THỦ TỤC CÔNG NHẬN KẾT QUẢ HÒA GIẢI NGOÀI TÒA ÁN Điều 414 Công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án (mới)

Một phần của tài liệu 57a05065-cd17-42bc-8ccd-8b1b0300c8e3 (Trang 156 - 157)

Điều 414. Công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án (mới)

Kết quả hòa giải các vụ việc ngoài Tòa án giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền, tổ chức có nhiệm vụ hòa giải theo quy định của pháp luật được Tòa án xem xét công nhận theo quy định tại Chương này.

Điều 415. Điều kiện công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án (mới)

1. Người tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. 2. Người tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý.

3. Các bên hoàn toàn tự nguyện, không có tranh chấp sau khi có kết quả hòa giải và cùng có đơn yêu cầu Tòa án công nhận.

4. Nội dung thỏa thuận hòa giải không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.

Điều 416. Hồ sơ yêu cầu công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án (mới)

1. Người có yêu cầu phải cùng gửi đơn đến Tòa án. Đơn yêu cầu ghi rõ ngày tháng năm yêu cầu, người yêu cầu, tên cơ quan, tổ chức hòa giải, nội dung và kết quả hòa giải.

2. Kèm theo đơn yêu cầu là biên bản hòa giải và các tài liệu liên quan đến nội dung hòa giải.

Điều 417. Thủ tục công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án (mới)

1. Sau khi nhận được đơn yêu cầu và tài liệu kèm theo, Tòa án phải vào sổ thụ lý và thông báo cho những người liên quan biết về việc Tòa án đã thụ lý

đơn yêu cầu trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu và tài liệu kèm theo. Người tham gia thỏa thuận, người có quyền, nghĩa vụ liên quan theo yêu cầu của Tòa án phải có ý kiến về yêu cầu công nhận thỏa thuận hòa giải ngoài Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo.

2. Việc chuẩn bị xét đơn yêu cầu và những người tham gia phiên họp giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 365 và Điều 366 của Bộ luật này. Trường hợp người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến nội dung hòa giải được Tòa án triệu tập hợp lệ vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì Tòa án hoãn phiên họp.

3. Thủ tục tiến hành phiên họp giải quyết yêu cầu công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án được thực hiện theo quy định tại Điều 368 của Bộ luật này.

4. Người tham gia thỏa thuận hòa giải không có ý kiến khác và đủ điều kiện quy định tại Điều 415 của Bộ luật này thì Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải.

5. Tòa án ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án trong các trường hợp sau đây:

a) Quá thời hạn cung cấp chứng cứ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 365 của Bộ luật này mà người tham gia hòa giải, người có quyền, nghĩa vụ liên quan không bổ sung theo yêu cầu của Tòa án;

b) Người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến nội dung kết quả hòa giải được Tòa án triệu tập hợp lệ vắng mặt lần thứ hai;

c) Không đủ điều kiện quy định tại khoản 4 Điều này

6. Quyết định công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án hoặc quyết định không công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án được gửi cho người tham gia thỏa thuận hòa giải, người có quyền, nghĩa vụ liên quan biết.

7. Quyết định công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án, Quyết định không công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án có hiệu lực thi hành ngay sau khi ban hành, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Quyết định công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án có thể bị kháng nghị theo giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật này.

8. Kết quả hòa giải ngoài Tòa án được Tòa án ra quyết định công nhận sẽ được cơ quan thi hành án dân sự thi hành như bản án, quyết định của Tòa án theo pháp luật về thi hành án dân sự.

CHƯƠNG XXXIV

Một phần của tài liệu 57a05065-cd17-42bc-8ccd-8b1b0300c8e3 (Trang 156 - 157)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(195 trang)
w