Hai chân duỗi thẳng tự nhiên, hai mũi bàn chân hơi xoay chúc vào nhau để sử dụng má trong bàn chân nhằm tăng thêm diện tích đập nước, cổ chân thả lỏng, khớp hông phát lực trước, dùng đùi kéo theo cẳng chân, bàn chân để đập vút xuống dưới (theo kiểu vút roi) luân phiên giữa hai chân.
Biên độ đập nước rộng khoảng 30cm - 40cm, Bàn chân và cẳng chân khi đập nước không được nhô lên khỏi mặt nước. Đồng thời đập chân nên tạo ra một ít bọt nước trắng và gọn. Hiệu quả động tác đập chân quyết định bởi việc phát lực vút chân và độ linh hoạt của khớp cổ chân.
Khi đập chân xuống, đùi phát lực để ép đùi xuống dưới. Do tác dụng của quán tính, lúc này cẳng chân và bàn chân vẫn tiếp tục di chuyển lên trên làm cho khớp gối gập lại một góc khoảng 1500. Khi hết lực quán tính, do đùi ép xuống kéo theo cẳng chân và mu bàn chân đập nước xuống dưới. Chính lúc này tạo ra hai loại lực, một lực làm cho cơ thể nổi lên một lực thành phần đẩy cơ thể tiến ra phía trước.
Do vậy, khi nâng chân lên cần phải dùng một lực tương đối nhỏ. Song đập chân xuống cần phải dùng lực lớn mới có thể tạo ra được lực tiến và lực nổi lớn.
Hình 16 - Giai đoạn co chân6
b) Bơi ếch
Động tác chân là động lực chủ yếu tạo ra lực tiến cho cơ thể. Để phân tích kỹ thuật, có thể chia động tác chân thành các giai đoạn sau: Co chân, xoay bàn chân, đạp chân và lướt nước. Trên thực tế cả 4 giai đoạn đó là một chuỗi động tác liên tục và gắn bó chặt chẽ với nhau.
Giai đoạn co chân:
Co chân là động tác đưa chân từ vị trí duỗi thẳng lên phía bụng đến vị trí thuận lợi cho bẻ chân, động tác co chân đúng phải tạo ra lực cản nhỏ nhất, đồng thời phối hợp hợp lý với động tác tay.
Khi bắt đầu co chân, cùng với động tác hít vào, hai chân chìm xuống một cách tự nhiên, hai gối tách dần ra, cẳng chân co về phía trước. Khi co cẳng chân, bàn chân thả lỏng, gót chân đưa sát vào mông, vừa co vừa tách. Khi co chân nên dùng sức nhỏ (co chậm) đồng thời cẳng chân nấp sau hình chiếu của đùi để giảm lực cản.
Xoay bàn chân:
Trong kỹ thuật bơi ếch, động tác xoay bàn chân rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đạp nước, vì xoay bàn chân sẽ tạo ra diện tích đạp nước lớn hơn. Xoay bàn chân tốt hay xấu phụ thuộc vào độ mềm dẻo, linh hoạt của khớp cổ chân, khớp gối và khớp hông.
Khi co chân kết thúc, bàn chân vẫn tiếp tục đưa vào sát mông. Lúc này hai đầu gối hơi ép vào nhau, đồng thời hai bàn chân xoay mũi chân ra ngoài làm cho phía trong cẳng chân và bàn chân vuông góc với hướng tiến của cơ thể. Như vậy diện tích đạp nước sẽ lớn hơn.