1 Chính phủ,(9/4/202), Tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 20
2.4.6. Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số
Hiện đại hóa hành chính là xu hướng không thể phủ nhận trong bối cảnh cách mạng khoa học-công nghệ phát triển mạnh mẽ hiện nay. Việc ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào hoạt động hành chính nhà nước không chỉ làm tăng năng suất lao động mà còn góp phần quan trọng làm thay đổi phương thức làm việc của cán bộ, công chức, hướng tới một môi trường hành chính hiện đại. Những giải pháp chủ yếu bao gồm:
- Phát triển đồng bộ và song hành, tương hỗ ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông với cải cách hành chính nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp dịch vụ công, của cán bộ, công chức.
- Ứng dụng công nghệ thông tin -truyền thông trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính nhà nước, giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân.
- Thực hiện có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng trong các cơ quan hành chính nhà nước.
- Hoàn thiện và đẩy mạnh hoạt động của Mạng thông tin điện tử hành chính của Chính phủ trên Internet. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước để hầu hết các giao dịch của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trên môi trường điện tử, mọi lúc, mọi nơi, dựa trên các ứng dụng truyền thông đa phương tiện.
- Xây dựng trụ sở cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương hiện đại, tập trung ở những nơi có điều kiện.
Tóm tắt chương 2
Cải cách hành chính là khâu đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhưng công tác chỉ đạo thực hiện trong thời gian qua chưa ngang tầm, chưa kiên quyết và thiếu đồng bộ. Công tác chỉ đạo, điều hành chưa được tiến hành nghiêm túc, thường xuyên. Một số chủ trương đúng đã được các Hội nghị của Đảng khẳng định, có quyết định và giải pháp cụ thể của Chính phủ nhưng chưa được chỉ đạo sát sao thực hiện nên kết quả thấp so với yêu cầu đặt ra.
Việc đầu tư về nhân lực, trí lực, nguồn lực cho cải cách hành chính còn chưa thỏa đáng. Kinh phí để triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ cải cách hành chính chưa được hướng dẫn thống nhất.
Chúng ta còn phải cải cách mạnh mẽ nhiều hơn nữa nền hành chính nhà nước mới có thể nâng cao được sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhanh chóng thoát khỏi nguy cơ tụt hậu so với trình độ phát triển chung của khu vực và thế giới, tạo đà phấn đấu để nước ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
III. KẾT LUẬN
Quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, tuy không chính thức được đặt ra ngay từ buổi đầu thành lập Nhà nước công nông đầu tiên, nhưng tư tưởng pháp quyền, Nhà nước của dân, do dân và vì dân được đề cập khá sớm. Từ điều kiện thực tế của đất nước, kế thừa những tinh hoa, giá trị tiến bộ của nhân loại, đường lối đổi mới của Đảng đã định hình rõ những quan điểm lớn, sâu sắc và toàn diện về xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, sau này là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, là xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, đề cao vai trò của luật pháp. Điều này cũng chính là việc kế thừa tư tưởng của Hồ Chủ tịch về một Nhà nước kiểu mới “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”, cơ sở để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa sau này. Đây là bước tiến về nhận thức lý luận, thể hiện giá trị chung của nhân loại và đặc điểm riêng của chính thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được thực hiện trong đời sống kinh tế, xã hội và chính trị của đất nước.
Các nước phát triển với truyền thống hành chính lâu đời, hệ thống luật pháp tương đối ổn định và đầy đủ, trình độ phát triển kinh tế-xã hội và tương ứng với nó là ý thức dân chủ, ý thức pháp luật của đại bộ phận dân cư cũng như đội ngũ cán bộ, công chức đã đạt tới mức độ tương đối cao khiến cho các giải pháp cải cách hành chính nhà nước được áp dụng sẽ khác với ở các nước đang phát triển.Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, cải cách hành chính là một quá trình thay đổi có chủ định nhằm hoàn thiện các bộ phận của nền hành chính để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của hành chính công trong quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân, góp phần thực hiện thành công công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đảng và Nhà nước ta đã xác định: Cải cách hành chính phải xuất phát từ điều kiện cụ thể của Việt Nam, có tham khảo kinh nghiệm của các nước. Việc nghiên cứu, vận dụng những bài học kinh nghiệm từ các cuộc cải cách ở các nước sẽ góp phần quan trọng tạo nên thành công của công cuộc cải cách hành chính ở nước ta hiện nay.