- Tìm hiểu nghệ thuật biểu hiện nhân vật trong tiểu thuyết “Thủy hử” Nhân vật trong hai tập truyện ngắn “Gào thét” và “Bàng hoàng” của Lỗ
3.3. Kết luận chung
Lý luận văn học vẫn là ưu tiên số một trong khi lựa chọn các phương pháp tiếp nhận văn học của khóa luận tốt nghiệp (chiếm 51.95 %). Mọi vấn đề về lý luận văn học đều được sinh viên soi chiếu vào để phân tích tác phẩm từ đề tài, chủ đề, tư tưởng; nhân vật, tính cách; cốt truyện, kết cấu đến ngôn ngữ. Như thế, văn bản tác phẩm luôn là trung tâm trong quá trình tiếp nhận.
Phương pháp “đọc” và “hiểu” theo kiểu xã hội học chính trị là phương pháp phổ biến trong những năm 60 đến 80 của tình hình nghiên cứu văn học nước ta nói chung và của sinh viên khoa Ngữ văn - Đại học tổng hợp nói riêng. Khóa luận sử dụng phương pháp nghiên cứu này chiếm thứ hai sau lý luận văn học. Chức năng văn học trong giai đoạn này chủ yếu là phục vụ chính trị nên đã chi phối sâu sắc đến phương pháp tiếp cận của hầu hết khóa luận nhất là các khóa luận từ 1966 - 1986. Phương pháp này chỉ tỏ ra phù hợp trong hoàn cảnh xã hội bấy giờ. Sử dụng nó trong nghiên cứu khoa học dễ dẫn đến cách nhìn chính trị hóa văn học. Người tiếp nhận dễ đi đến những suy diễn, gán ghép thiếu chính xác, không đảm bảo tính khách quan. Tác phẩm văn học có một đời sống tự thân nó sau khi rời tác giả. Không phải trong tác phẩm văn học nào đời sống xã hội đề cập trong nó trùng với hoàn cảnh lịch sử xã hội đương thời. Vì thế, sử dụng phương pháp này vào tiếp cận tác phẩm sẽ khó tránh khỏi việc tách văn bản ra khỏi đời sống xã hội mà nó phản ánh.
Thi pháp học, phong cách học là phương pháp hiện đại và ngày càng được sử dụng phổ biến bởi nó phát huy tác dụng nhất định trong quá trình tiếp nhận văn học của độc giả. Cách tiếp cận này được các khóa luận sử dụng để tìm hiểu thi pháp thơ và tiểu thuyết và truyện ngắn. Tuy nhiên, cách hiểu về thi pháp được dùng với tư cách khái niệm lý thuyết công cụ có phần khác quan điểm thi pháp học hiện nay. Thi pháp là hệ thống mở, tìm hiểu thi pháp mỗi tác phẩm, chính là tìm hiểu hình thức của một tác phẩm, một thể loại, một tác gỉa và một phương pháp sáng tác nhất định nào đó. Ví dụ trong khóa luận: “Tìm hiểu thi pháp tam quốc diễn nghĩa” của sinh viên Lã Minh Luận có quan điểm như sau: “Tìm hiểu thi pháp Tam quốc diễn nghĩa chính
là tìm hiểu hình thức cụ thể của tác phẩm, của thể loại. Tìm hiểu những yếu tố cấu thành được xây dựng bằng sự tổng hợp sinh động của hệ thống phương tiện như: Tổ chức kết cấu nghệ thuật kể chuyện và miêu tả, nghệ thuật sử dụng ngôn từ, những yếu tố này diẽn đạt cả bên trong lẫn bên ngoài tổ chức nội dung tác phẩm. Trong khi tìm hiểu thi pháp Tam quốc, chúng tôi đã liên hệ những yếu tố đó thành một chỉnh thể thống nhất, tạo nên sự tồn tại nhất định của giá trị tác phẩm” [48; 58 - 59]. Trong khóa luận “Phong cách tiếp cận đề tài li biệt trong thơ Lý Bạch - Đỗ Phủ” của sinh viên Nguyễn Thị Thu thì phong cách được thể hiện qua cách tiếp cận thiên nhiên, cách tiếp cận thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật; cách tiếp cận vấn đề “riêng”, “chung” và cảm hứng chủ đạo của Lý Bạch và Đỗ Phủ trong mảng đề tài “Li biệt”. Trong khóa luận “Bước đầu tìm hiểu thi pháp thơ Đỗ Phủ” người viết triển khai đề tài theo cảm hứng chủ đạo trong thơ Đỗ Phủ; nghệ thuật tự sự kết hợp trữ tình trong thơ Đỗ Phủ; nghệ thuật mô tả tình và cảnh, kết cấu trong thơ Đỗ Phủ. Như thế, cách tiếp cận theo thi pháp học, phong cách học đã cho thấy những ưu điểm khi nghiên cứu tác phẩm một cách khoa học, lôgic và chặt chẽ.
Văn học so sánh là phương pháp tiếp cận mới và phù hợp khi mà nền văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn học Trung Quốc. Chủ yếu các đề tài theo phương pháp này đều đề cập đến sự ảnh hưởng của thơ Đường đối với các sáng tác trong thơ ca dân tộc. Cái nhìn văn học so sánh này được trình bày có sự khác nhau giữa các khóa luận. Chúng tôi lấy ví dụ về hai khóa luận:
“Vấn đề kế thừa di sản thơ Đường và sáng tạo cái mới qua Truyện Kiều
của Nguyễn Du” của sinh viên Nguyễn Đăng Cư và “Nguyễn Du với tinh
hoa thơ cổ điển Trung Quốc” của sinh viên Mang Thị Bích Phương. So sánh
hai phần đầu của khóa luận chúng tôi thấy”: Trong khóa luận thứ nhất dành cả một chương lớn là Chủ nghĩa Mac - Lênin với việc kế thừa di sản văn thơ Đường qua Truyện Kiều của Nguyễn Du để làm cơ sở cho đề tài. Trong phần này, người viết tiếp tục chia thành ba luận điểm: Lý luận của chủ nghĩa Mac - Lênin về kết thừa di sản văn học; sự giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc Việt Nam - Trung Quốc; Sơ bộ tìm hiểu một vài yếu tố tạo nên sự thành công của
thơ Đường. Trong khóa luận thứ hai, người thực hiện chỉ kết cấu thành một chương là: Vài nét về sự giao lưu văn học cổ Trung Quốc với văn học cổ Việt Nam. Phạm vi của hai đề tài này là tương đối trùng nhau nên dù sự so sánh luôn là có phần khập khiễng, chúng tôi vẫn muốn nhìn nó trong quan hệ so sánh nhằm nhấn mạnh cách nhìn nhận cùng một vấn đề xuất phát từ quan điểm cơ sở lý luận giữa hai khóa luận. Khóa luận đầu được thực hiện năm 1974, khóa luận sau được thực hiện năm 1997 và đều cùng người hướng dẫn là GS.TS Lê Đức Niệm. Qua 23 năm, vấn đề về lý luận đã có cái nhìn thoáng hơn, cụ thể và trực diện hơn về đối tượng nghiên cứu.
Tìm hiểu việc dịch thuật, nghiên cứu văn học Trung Quốc ở Việt Nam mới chỉ đi vào những nghiên cứu thơ ca, tiểu thuyết cổ điển nói chung chứ chưa đề cập đến một tác phẩm nào cụ thể. Trong công trình: “Tình hình giới thiệu, nghiên cứu và phiên dịch thơ ca Trung Quốc ở Việt Nam từ trước đến nay” của sinh viên Nguyễn Thị Mỹ Linh đã triển khai hệ thống luận điểm làm ba phần: Vị trí của nền văn học Trung Quốc và quá trình giao lưu, văn hóa ở Việt Nam; Thơ ca Trung Quốc được giới thiệu ở Việt Nam như thế nào?; Dịch từ Hán sang Việt đó là một khoa học và nghệ thuật. Có thể thấy, khóa luận này nghiêng về tiếp nhận văn hóa và ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đối với văn học Việt Nam nhiều hơn là nghiên cứu về kĩ thuật dịch dưới góc độ ngôn ngữ. Mặc dù đây cũng là một vấn đề quan trọng của tiếp nhận văn học nhưng lại chưa có những nghiên cứu chuyên sâu, cụ thể.
Khóa luận tốt nghiệp là công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu đầu tiên của sinh viên. Vì thế, phong cách học của nó là phong cách học khoa học, hạn chế sử dụng những từ ngữ biểu thị cảm xúc. Tuy nhiên, khi khảo sát các khóa luận đặc biệt là trong giai đoạn từ 1966 - 1986 đa số vẫn trình bày theo lối dựa vào cảm nhận chủ quan của người viết, giọng văn phù hợp với phê bình hơn là nghiên cứu.