FABP được xét nghiệm tại thời điểm 12 – 24 giờ sau nhập viện. H-FABP được giải phóng vào tuần hoàn trong quá trình thiếu máu cục bộ cơ tim và sau khi cơ tim bị hoại tử, trái ngược với Troponin chỉ được giải phóng sau khi cơ tim bị hoại tử. Tác giả đã chỉ ra rằng có một nhóm bệnh nhân HCVC có nguy cơ cao bị biến cố tim mạch và tử vong mặc dù mức Troponin bình thường khi nhập viện. Ngược lại, một số bệnh nhân HCVC được chỉ định chụp mạch vành dựa trên mức Troponin ban đầu cao là không thực sự cần thiết. Các nhóm bệnh nhân này sẽ được chăm sóc, điều trị tốt hơn nếu bổ sung thêm H-FABP trong quá trình tiếp cận ban đầu, cụ thể, tại thời điểm kết thúc nghiên cứu (6 năm), tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân là 43,5%. Tỷ lệ tử vong căn cứ cặp giá trị xét nghiệm: Troponin(-)/H-FABP(-) là 20,9%, Troponin(−)/H-FABP(+) 56,4%, Troponin(+)/H-FABP(-) 20,2%, Troponin(+)/H-FABP(+) 49,1%. Tỷ lệ tử vong không phụ thuộc vào tình trạng Troponin nhưng liên quan chặt chẽ đến nồng độ H-FABP [65].

Năm 2013, Matsumoto S và cs nghiên cứu trên 1.283 bệnh nhân sau NMCT cấp, xét nghiệm H-FABP được thu thập sau khi được can thiệp, điều trị NMCT ổn định, trung bình 20 ngày sau khi khởi phát triệu chứng, thời gian theo dõi trung bình 1.785 ngày. Trong 176 bệnh nhân có biến cố (14%) bao gồm: tử vong do mọi nguyên nhân n = 81, tái nhồi máu n = 44, nhập viện do suy tim nặng n = 51. Bệnh nhân được chia thành hai nhóm dựa trên điểm “cut-off” H-FABP xây dựng từ đường cong ROC là 6,08 ng/ml. Nhóm bệnh nhân tăng H-FABP > 6,08 ng/ml có tỷ lệ tử vong cao hơn nhóm bệnh nhân có H-FABP ≤ 6,08 ng/ml (18,3% so với 3,8%), tái nhập viện do suy tim (10,3% so với 2,6%, p < 0,01) nhưng không cao hơn về tỷ lệ tái NMCT (4,5% so với 3,2%, p = 0,187). Phân tích hồi quy COx, nhóm tăng H-FABP có liên quan tới tăng nguy cơ tử vong (HR = 1,91, KTC 95% 1,02 – 3,51, p = 0,039), tái nhập viện do suy tim (HR = 2,49, CI 95% 1,15 – 5,39, p = 0,020) [66].

Một phần của tài liệu Luan an-1 (Trang 46 - 51)