Từ thực trạng nghiên cứu, điều tra cơ bản; tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và các vấn đề môi trường như đã phân tích ở trên đã cho thấy một số vấn đề lớn cần được quan tâm giải quyết trong giai đoạn tới là:
- Hiểu biết về biển chưa đầy đủ, thiếu toàn diện; thông tin, dữ liệu về biển còn thiếu, phân tán, không đồng bộ, chưa được quản lý thống nhất, cơ chế cung cấp, chia sẻ chưa hợp lý;
- Chưa thực hiện phân vùng chức năng các vùng biển nên còn xảy ra xung đột giữa khai thác, phát triển kinh tế với bảo vệ, bảo tồn, thậm chí xung đột đến mức gay gắt ở một số nơi cùng với việc thiếu quy hoạch tổng thể nên không gian phát triển vùng ven biển nhiều nơi bị bó hẹp, hạn chế độ mở ra biển, thiếu sự kết nối với không gian biển khơi, khu vực và toàn cầu;
- Đất đai, tài nguyên vùng ven biển, trên các đảo bị khai thác, sử dụng chưa hiệu quả và thiếu bền vững ở nhiều địa phương; nguồn lợi hải sản, một số tài nguyên bị khai thác quá mức, đang bị cạn kiệt, suy thoái nhanh;
- Các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm cỏ biển bị thu hẹp diện tích, xuống cấp về chất lượng, nhiều loài sinh vật biển bị đe dọa tuyệt chủng, đa dạng sinh học biển trên đà suy thoái nhanh; hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên trên biển chậm được thiết lập, một số khu bảo tồn đã có nhưng chưa được quan tâm đầu tư và quản lý đúng mức;
- Nguồn thải từ đất liền ngày càng lớn, ô nhiễm trên biển gia tăng, sự cố môi trường xảy ra thường xuyên hơn, ô nhiễm xuyên biên giới đang tác động mạnh đến các vùng biển nước ta, một số khu vực đã bị ô nhiễm đến mức báo động;
- Tài nguyên và môi trường biển, đặc biệt là các hệ sinh thái biển tiếp tục chịu áp lực lớn từ phát triển kinh tế biển, kinh tế - xã hội vùng ven biển, từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Một số nguyên nhân chính của những bất cập, tồn tại nêu trên là:
- Chính phủ đã ban hành Nghị định 25/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, thành lập Tổng cục biển và Hải đảo Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức quản lý tài nguyên, môi trường biển vẫn trên cơ sở tiếp cận đơn ngành, phân tán, chồng chéo, trùng lặp, thậm chí mâu thuẫn. Còn thiếu khuôn khổ pháp lý, cơ cấu tổ chức quản lý theo vùng biển, quản lý các đảo, quần đảo, đặc biệt là các đảo, quần đảo không người;
- Cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất biển chưa được quy định rõ và chưa được vận hành thông suốt; thiếu định hướng chiến lược, quy hoạch, các quy phạm pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức, các công cụ hỗ trợ...; thiếu cơ chế giám sát tổng hợp các hoạt động trên biển, vùng ven bờ và trên các đảo;
- Tổ chức, nguồn nhân lực nghiên cứu, điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, quản lý tổng hợp và thống nhất biển còn nhiều bất cập; chức năng, nhiệm vụ quản lý phân tán, mâu thuẫn, chồng chéo; còn nhiều khoảng trống trong quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường biển;
- Đầu tư, chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, cơ chế huy động và sử dụng nguồn lực tài chính cho quản lý tổng hợp và thống nhất biển còn nhiều bất cập;
- Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ về điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, quản lý tổng hợp và thống nhất biển chưa được quan tâm đúng mức;
- Hợp tác quốc tế về tài nguyên và môi trường biển chưa phát huy hiệu quả, chưa có sự phối kết hợp hiệu quả với các nước trong khu vực; còn thụ động, chỉ tham gia khi có tài trợ nước ngoài hoặc đề xuất của các tổ chức quốc tế, chưa chủ động phát hiện, đề xuất những nội dung cần hợp tác về nghiên cứu, điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường biển.
II. T ÌNH HÌ NH TÀ I NG UY Ê N V À M Ô I T RƯ Ờ NG B IỂ N NƯ Ớ C TA 31