Ngày 18 tháng 02
năm 2021, Ủy ban châu Âu chính thức công bố chiến lược chính sách thương mại giai đoạn 2021 - 2030 trên tinh thần
“Tự chủ chiến lược mở - Open Strategic Autonomy”, đặt ra 3 mục tiêu cốt lõi trong trung hạn thông qua việc đẩy mạnh 6 lĩnh vực ưu tiên với chuỗi các hoạt động trọng tâm. Chính sách được đưa ra trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế và bất ổn chính trị tại khu vực và trên thế giới diễn biến phức tạp và đóng vai trò trong việc hỗ trợ EU phục hồi tăng trưởng sau đại dịch Covid-19, đối phó với các thách thức như biến đổi khí hậu, chủ nghĩa đơn phương và thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế xanh và kỹ thuật số, hướng tới xây dựng một châu Âu bền vững hơn trên thế giới.
Hướng đến trung hạn, EU đã đề ra các mục tiêu cốt lõi bao gồm: hỗ trợ phục hồi và chuyển đổi cơ bản nền kinh tế EU theo các mục tiêu về kinh tế xanh và kỹ thuật số; định hình các quy tắc toàn cầu hóa bền vững và công bằng hơn; nâng cao năng lực của EU trong việc theo đuổi các lợi ích và thực thi các quyền của mình một cách tự chủ khi cần thiết. Theo đó chính sách sẽ tập trung vào 06 lĩnh vực ưu tiên: (1) Cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới WTO; (2) Hỗ trợ chuyển đổi sinh thái và thúc đẩy chuỗi giá trị có trách nhiệm và bền vững; ((3) Hỗ trợ chuyển đổi số và thương mại dịch vụ; (4) Tăng cường tác động của EU về quy định pháp lý; (5) Đẩy mạnh quan hệ đối tác với các nước láng giềng và châu Phi;
(6) Tăng cường tập trung triển khai và thực thi các hiệp định thương mại và đảm bảo một sân chơi bình đẳng.
Về cơ bản, chính sách thương mại mới của EU đề cao chủ nghĩa đa phương, tôn trọng trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ cũng như tập trung giải quyết nhiều vấn đề theo cách tiếp cận phát triển bền vững, môi trường và lao động. Trong bối cảnh EU đang phải đối mặt với một loạt thách thức lớn liên quan tới nhiều vấn đề như chính trị, kinh tế và xã hội, đặc biệt là các hệ lụy kinh tế từ đại dịch Covid-19 thì việc đưa ra chiến lược thương mại mới được coi là bước định hướng thức thời, nhằm củng cố mối liên kết nội khối, khôi phục nền kinh tế, đồng thời tái khẳng định một khối thị trường chung trật tự, ổn định và đầy cơ hội trên nền tảng chính sách thương mại “cởi mở, bền vững và quyết đoán”; định hình các quy tắc thương mại toàn cầu bình đẳng và bền vững; đồng thời tập trung đưa ra phương án giải quyết những thay đổi
và phát triển sắp tới trong các lĩnh vực được ưu tiên trong chính sách của EU gồm biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi kỹ thuật số và định hình đường hướng quan hệ đối ngoại của khối.
Chính sách thương mại mới của EU cũng thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ những lợi ích, giá trị EU ở cả trong và ngoài khối, sẵn sàng sử dụng các công cụ cần thiết để đảm bảo một sân chơi công bằng và bình đẳng. Trong đó có việc áp dụng các biện pháp phi thuế quan, phòng vệ thương mại; tăng cường chuẩn hóa, luật hóa các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật; kiểm soát chặt nguồn gốc xuất xứ, các vấn đề môi trường, xã hội, phát triển bền vững.
Trong những năm gần đây, cùng với làn sóng các thỏa thuận thương mại thế hệ mới, EU chủ trương phát triển và đa dạng hóa quan hệ với các đối tác cùng tư tưởng thông qua mạng lưới các hiệp định thương mại tự do. EU hiện đã ký kết và đang đàm phán các FTAs với khu vực châu Á - Thái
Bình Dương và châu Mỹ Latinh, mở ra những cơ hội kinh tế, thương mại, đầu tư đáng kể. Các FTAs là nền tảng để tăng cường hợp tác, theo đuổi các giá trị và lợi ích của EU, là cơ sở để gắn kết với các thị trường và quốc gia quan trọng trên thế giới. EU sẽ tập trung vào việc tận dụng các lợi ích từ các hiệp định, tăng cường thực thi và giám sát chặt chẽ việc thực thi các cam kết của hiệp định, gắn chặt chẽ các vấn đề phát triển bền vững, môi trường, lao động với thương mại.
Việt Nam có thuận lợi rõ nhất là Hiệp định EVFTA là FTA thế hệ mới có nhiều mục tiêu tương đồng với chiến lược thương mại mới của EU điển hình như mở cửa thị trường, phát triển bền vững, thương
mại số với phạm vi cam kết sâu rộng, tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác hai Bên trong thời gian tới. Trong khi cơ cấu kinh tế giữa Việt Nam và EU mang tính bổ sung tương hỗ, ít cạnh tranh trực tiếp; môi trường kinh tế - chính trị Việt Nam ổn định cũng là các yếu tố hỗ trợ tích cực. Đây cũng là cơ hội lớn để Việt Nam cùng chia sẻ nhiều lợi ích quan điểm và giá trị chung như thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tự do thương mại và thượng tôn pháp luật. Theo đó, vai trò của Việt Nam sẽ ngày càng được khẳng định trong các định chế đa phương; hệ thống thể chế, khung pháp lý có những bước cải thiện rõ nét. Cơ hội tiếp cận công nghệ “số và xanh” hiện đại và tiên tiến của EU để đẩy mạnh cơ cấu
lại nền kinh tế theo hướng “đi tắt đón đầu” hướng đến kinh tế số và xanh, thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi công nghệ cũ sang công nghệ tiêu chuẩn cao, giúp hàng hóa Việt Nam có ưu thế về chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường. Chuyển đổi số sẽ giúp nâng cấp tổng thể nền kinh tế, cải thiện hiệu suất chuỗi cung ứng, cải thiện cơ sở hạ tầng, cải cách thể chế… Đối với Việt Nam, có nền kinh tế kết nối với EU bằng Hiệp định EVFTA, với vị trí trung tâm ASEAN, với chính sách kinh tế ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, kinh tế số, tăng trưởng xanh sẽ có nhiều cơ hội hưởng lợi trong việc hợp tác cùng phát triển với EU trong thời gian tới.
Doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm hỗn hợp sang EU lưu ý cập nhật quy định mới